Sống trong lòng ngư dân

.

Đại úy Biên phòng Hà Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà) là tấm gương tiêu biểu trong công việc và cuộc sống. Trò chuyện với anh, tôi tìm được cảm nhận rất riêng và vô cùng cảm phục về người chiến sĩ mang quân hàm xanh mà nhân dân luôn yêu mến.

Đại úy Hà Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang tuyên truyền cho ngư dân thực hiện khai thác thủy sản đúng quy định khi ra khơi.
Đại úy Hà Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang tuyên truyền cho ngư dân thực hiện khai thác thủy sản đúng quy định khi ra khơi.

Đặt mình vào vị trí của người dân  

Tôi gặp Đại úy Hà Ngọc Thắng khi anh đang làm nhiệm vụ kiểm soát tàu qua Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang để ra khơi. Trên tay anh là tờ rơi tuyên truyền về các quy định đánh bắt thủy hải sản ở các vùng biển theo quy định để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động ngư dân ra khơi thực hiện cho đúng. Nằm ở cửa ngõ Âu thuyền – cảng cá Thọ Quang, hằng ngày Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang kiểm tra, giám sát hàng trăm lượt người và phương tiện ra vào; đồng thời làm công tác bảo đảm an ninh trật tự vùng biển từ Âu thuyền Thọ Quang đến vịnh Đà Nẵng.

Việc tiếp xúc hằng ngày với ngư dân, ngoài nhiệm vụ chính của Trạm Kiểm soát Biên phòng, để công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác thủy sản trên biển, Đại úy Thắng và cán bộ, chiến sĩ trạm luôn nêu cao tinh thần vì dân phục vụ, lắng nghe, chia sẻ, tránh gây phiền hà, sách nhiễu ngư dân.

Anh Hà Ngọc Thắng cho biết, trong các đợt tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho người dân, các anh luôn đặt mình vào vị trí của họ để truyền đạt những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất cho người dân dễ tiếp thu, dễ hiểu. Từ đó, bằng những câu chuyện thực tế, sinh động để truyền đạt kiến thức cần tuyên truyền đến người dân tiếp nhận. “Phải đặt mình vào vị trí của người dân, hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của họ, mình nói họ mới nghe, mới thực hiện theo”.

Trưởng thành từ các phong trào Đoàn, Đại úy Hà Ngọc Thắng có nhiều lợi thế trong giao tiếp với người dân, đặc biệt là những ngư dân “ăn sóng nói gió”, chất phác, hồn nhiên. “Mỗi lần sinh hoạt, giao lưu với người dân, mình kiêm luôn dẫn chương trình, cũng biết hát, biết pha trò, khuấy động phong trào cho vui nhộn. Chính sự gần gũi với người dân như vậy, nên được dân tin yêu, cảm thấy được sống trong bầu không khí thân thương, chứ không xa cách gì cả”, Đại úy Thắng nói. Vốn xuất thân từ miền núi, sau khi nhập ngũ, trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, anh lại trở thành sĩ quan biên phòng hoạt động trong môi trường sông biển!

“Ban đầu đi biển cũng say, gặp cuộc sống của ngư dân còn bỡ ngỡ, xa lạ. Nhưng rồi lâu dần thành quen, cứ sống chân thành, và nhiệt tình thì mọi khoảng cách đều dễ xóa bỏ. Mình đừng nghĩ đến cái quyền, ỷ vào cái quyền “kiểm soát” của mình khi làm việc với dân, mà hãy nghĩ đến cuộc sống của họ, những vất vả, cực nhọc của ngư dân để chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giải quyết thủ tục cho họ. Từ đó, những nguồn tin quan trọng trên biển, như tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển chủ quyền, hay nhưng va chạm, vi phạm pháp luật trên biển,… đều được người dân báo về kịp thời, qua đó tổng hợp và báo cấp trên để có chỉ đạo xử lý”, Đại úy Thắng nói.

Tôi lang thang trong khu vực âu thuyền Thọ Quang, hỏi vài ba người làm biển đang đậu tàu ở đây. Hầu như ai cũng biết khi nhắc đến “anh Thắng trạm trưởng”. Cái tên gọi thân quen của họ, xuất phát từ sự gần gũi, chân thành chứ không phải xa cách. Lão ngư Phạm Hưng, chủ tàu ĐNa 90198 hành nghề lưới rê tầng mặt vùng biển Hoàng Sa, cho biết anh Thắng vui tính lắm, rất gần gũi và giản dị. “Mỗi lần tàu qua trạm gặp anh, có con cá ngon cũng dành cho anh ấy. Không phải “mua chuộc” gì đâu, mà là quý cái tình anh ấy đối xử với anh em ngư dân. Làm nghề đánh cá trên biển, tàu có lúc này, lúc khác, nhưng anh ấy linh động trong xử lý, tuy nhiên vẫn bảo đảm các nguyên tắc, quy định cần thiết. Anh Thắng vui thế, giản dị và gần gũi thế chứ cũng kỹ lắm”, ông Hưng cười nói.

“Cứu tinh” của những người cùng quẫn

Trong rất nhiều câu chuyện anh Thắng kể, cũng như tư liệu viết về anh, có lẽ không thể bỏ qua những việc nghĩa mà anh đã làm. Đưa tôi xem hình một nữ sinh (quê tỉnh Gia Lai) xinh xắn đang được ủ ấm bằng chăn của bộ đội ngay tại trạm, anh bảo nữ sinh này buồn tình nên nhảy cầu Mân Quang để tự tử. Khi được tin từ người dân báo trong đêm muộn, anh Thắng đã vùng dậy chạy ra ca-nô nổ máy lao đến ngay dưới chân cầu, tìm vớt cô gái sắp chìm. Cũng tại cây cầu này, anh Thắng đã cứu sống được một cô gái khác ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) do chán nản chuyện gia đình nên nhảy cầu tự tử. Sau này, mẹ cô gái mang rổ cá ra trạm để cảm ơn khiến anh Thắng và anh em trong trạm rất cảm động.

Một lần khác, anh Thắng trên đường đi họp ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố về ngang qua cầu Thuận Phước thì phát hiện một thanh niên đang bò ra mép cầu chuẩn bị lao người xuống dòng sông. Anh Thắng la to: “Khoan, dừng lại anh bảo!”. “Lúc đấy, tôi còn nguyên quân phục, biết tình thế hết sức cấp bách, chỉ chậm vài giây thôi, chắc chắn cậu ấy đã gieo mình xuống sông rồi. Tôi lựa lời thuyết phục theo kiểu đàn ông, rằng: “Muốn chết phải không? Lên đây cho mượn súng, chứ chết dưới sông lại tốn tiền cha mẹ thuê ghe đi tìm xác, uổng lắm!”. Sau “đòn” tâm lý đó, trong giây phút anh thanh niên còn ngập ngừng, anh Thắng đã nắm được tay và cùng với người dân xung quanh đỡ người thanh niên này rời khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về gia đình.

“Mình xuất thân nông dân, đi lính rồi phấn đấu dần lên. Cuộc sống cũng trải qua nhiều cay cực, nhưng đời lính đã trui rèn cho mình sự trưởng thành và bản lĩnh. Có lẽ người trẻ bây giờ ít được trui rèn quá, thành ra hay nghĩ cạn và hành động liều lĩnh, xem thường bản thân cũng như trách nhiệm gia đình. Việc cứu người, dường như là phản xạ tự nhiên thôi, cũng chẳng kịp suy nghĩ gì sâu xa khi nghe báo cứu. Nghe, thấy là lao đi thôi. Thật hạnh phúc, nếu biết những người mình cứu được trưởng thành và có cuộc sống ổn định, vượt qua được mọi ám ảnh quá khứ”, Đại úy Thắng chia sẻ.

Chia tay, chỉ kịp chào nhau, anh Thắng vội vã ra cầu trạm để làm thủ tục cho tàu ra khơi, tranh thủ tuyên truyền, phát tờ rơi cho ngư dân cũng như chúc họ chuyến vươn khơi may mắn trong những ngày bám biển…

Đại úy Hà Ngọc Thắng quê xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, đi lính từ năm 1997, đi học đến năm 2000 rồi vào Quảng Ngãi công tác 9 năm. Sau đó được cử đi học, đến 2011 về làm Trạm phó Trạm kiểm soát công trình 15 - Đồn Biên phòng Sơn Trà. Sau đó 1 năm, anh về nhận công tác Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Hàn cho đến 2016 nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang.

Năm 2012, khi cơn bão Hải Yến có nguy cơ ập vào Đà Nẵng, anh Thắng đang là Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Hàn. Khi đó, rất nhiều chủ tàu trên sông Hàn không chịu rời tàu. Sau khi xuống thuyền vận động đủ kiểu để người dân lên bờ vẫn không được, anh Thắng đã buộc phải “cưỡng chế”, mời họ lên bờ để bảo đảm tính mạng. “Khi cưỡng chế, họ nói ai bảo đảm tài sản của họ, tôi mới bảo rằng, “anh chết thì có bảo vệ được tài sản không?”. Phải có lúc mềm, lúc cứng cần thiết, thì công việc mới giải quyết được. Chung quy cũng vì quyền lợi và tính mạng của người dân”, anh Thắng tâm sự.

Sau thành tích này, anh Thắng được Chủ tịch UBND thành phố và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen vì thành tích cứu hộ, cứu nạn. Qua 8 năm công tác tại Đà Nẵng, Đại úy Hà Ngọc Thắng đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp lãnh đạo vì thành tích công tác tốt, nhất là công tác hòa giải giữa hai bên chủ tàu có va chạm trên biển.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.