Nhật ký đôi bàn tay

.

Những năm tháng cuối đời, khi không còn đôi bàn tay lại là quãng thời gian đẹp và hạnh phúc nhất mà họ trải qua. Đó là câu chuyện về 2 nữ bệnh nhân phong Nguyễn Thị Than (86 tuổi) và Nguyễn Thị Chép (87 tuổi) suốt 7 năm nay sống trong Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Mỗi ngày của họ trôi qua trong sự bận rộn, tất bật và tình yêu thương của các cán bộ, nhân viên y tế nơi đây.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiền chăm sóc bữa ăn trưa cho cụ Than.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiền chăm sóc bữa ăn trưa cho cụ Than.

Đợt nắng nóng tiếp tục trở lại, bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng hối thúc Phòng Kế hoạch, tài chính lắp đặt thêm cái máy điều hòa để 2 cụ nằm cho mát. Điều hòa lắp lên, cụ Chép giọng yếu yếu, run run: tắt đi, không chịu được! Mọi người phá lên cười rồi chiều theo ý cụ, bật quạt, buông rèm che bớt chút hanh nắng phía ban công đang phả hơi nóng vào phòng.

Những tháng ngày khó nhọc

Những năm 60 của thế kỷ trước, căn bệnh phong là nỗi ám ảnh của nhiều người. Bệnh nhân mắc phong luôn bị kỳ thị, ruồng bỏ và cách ly khỏi xã hội. Mắc bệnh khi còn tuổi thanh xuân nhưng cụ Than, quê ở Huế phải khăn gói tìm vào làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tá túc. Cũng thời điểm ấy, ở vùng đất Phú Ninh, Quảng Nam, cụ Chép đã không chịu được áp lực của làng xóm phải ngậm ngùi ra đi mà không mong có ngày được trở lại. Sống hơn nửa thế kỷ trên đất làng Vân, các cụ luôn mang trong mình nỗi đau đáu nhớ quê và sự tủi hổ, tự ti vì căn bệnh “ăn mòn cơ thể”. Những ngón tay, ngón chân cứ mòn dần, mòn dần theo tuổi tác.

Năm 2012, chính quyền thành phố Đà Nẵng bắt đầu đưa những cư dân làng Vân trở về nơi ở mới tại khu liền kề phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Sau hàng chục năm sống chung với căn bệnh phong, 4 bàn chân 2 cụ đã cụt hẳn. Cụ Than 10 ngón tay không còn. Còn 10 ngón tay cụ Chép bị co rút lại không cử động được. 2 cụ bơ vơ, không người chăm sóc tại nơi ở mới.

Trong tình cảnh ngặt nghèo ấy, người ta đưa 2 cụ vào Bệnh viện Da liễu để tiếp tục theo dõi, điều trị định kỳ. “Tình hình 2 cụ lúc đó căng quá vì không có người thân ở bên cạnh. Hết đợt điều trị rồi nhưng không thấy ai đến đón về khu liền kề để ở, trong khi sức khỏe của 2 cụ là phải có người hỗ trợ thường xuyên. Các nhân viên họp bàn là thống nhất giữ 2 cụ lại bệnh viện để tiện chăm sóc, hỗ trợ rồi tìm phương án. Vậy mà thấm thoắt cũng 7 năm rồi”, bác sĩ Hùng nhớ lại.

Cụ Chép vốn có 4 người con nhưng cuộc sống khó khăn nên số lần vượt đèo Hải Vân vào thăm mẹ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những năm gần đây, các con của cụ, người thì mất, người bị ung thư nên khát vọng đoàn viên càng trở nên xa vời. Với cụ Than, chút tình thân còn lại là gia đình người em trai còn ở trong quê nhưng cũng đã lâu lắm rồi bà chưa gặp lại. Đó cũng là lý do Bệnh viện Da liễu trở thành mái nhà thứ 2 của các cụ.

Trong căn phòng nằm giữa hành lang khoa Da lây, 2 cụ được các nhân viên y tế thay phiên nhau chăm sóc, từ tắm rửa, vệ sinh, thay áo quần cho đến bón từng muỗng cơm, thìa cháo. Mấy hôm nay trời nắng nóng, sức khỏe cụ Chép không ổn định khiến cụ ngủ thiếp cả ngày. Bữa cơm trưa của cụ cũng khó nhọc và diễn ra chậm chạp hơn.

“Có nhiều bữa cụ đang ăn thì ngủ thiếp đi nên phải tìm cách chuyện trò, chọc cười để cụ thức giấc. Có như vậy thì cụ mới không bị sốc thức ăn”, vừa bón từng thìa cơm, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiền chia sẻ. Ở giường bên cạnh, cụ Than nhìn sang cười móm mém và không quên lời thì thầm: “Cơm hôm nay hơi nhiều, sợ ăn không hết thì uổng lắm”.

Chị Hiền nghe vậy buông tô cơm cụ Chép, quay sang đút cơm và động viên cụ Than: “Bà phải cố ăn cho hết chỗ này. Ăn nhiều lên mới có sức khỏe được”. Bà cụ lặng im, nhưng sâu trong quầng mắt nhăn nheo vì tuổi tác ấy lại ánh lên niềm hạnh phúc.

Làm đôi tay cho các cụ

Là điều dưỡng được phân công trực tiếp chăm sóc 2 cụ, chị Hiền không nhớ nổi một ngày mình chạy tới chạy lui bao nhiêu lần để phục vụ các nhu cầu hằng ngày cho các cụ. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn tại bệnh viện, lúc rảnh chị lại sang pha trò, tâm tình với các cụ. Đôi bàn tay của chị Hiền cũng chính là đôi bàn tay không còn 10 ngón của cụ Than, là đôi bàn tay dính chặt lại không cử động được của cụ Chép.

“Cũng có lúc bận rộn phải chạy đua cho kịp mọi việc nhưng riết rồi quen. Nhất là khi thấy 2 cụ không người thân thích bên cạnh và luôn mong ngóng mình như mong ngóng người thân nên mọi người ở đây đều bảo nhau phải cố gắng bảo bọc, hỗ trợ cho nhau”, chị Hiền cho biết.

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng xem 2 bệnh nhân đặc biệt như người nhà.
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng xem 2 bệnh nhân đặc biệt như người nhà.

Khoản trợ cấp ít ỏi hằng tháng dành cho 2 cụ không đủ cân đối hết mọi chi phí điều trị phát sinh, ăn uống, nhu yếu phẩm hằng ngày. Suốt 7 năm nay, những nhân viên y tế tại bệnh viện chia ra các hướng để kêu gọi, tìm kiếm sự hỗ trợ giúp các cụ. “Người góp hộp sữa cho các cụ bồi dưỡng, người nấu thêm phần cơm cho các cụ. Mấy hôm nay có mạnh thường quân hỗ trợ nên buổi sáng mua thêm phở nhiều thịt bò và một ít sữa để các cụ bồi dưỡng cho có sức khỏe, vì tuổi tác càng cao sức khỏe càng giảm sút”, chị Hiền chia sẻ.

Tháng trước, cụ Chép có dấu hiệu trở nặng ở vết thương phía chân. Các bác sĩ đưa cụ vào Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Tuy Hòa (Phú Yên) điều trị. Được mấy hôm cụ nằng nặc đòi về vì… nhớ các cô điều dưỡng tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng quá! Mọi người biết chuyện, phải thuyết phục mãi cụ mới chịu ở lại điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Kim Văn Hùng, việc theo dõi, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho 2 cụ không đáng bận tâm bằng việc đỡ đần các cụ trong sinh hoạt hằng ngày. Điều may mắn, đó chính là sự đồng lòng chia sẻ của các nhân viên y tế nơi đây, khi họ nguyện làm đôi tay, đôi chân nâng đỡ, dìu dắt các cụ trong từng bước đi, tỉ mẩn trong từng nếp sinh hoạt hằng ngày.

“Mỗi người một tay chia sẻ những thiệt thòi, mất mát của các cụ. Và điều quan trọng hơn hết, điều đó xuất phát từ chính tâm tình của các nhân viên y tế, như cách họ muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho người bệnh”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng mọi người vẫn trêu đùa 2 cụ, rằng sắp phải chia tay bệnh viện. Sự lo lắng trong những đôi mắt lèm nhèm, lão hóa ấy lại nhanh chóng vụt tan, bay theo tiếng cười đùa của các nhân viên y tế ngoài hành lang bệnh viện. Bởi họ biết, đây mãi mãi là nhà của 2 cụ.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.