Nếu ai đó nói rằng, khi đối diện với bốn bức tường trong bệnh viện, người bệnh chỉ nhìn thấy ở đó những lo toan, phiền não, sự tuyệt vọng không lối thoát, thì nay, đâu đó trên những bức tường đã lấp lánh… những bông hoa.
Một bệnh nhân dùng bữa trưa với “Đĩa cơm trên tường” tại căng-tin Bệnh viện Đà Nẵng. Sau hơn 1 tháng vận động, hơn 70 triệu đồng đã được các tấm lòng chia sẻ, ủng hộ và chuyển hóa thành hàng ngàn suất ăn nghĩa tình cho người bệnh (ảnh bên). Ảnh: Phan Chung |
Hơn một tháng nay, bữa ăn tại căng-tin Bệnh viện Đà Nẵng luôn xuất hiện những nụ cười tươi tắn của người bệnh khi họ được tiếp sức bằng những suất ăn nghĩa tình. Chương trình “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” là sự gắn kết của những con người không quen biết cùng chung nhịp đập yêu thương, sẻ chia với những khó khăn mà người bệnh đang đối mặt.
Chương trình lấy ý tưởng từ nước Ý. Ở đó, những người khách đến uống cà-phê đều không quên mua thêm 1 ly rồi để lại quán. Khách mời chính là những người nghèo khổ, vô gia cư, họ đến sau nhấm nháp ly cà-phê mà không hề biết người mời mình là ai...
Một gói khi no…
Năm thứ 8 đối diện và chật vật sống với căn bệnh suy thận mạn, không khó khăn nào mà chị Nguyễn Thị H. (trú Quế Sơn, Quảng Nam) chưa từng trải qua. Đó không chỉ là chứng suy hô hấp, khó ngủ, huyết áp lên xuống bất chợt hay những đợt cấp cứu chạy đua với tử thần trong đêm mà còn là những bữa cơm thiếu trước hụt sau, xoay xở ngược xuôi để kiếm tiền mua thuốc. Đối với người bị suy thận mạn, người bệnh cứ rơi dần vào cơn túng thiếu.
Mấy hôm nay, nhận được những phiếu ăn từ chương trình “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” khiến chị H. vui ra mặt. “Một suất cơm được tặng có giá 20.000 đồng lận, nhiều hơn bữa ăn bình thường mình mua”, chị nói ngắn gọn. Ngồi trong khu lưu trú cho bệnh nhân suy thận mạn, những con người cùng cảnh như bà K., anh Q., chị A… cùng xúm vào bàn tán, chia vui với câu chuyện của chị H. Đối với họ, đó là sự may mắn, là niềm hạnh phúc bé mọn không phải ai cũng có được trên con đường vốn gập ghềnh và hẹp dần theo năm tháng.
“Đĩa cơm trên tường” là chương trình khá thành công tại thành phố Hồ Chí Minh và Đăk Lăk khi hàng chục ngàn suất cơm được chia sẻ, hỗ trợ đến tận tay người bệnh. Chương trình hoạt động thông qua sự kết nối của chính những y, bác sĩ, những nhân viên y tế ngày đêm trực tiếp tiếp xúc với người bệnh.
Là một trong những người khởi xướng chương trình tại Đà Nẵng, chị Trương Diệu Linh, hiện đang công tác trong ngành y tế hy vọng, chương trình sẽ là điểm tựa thiết thực, ý nghĩa cho người bệnh. Cơ duyên đưa chị Linh đến với chương trình cũng rất tình cờ, trong một lần đi công tác tại Đăk Lăk, thấy các đồng nghiệp tỉnh bạn đứng ra kêu gọi, vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ bữa ăn cho người bệnh.
Chị liền đem ý tưởng ấy về Đà Nẵng, mong những suất ăn nghĩa tình có thể xoa dịu những đớn đau, túng quẫn mà các bệnh nhân đang mỗi ngày phải đối mặt. “Chúng tôi nhận được sự hưởng ứng ngoài mong đợi, khi các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện hết sức ủng hộ. Của ít lòng nhiều cùng nhau góp lại để chia sẻ với bệnh nhân”, chị Linh cho biết.
Cách thức hoạt động, hỗ trợ của “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” cũng rất khác biệt. Thông qua sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội, các y tá, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chương trình sẽ nắm rõ hoàn cảnh của các bệnh nhân, từ đó các phiếu ăn được phát tận tay người bệnh. Sau đó, họ chủ động đến căng-tin bệnh viện lấy suất ăn. Điều mà các thành viên tham gia chương trình tâm đắc nhất, đó là người bệnh có thể chủ động thời gian, bữa ăn trong ngày theo nhu cầu bản thân.
“Cách này, giúp người bệnh xoa dịu đi cảm giác nhận giúp đỡ từ người khác, người bệnh cảm thấy tự nhiên, thoải mái khi nhận quà”, chị Linh nói. Hằng tháng, “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” sẽ trực tiếp thanh toán chi phí với căng-tin bệnh viện thông qua những phiếu ăn mà bệnh nhân để lại.
Lan tỏa điều thiện
Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” đã nhận được hơn 70 triệu đồng từ những tấm lòng. Đây là một con số mà chính những thành viên tham gia chương trình không nghĩ tới. “Điều đó chứng tỏ điều thiện vẫn ở quanh ta, chỉ cần được khơi dậy và kết nối, chúng ta có thể làm những điều có ý nghĩa”, chị Linh nói.
Anh Đặng Hoàng Duy, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, là thành viên tham gia chương trình từ ngày đầu chỉ nói ngắn gọn: “Cách làm của chương trình không rình rang, không cầu kỳ nhưng rất thiết thực, hiệu quả. Đó cũng là điều mà những người chung tay mong muốn”.
Mấy hôm nay, các thành viên của “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” đang tất tả ngược xuôi để tìm mặt bằng tổ chức đêm nhạc gây quỹ. “Đêm nhạc Blouse trắng” là chương trình âm nhạc đầu tiên, dự kiến tổ chức vào tháng 8 tới sẽ là sự kiện kêu gọi các mạnh thường quân tạo quỹ hỗ trợ người bệnh. Sau đó, để “nuôi” chương trình, các bác sĩ trong bệnh viện và bạn bè của họ, sẽ chính là những mạnh thường quân, ca sĩ “thường trực” của “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng”.
Dõi theo những bước đi của các nhân viên y tế cùng tham gia chương trình, một lãnh đạo bệnh viện (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Tôi vui vì người bệnh có thêm sự sẻ chia và vui hơn nữa là sự sẻ chia đến từ chính những nhân viên y tế. Chính họ chứ không ai khác, là người cùng ăn, cùng ngủ, cùng thao thức với người bệnh. Họ hiểu rõ từng hơi thở, ánh mắt, sự lo toan mà người bệnh phải đối mặt mỗi ngày. Vì vậy, hành động của họ càng chân thành, ý nghĩa”.
700 suất ăn là con số ban đầu khi chương trình mới “chạy” được hơn 1 tháng. “Thực ra con số mong muốn thì cao hơn rất nhiều, như chính nhu cầu người bệnh vậy. Điều vui mừng nhất là hiện nay các anh chị đồng nghiệp ở các bệnh viện khác như Bệnh viện Mắt, Ung bướu, Lao-phổi cũng nhiệt tình ủng hộ. Đó là cơ sở quan trọng để trong tương lai “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” đến với các bệnh viện trên toàn thành phố. Đó chính là tâm nguyện của những người làm chương trình như chúng tôi”, chị Linh thổ lộ.
Trên fanpage của chương trình, các thành viên thường vui vẻ nói: “Cách cho đi thứ ba đó là cho đi với tình yêu thương” “Tôi muốn cho đi”... Họ cho đi với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Không vì ép buộc, cũng không vì bổn phận.
Những người làm chương trình “Đĩa cơm trên tường Đà Nẵng” thực sự rất vui vì món quà từ mạnh thường quân mà chúng tôi nhận được là cách cho đi thứ ba. Chúng tôi biết rằng mọi người cũng không phải dư dả gì. Đó là phần hy sinh họ dành cho chương trình, cho những bệnh nhân nghèo gặp khó. Đó chính là tình yêu”.
Nếu ai đó nói rằng, khi đối diện với bốn bức tường trong bệnh viện, người bệnh chỉ nhìn thấy ở đó những lo toan, phiền não, sự tuyệt vọng không lối thoát, thì nay, đâu đó trên những bức tường đã lấp lánh… những bông hoa.
PHAN CHUNG