1. Chị họ của tôi (sinh năm 1988) vừa ly hôn. E cũng là chuyện bình thường trong xã hội bây giờ. Ngày nhận tờ đơn từ tòa án, mắt chị ráo hoảnh, hỏi chị có tiếc không, chị cứng rắn bảo: “Không, chị không cần người chồng chỉ biết kiếm tiền, còn lại phó mặc cho vợ chuyện bếp núc, nhà cửa, chăm sóc con cái”. Chồng chị không la cà nhậu nhẹt sau giờ tan sở, không nặng nhẹ vợ con, làm được đồng nào, anh đưa hết cho vợ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Anh chỉ không biết làm việc nhà vì là con một được cưng chiều từ bé. Hồi anh chị mới cưới ở chung với ba mẹ chồng, chị “phân công” anh mỗi ngày quét nhà, lau nhà, còn chị nấu ăn, rửa chén. Chừng được 1 tháng, mẹ chồng sắp xếp cho anh chị ra riêng vì không thể chịu được cảnh con trai đi làm về là lao vào dọn dẹp nhà cửa.
Bà không rầy la con dâu, chỉ thấy lối sống của con và mình có phần không phù hợp nên ở riêng sẽ tốt hơn. Ngày anh chị đi, bà chỉ dặn: “Vợ chồng nương nhau mà sống. Càng yêu thương nhau chừng nào, càng ít so bì thiệt hơn. Thương chồng thì ngồi ủi cái áo cho chồng cũng nghe thương mùi mồ hôi. Gái có công, chồng không phụ, con nhé!”. Chị nghe như nước đổ qua tai. Với chị, vợ chồng phải bình đẳng, không bao giờ chịu cảnh vợ nấu ăn, chồng ngồi xem ti-vi.
Bất cứ khi nào chị làm gì, anh cũng phải đụng tay đụng chân. Vợ chồng son ra riêng được vài tháng, anh bắt đầu bực bội với sự phân công rõ ràng của vợ. Chị cầm thau đồ lên gác giặt sẽ nói vọng xuống: “Anh ơi, cắm cơm!”. Chị ngồi nhặt rau thì nói vọng lên: “Anh ơi, tưới cây!”. Anh nhớ lại ngày xưa, hồi còn ở với mẹ, mỗi tối, mẹ đem cả loạt áo sơ mi của ba ra ủi, trong khi ba nằm đọc sách.
Thỉnh thoảng, trong sách có chi tiết nào hay, ba lại kể mẹ nghe. Mẹ đi giặt đồ, ba ngồi thảnh thơi trà chiều, còn “nhõng nhẽo”: “Mẹ mi nhanh nhanh xuống nấu ăn chớ ba đói bụng rồi”. Chưa bao giờ anh nghe mẹ “sai” ba làm bất cứ việc gì. Mẹ chỉ có yêu cầu duy nhất là ba đi làm về phải chơi với con cái. Việc này thì ba nghe mẹ, ba làm rất tốt. Mấy anh em anh lớn lên theo hàng chục trò chơi, câu chuyện do ba sáng tạo ra. Anh thèm cái không khí đầm ấm ngày xưa, ở đó, ba là người “xây nhà”, còn mẹ “xây tổ ấm”…
Đỉnh điểm của lá đơn ra tòa là khi bà nội anh lên thăm, thấy cháu trai lau bàn, quét nhà, giặt đồ, xót cháu, bà trách: “Cháu ơi, nó đã đi làm cả ngày mặt mày xâm đen như vậy, sao cháu nỡ để chồng làm đủ việc vậy? Nếu cháu cũng đi làm như nó thì bà không nói, đây cháu đang ở nhà. Nó giúp được việc gì thì giúp, đừng bắt bẻ chồng vậy không nên cháu à”. Vậy là, như được thể, chị tuôn ra bao ấm ức: “Tại sao bà và mẹ cứ có tư tưởng phong kiến như thế? Bây giờ đã là thời đại nào rồi? Vợ chồng phải bình đẳng. Tại sao đàn ông lại không làm việc nhà? Có ngon thì anh ấy ở nhà đi, cháu ra đường kiếm tiền cho. Cả xã hội này người ta ra đường kiếm tiền, có gì mà cực nhọc?”. Anh nghe mà tức điếng người. Anh còn chưa kịp phản ứng thì sáng hôm sau, chị chìa tờ đơn ly hôn tuyên bố: “Ở với tôi thì anh phải theo tôi, nếu không, ly dị đi”. Ừ thì ly dị! Chỉ tội cho đứa con trai chưa đầy tuổi ngơ ngác vì mái ấm tan vỡ quá chóng vánh.
Cách đây vài ngày gặp chị, hỏi lại chị có tiếc không, chị cười buồn: “Không biết có tiếc không, chỉ thấy mình bây giờ là người nghèo tình cảm, nghèo tinh thần. Nếu như chị khéo léo một chút, có lẽ đã khác…”.
2. Mới đây, Tòa án Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn thụ lý đơn ly hôn của đôi vợ chồng trẻ. Chồng sinh năm 1992, vợ kém chồng 2 tuổi. Trong đơn ly hôn, người vợ viết lý do là vì “không hợp”. Tình cờ quen biết chị qua một người bạn, tôi gửi lời hỏi thăm, chị kể, lúc hai vợ chồng lục đục, lời qua tiếng lại, anh ấy nói em không chu toàn vai trò làm vợ, em không pha nước cam cho chồng uống khi anh ấy đi làm về mệt, em không ủi cho chồng bộ đồ thẳng thớm, em không dọn nhà sạch sẽ… “Lại một vụ ly hôn vì việc nhà”, tôi thầm nghĩ.
“Việc nhà” là hai từ nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng bao gồm hàng trăm, hàng nghìn công việc không kể hết. Khi quyết định tiến tới hôn nhân, có nghĩa là hai người đã đồng ý cùng nhau chung tay xây dựng một mái ấm, trong đó bao hàm việc cùng nhau chia sẻ công việc nhà, trước hết là để mỗi người không cảm thấy vất vả, cô đơn; sau nữa, đây cũng là cách để hai vợ chồng hiểu nhau, thông cảm cho nhau, từ đó yêu thương nhau nhiều hơn. Lại nói về cô vợ, khi tôi hỏi: “Những điều chồng em nói có đúng không?”, chị bẽn lẽn thừa nhận: “Thực sự thì em không phải là người giỏi nữ công gia chánh, thu vén gia đình. Anh ấy nói không sai, có lẽ do em chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình”.
Thực tế, mỗi gia đình là mỗi mảnh ghép khác nhau, không ai có thể áp đặt cách thức vận hành của nhà này vào nhà khác. Vậy, phụ nữ giỏi việc nhà có đơn thuần đồng nghĩa là người xây tổ ấm hay không? Nếu đúng vậy thì người ta chỉ cần “sắm” người giúp việc, chiếc máy giặt, máy rửa bát, máy hút bụi là “tổ” đủ “ấm” rồi. Theo tôi nghĩ, phụ nữ không đơn giản là người “nhóm lửa” mà họ nắm giữ một “ngọn lửa” vô hình để luôn hâm nóng cho ngôi nhà mình. Ấy là khi họ biết dùng sự tỉ mỉ, dịu dàng để sưởi ấm mỗi thành viên trong gia đình, biết cách gắn kết để gia đình mãi chẳng muốn rời xa nhau. Cô ấy là người đang ngủ say nhưng có thể bật dậy sớm để chuẩn bị chiếc cà vạt cho phù hợp với áo sơ mi của chồng vì biết tính chồng xuê xoa; cô ấy biết im lặng khi thấy nét mặt chồng mệt mỏi; cô ấy chăm lo cho những đứa trẻ luôn thơm ngát… Thế nhưng, cô ấy làm tất cả những việc đó vì chính bản thân cô ấy cảm thấy hạnh phúc, chẳng phải vì “đó là việc của vợ”, “đó là trách nhiệm của mẹ” như những người vô tâm vẫn nghĩ.
3. Trong một lần đi lấy tư liệu cho bài viết về giảm nghèo, tôi gặp chị Bình, anh Phúc (phường An Hải Tây). Anh ngoài 50 tuổi, cựu binh chiến trường K. Di chứng những năm đi bộ đội khiến sức khỏe anh rất yếu, đổ bệnh liên miên. Bao nhiêu tiền bạc làm ra đều dồn vào tiền thuốc men cho anh, học phí cho con khiến gia đình anh chị nhiều năm thuộc hộ nghèo của phường. Dù vậy, trừ những lúc đau nằm liệt giường, anh đều gắng gượng giúp vợ những công việc vặt trong gia đình. Chị bán gánh bún chả cá nhỏ ở chợ Hà Thị Thân. Sáng ra chị đi sớm, anh cũng lục đục trở dậy mặc chị “la”: “Anh nằm thêm tí nữa đi chớ dậy chi cho sớm”.
Tranh thủ lúc vãn khách, chị chạy chợ mua ít cá, tôm tươi bồi bổ cho chồng. Dù nhà nghèo, chẳng bao giờ chị để mâm cơm trống trải 1-2 món. Chị bảo, sức khỏe anh yếu, ăn kham khổ tội anh lắm. Bán đến gần trưa là chị đẩy xe hàng về, từ đó đến tối chị tất bật với dọn dẹp, giặt giũ, phơi phóng. Căn nhà anh chị tuy nhỏ, không có món đồ nào giá trị nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm.
Chị sợ những hạt bụi bám trên nền nhà sẽ gây cho anh những cơn ho không dứt. Nói về người vợ tào khang của mình, anh Phúc bảo, anh nợ chị thật nhiều, bao nhiêu năm nay, gánh nặng đều lên vai chị, anh chỉ có thể cho chị chỗ dựa tinh thần. Nhà ở ngay thành phố du lịch mà chị đã bao giờ được đến các điểm vui chơi đâu. Mới đây, chị xin ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa với việc không còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và những hỗ trợ khác của địa phương. Chị nói với anh rằng, không lẽ vợ chồng mình ở mãi trong hộ nghèo sao, phải thoát ra, trước hết về mặt suy nghĩ thì mới có động lực để đi đến hành động.
Chị là vậy, dù trong khổ cực, chưa bao giờ thôi mơ ước về tương lai tươi sáng hơn. Nhìn vào gia cảnh anh chị, nhiều người thầm hỏi không hiểu bí quyết gì mà với muôn vàn khó khăn và càng không học hàm học vị cao nhưng lại nuôi dạy nên những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo và duy trì được hạnh phúc gia đình tuyệt vời đến vậy. Với chị, “bí quyết” ở chỗ: “Gia đình tôi luôn đặt chữ “tình” lên trên hết. Chỉ có tình yêu, tình thương là chất keo duy nhất gắn kết các thành viên trong nhà với nhau. Tôi chưa bao giờ xem việc chăm sóc anh là gánh nặng. Ngược lại, tôi chỉ mong anh có sức khỏe để sống thật lâu với vợ con. Bao nhiêu gian khổ tôi cũng vượt qua được, chỉ cần có anh bên mình”.
THẠCH LAM