Phóng sự - ký sự

Nhật ký sông quê

08:06, 08/12/2018 (GMT+7)

Bỗng ngậm ngùi nhớ câu nói của Heraclitus, nhà triết học duy vật Hy Lạp thời cổ đại và được coi là ông tổ của phép biện chứng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

Tường rào nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng giờ cách mé sông chưa tới 100m. Ảnh: NHƯ HẠNH
Tường rào nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng giờ cách mé sông chưa tới 100m. Ảnh: NHƯ HẠNH

Ngày… tháng… năm…

Dù đã bắt đầu sang đông nhưng lâu lắm rồi chưa thấy cơn mưa xuất hiện. May mà mấy hôm nay áp thấp nhiệt đới nên cánh đồng hai bên bờ sông Quá Giáng xâm xấp nước. Những thửa ruộng khô hạn bấy lâu như kẻ khát nước ngửa mặt uống cạn những cơn mưa hiếm hoi của mùa đông vừa đến.

Chúng tôi ngồi trong tiền sảnh, chuyện trò cùng ông Đinh Viết Thành, bà con quen gọi là Hai Thành, chánh hội chủ nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng, cách mé sông chưa tới 100 mét mà vẫn nghe rõ tiếng mưa vỗ xuống mặt sông rì rào như một lời than thở…

Vào những tháng 10, tháng 11 giờ này mấy năm trước, nước sông dâng cao băng trắng đồng. Lớn nhất cũng ngập cột nhà thờ trên 5 tấc, nhỏ nhất cũng xâm xấp nền gạch tiền sảnh. Vậy mà năm nay…, điền vào câu nói bỏ lửng là tiếng thở dài da diết của người giữ hồn ngôi nhà thờ có tuổi đời hơn 200 năm được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia bên dòng sông này.

Sông Quá Giáng có tên khác là sông La Thọ dài gần 15km, là một phân lưu của sông Vu Gia như sông Yên, nhưng tách ra ở vùng hạ lưu, chảy theo hướng tây - đông bắc, ra địa phận Đà Nẵng rồi hội lưu với sông Vĩnh Điện ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, giáp với phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Con sông quê trong trí nhớ của các ông Hai Thành, Mười Mong, và những người dân sống hai bên bờ như Quá Giáng, Cồn Mong (xã Hòa Phước) và Quang Châu, Giáng Đông (xã Hòa Châu)… là một dòng sông trong lành và an yên đến lạ.

Mỗi khi bắt chuyện, bao giờ ông Thành cũng bắt đầu bằng hai tiếng “hồi trước”, nghĩa là cách đây mấy chục năm trời. Đó là quãng thời gian con sông Quá Giáng mang đúng nghĩa con sông quê mát rượi, trù phú. Làng Quá Giáng lúc đó có hẳn một xóm gọi là xóm Ghe đông đúc làm nghề cá trên sông. Đêm đêm ghe, thúng bơi dọc sông kéo lưới, thả chài, đặt nò… đông vui biết mấy. Tiếng gõ mạn thuyền dụ cá vang dài trên sóng nước làm nên một nét vẽ bình yên của chốn quê nhà.

Sông Quá Giáng vốn dĩ có mặt nước rất thấp so với cánh đồng rộng lớn trải hai bên sông. Mùa hè nước cạn không đủ tưới tiêu nên từ thời Pháp thuộc người ta đã đào một kênh dài gọi là kênh Lạc Thành, dẫn nước từ ba-ra An Trạch về tưới cho địa phận ngày nay có tên là Hòa Châu, Hòa Xuân, Hòa Phước.

Để điều tiết nước từ kênh ra cánh đồng Cồn Mong phía tả ngạn sông, người Pháp cho xây một “phui” - một từ phiên âm từ tiếng Pháp fouille, nghĩa là lượng đất đào để làm các loại cống tròn. Giờ xem trên Google Maps, thấy ở vị trí phui ghi là “Trạm điều tiết thủy lợi”.

Ngày trước, “phui” không chỉ làm nhiệm vụ điều tiết thủy lợi mà còn là nơi để trẻ chăn trâu tránh trú mưa dầm nắng gắt, cho người làm đồng ngồi hứng cơn gió sông mát lạnh vỗ mặt ngày hè. Chính vì vậy, cái cống điều tiết nước được đặt trên địa phận Cồn Mong bỗng trở thành điểm nhấn đẹp và thơ mộng cho phía tả ngạn sông Quá Giáng.

Và nếu ví con sông lượn lờ như mái tóc cô gái quê xanh mượt ngô khoai thì công trình “phui” với ngôi nhà nhỏ đổ mái bằng, nằm dưới bóng hàng dừa lả lơi bên cống nước trong xanh được xem như chiếc kẹp giắt hờ hững cho nhan sắc quê thêm phần duyên dáng.

Ngày… tháng… năm…

Dường như tất cả các con sông quê khi chảy qua miền hồi ức của mỗi người đều lóng lánh vẻ đẹp đậm chất tráng ca. Con sông Quá Giáng không là ngoại lệ…

Ông Mười Mong, thủ từ nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng mấy chục năm nay, mỗi khi có ai khơi gợi thời thơ ấu lại cảm thấy nao nao trong dạ. Ông lớn lên ở xóm Chiêm Lai hạ, thôn Quá Giáng, tuổi thơ ông và những bạn cùng trang lứa gắn liền với con nước lớn nước ròng.

Vì chưng sông quê rất thấp so với cánh đồng nên mùa hè có thể lội ngang qua sông. Một thời, để có nước tưới ruộng vườn, người dân phải đan mành tre, trét dầu rái thành một cái máng xối khổng lồ bắc trên những thân tre cắm xuống lòng sông để dẫn nước từ phui bên kia sông về cánh đồng làng mình. Nhưng mành tre vốn dễ mục nát với nắng mưa, chỉ cần một con lũ lớn từ thượng nguồn đổ về thì công sức của cả làng coi như trôi sông lạc bể.

 

Mãi về sau này, ông Lê Cừ - người có nhiều chữ nhất làng lúc bấy giờ làm nghề dạy học, được dân làng gọi một cách nể trọng là Trợ Cừ - áp dụng quy tắc bình thông nhau để làm ống nước bằng thùng phuy sắt hàn nối nhau bắc trên dãy cọc cắm sâu dưới lòng sông để đưa nước về làng.

Từ đó, sông Quá Giáng trở nên thật đặc biệt với đường ống nước dài 200m chạy là là trên mặt nước qua sông. Ngày hè, trẻ con ngoài những trò đi câu, xúc hến, tắm sông quen thuộc thì nay có thêm trò làm xiếc bằng cách dẫn nhau chạy nhanh qua lại trên dãy thùng phuy qua sông.

Những chiều hè nắng hắt trên mặt sông vàng ruộm, từng đoàn con nít đánh cái quần tà lỏn, cởi trần, tóc tai phất phơ, chạy lướt qua sông nhìn từ xa trông thật kỳ ảo. Trò này sau này được một anh chàng học trò trong làng mê truyện chưởng Kim Dung đổi tên thành tuyệt kỹ công phu “Thủy thượng phiêu” (chạy lướt trên nước) cho nó oách.

Ban ngày, dòng sông Quá Giáng như một cô gái quê hay lam hay làm nhưng đêm đến con sông quê hóa thành dòng sông của những chàng dũng sĩ. Những chuyến đò bí mật đưa cán bộ, du kích từ căn cứ Bồ Bồ về tuyên truyền hoạt động ở các vùng Hòa Châu, Hòa Phước, thường đi lại trên sông và lấy địa điểm nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng làm nơi hội họp.

Ngày ấy, thủ từ của nhà thờ là ông Nguyễn Giá, nếu còn sống thì cũng hơn 100 tuổi, là cơ sở cách mạng, đêm đêm cầm đèn pin ra hiệu cho thuyền chở cán bộ cập bờ an toàn. Và cũng chính ông nhiều lần chèo ghe đưa du kích ngược sông lên cầu Cất (thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa) trở lại căn cứ Bồ Bồ (xã Điện Tiến).

Tết Mậu Thân 1968, bộ đội chủ lực về đánh đồn Miếu Bông, nơi trung đoàn 51 địa phương quân chế độ cũ đóng quân. Dòng sông lại một lần nữa viết nên khúc tráng ca khi góp phần không nhỏ vận chuyển bộ đội hành quân, đưa thương binh về căn cứ.

Bà Ngô Thị Cúc, 70 tuổi, ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, vẫn không quên cái Tết Mậu Thân 1968 âm vang đầy tiếng súng. Lúc đó bộ đội về đông lắm. Sau khi đóng quân tại nhà dân, bộ đội đã giải thích và hướng dẫn đồng bào tản cư tránh bom đạn. Nhiều người dân Quang Châu, Giáng Đông dắt nhau băng đồng Cồn Mong, qua phui vượt sông sang tá túc tại nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng.

Ngày… tháng… năm…

Vậy mà, mấy mươi năm trôi qua, dòng sông xưa nay chỉ còn là không gian hoài tưởng đúng nghĩa nhất. Tôi là một trong những đứa trẻ lớn lên từ dòng sông mát rượi hiền hòa. Nồi cá bống kho tiêu, bát canh hến ngọt lừ, con cá rô chiên dầm nước mắm gừng… ăn cùng bát cơm lúa mới, đậm đà vị quê đều từ dòng sông mà có. Vậy mà những điều tưởng chừng như quá giản dị ấy bỗng hóa thành xa xỉ.

Hai người phụ nữ làm vườn gần đó, vào tránh mưa. Chị cứng tuổi hơn, nghe chúng tôi trò chuyện về con sông quê mình, góp lời rằng nước sông bây giờ “răng mà trong kính”… Nghĩa là ít cá tôm quá bởi nước sông giờ đây đã ô nhiễm. Ngay cả bò, trâu cũng không dám uống nước sông vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, huống gì...

Mấy năm trước, giọng ông Hai Thành đượm buồn, không chịu được mùi hôi nồng nặc, bà con kéo lên công ty gây ô nhiễm để… làm tới. Cơ quan chức năng xử lý, công ty chỉ mới khắc phục được một phần nào chứ cũng chưa dứt điểm được.

Con kênh Lạc Thành - con kênh từng mang niềm vui cho cánh đồng và người dân quanh vùng như tên gọi của nó - nay trở thành hoang phế. Từ những năm 90, chương trình bê-tông hóa kênh mương, thay nguồn nước sử dụng từ ba-ra An Trạch bằng nguồn nước từ trạm bơm Bích Bắc đã kết thúc vai trò lịch sử của con kênh xưa cũ này. Vai trò điều tiết nước của phui huyền thoại cũng chấm dứt, trở thành cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, “đóng góp” ít nhiều cho việc làm ô nhiễm dòng sông.

Ngày trước ông bà mình đi làm về ra sông tắm giặt, thậm chí khát nước vục nước sông lên mà uống. Bây giờ nếu lỡ ra đồng dính bùn đất thì ráng về nhà mà tắm rửa. Cái thú tiêu dao tắm sông, câu cá nay chỉ còn là sự xa xỉ quá mức đối với dân quê sinh sống ở đôi bờ. Xóm Ghe ngày trước đông vui thế giờ chỉ còn lèo tèo vài hộ giữ nghề, nhưng phải rời sông quê xuống mưu sinh tận sông Cái, con sông từ Vĩnh Điện chảy ra làm ranh giới thiên nhiên giữa huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn.

 

Sông Quá Giáng vốn là nguồn tiếp nước quan trọng cho sông Vĩnh Điện và sông Hàn, nhưng đang ngày càng lâm vào tình trạng sạt lở thường xuyên, sông mở rộng ra và ăn sâu vào khu dân cư ở ven bờ với mức báo động.

Ông Hai Thành kể, để chống sạt lở trên sông Quá Giáng, mấy năm trước, huyện Hòa Vang đã đầu tư kinh phí xây dựng một bờ kè đoạn sông thuộc xóm Chiêm Lai thượng dài gần cây số. Sau đó, khi triển khai Dự án tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương, xây dựng hai cây cầu mới bắc qua sông Quá Giáng và sông Yên thì đoạn sông phía trên có kè chống sạt lở nên cũng đỡ đôi phần nhưng vẫn còn nhiều đoạn bờ quãng sông vẫn đe dọa sạt lở khi lũ về…

Nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng ngày trước cách bờ sông khá xa, chừ nằm ngó ra mặt sông ngày ngày đối diện với nguy cơ bị xâm thực bởi sông cứ lấn dòng vào vườn tược từng ngày không ngơi nghỉ.

Ngày… tháng… năm…

Mấy hôm nay trời mưa, nước sông đục ngầu và lớn lên trông thấy. Đi dọc từ bờ sông xóm dưới (Chiêm Lai hạ) lên xóm trên (Chiêm Lai thượng) rồi qua chiếc cầu vừa hợp long bắc qua sông Quá Giáng, trong làn mưa lất phất của ngày đông, dòng sông tịnh không một bóng ghe thuyền.

Bỗng ngậm ngùi nhớ câu nói của Heraclitus, nhà triết học duy vật Hy Lạp thời cổ đại và được coi là ông tổ của phép biện chứng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Chạnh buồn, khi sông quê giờ đã có một dòng khác...

NHƯ HẠNH

.