Tình yêu người thợ giày

.

1. Dạo này thành phố mưa nắng thất thường. Những cơn mưa chiều muộn báo hiệu một cuộc giao mùa sắp đến. Nơi tiệm giày nhỏ có tên Hợp Nhất trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà), người chủ đứng tuổi đang lau những cánh tủ gương mờ hơi nước. Cơn mưa lớn đêm qua mang theo hơi ẩm khiến những đôi giày trưng bày đã lâu trong tủ bị bay keo.

Ông Chiến (trái) đang tư vấn cho khách hàng.
Ông Chiến (trái) đang tư vấn cho khách hàng.

Ông lấy chúng ra khỏi tủ thật cẩn trọng, nâng niu. Từng đôi giày sau khi được dán keo thì được đánh lên một lớp xi mới, bóng loáng, đẹp đẽ. Cũng bằng sự nâng niu ấy, ông xếp đặt chúng lại vào tủ, thừ người, chép miệng: “Con người có số. Giày dép cũng có số. Nếu “sinh” ra vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, chúng bây đâu có cơ hội ngồi chễm chệ trong tủ mà ngẫm sự đời. Làm đôi nào ra là bán đôi nấy. Thậm chí làm không kịp bán”.

Người thợ đóng giày già đang tự sự về một giai đoạn cực thịnh của nghề đóng giày truyền thống. Cách đây chừng 50 năm, cùng với nghề kim hoàn, thợ đóng giày được xã hội rất coi trọng. Thời ấy, người dân ít mang giày nên giày không được sản xuất đại trà, ai muốn mang phải đến thợ giày đặt đóng. Do đó, công việc của thợ giày chủ yếu phục vụ cho tầng lớp thị dân, người có của nả trong nhà, hoặc công chức. Tiệm giày cũng cực kỳ hiếm.

Chỉ những con đường “cái”, họa hoằn lắm mới có một tiệm. Dịp Tết đến, người ở nông thôn đổ xô ra thành thị để mua cho được một đôi giày mới. “Nghề đóng giày thịnh chừng hơn chục năm thì có giảm nhẹ đôi chút. Đó là thời điểm dép tông Lào về nước ta, thay thế cho đôi dép cao su. Dép Lào thổi luồng gió mới vào phong cách ăn mặc của người Việt. Diện áo sơ mi, quần ka ki cùng đôi dép Lào là model của cán bộ, nhân viên khi ấy mỗi lần đi làm việc, họp hành, cưới hỏi, tiệc tùng... Tuy nhiên, nếu là hàng thật thì dép Lào khá đắt tiền, không phải ai cũng dễ dàng sở hữu. Vì vậy, nó chỉ chiếm thị phần nhỏ, chưa thể cạnh tranh với giày dép da truyền thống”, ông Nguyễn Thọ, chủ tiệm giày Hợp Nhất tâm sự.

Ông Thọ vốn là thợ đế (nghề giày có 2 thợ để làm 2 công đoạn riêng biệt: thợ may mũi giày hay còn gọi là thợ má và thợ đế-PV). Thời trai trẻ, mỗi ngày, ông đóng chừng 1 “ri” giày (1 “ri” gồm 5 đôi từ số 38 đến số 43). Hồi ấy, công việc của một anh thợ giày khá vất vả. Các công đoạn tạo nên đôi giày đều được làm bằng tay, từ ra da, tạo mẫu, bào mướt đế bằng mảnh chai thủy tinh bể, vạt bớt da mỏng để xếp mí mũi giày, đục lỗ, may các kiểu.

Đôi giày sau khi được ra dáng thì đến công đoạn dán keo. Keo được nấu từ gạo, dán cố định bên trong mũi giày... Những đôi giày được làm ra từ bàn tay người thợ tâm huyết không còn là sản phẩm thông thường, mà là một tác phẩm nghệ thuật, gói ghém tất cả tình yêu, sự sáng tạo, khéo léo. Theo nghề giày tính đến nay 35 năm, từ khi còn là cậu thanh niên chân ướt chân ráo từ xứ Huế vào Đà Nẵng lập thân lập nghiệp, ông Thọ bảo, nghề giày không cho ông tiền bạc giàu có, nhưng nó chưa để ông một ngày phải bụng rỗng làm việc; đem lại cho ông cuộc sống ổn định, an yên và cả những người bạn “chỉ mang giày do ông Thọ đóng”.

2. Một người thợ giày giỏi là người vừa có thể đóng ra những đôi giày che đi khiếm khuyết của đôi bàn chân, vừa đạt tính thẩm mỹ như những đôi giày thông thường. Gần 30 năm nay, ông Nguyễn Ph. (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đều chỉ mang giày duy nhất ở tiệm giày Dany (đường Nguyễn Bá Lân, quận Ngũ Hành Sơn) của anh Dương Xuân Tương (sinh năm 1972). Ông Phúc bị khiếm khuyết ở đôi bàn chân: Một chân to - một chân nhỏ, một chân cao - một chân thấp, thậm chí bàn chân còn hơi quặp vào bên trong. “Với trường hợp thế này, mình phải “chế” ra đôi giày cao quá cổ chân để che khuyết điểm, đồng thời, phần đế cũng phải được độn thật khéo.

Làm sao để khách mang vào thật thoải mái, bước đi vững vàng là mình hạnh phúc rồi”, anh Tương nói. Anh Tương cũng là một thợ đóng giày dày dạn kinh nghiệm ở khu vực chợ Bắc Mỹ An. Theo lời anh chia sẻ, nghề giày đến với anh như số phận. Anh học nghề từ hồi lớp 8, lớp 9, khi sự nghiệp theo đuổi con chữ vì nhiều lý do không thể tiếp tục.

Vừa học vừa làm cho chủ đâu đó được 3 năm thì anh có tên trong danh sách gọi đi bộ đội. Xuất ngũ, anh lại tiếp tục đi học nghề giày tiệm-cao cấp hơn so với cách làm giày chợ. Nhờ lanh lợi, nắm bắt nhu cầu thị trường, sau vài năm đi làm thuê cho các tiệm giày lớn, anh về lại nhà mở tiệm nhỏ của riêng mình. Những đôi giày da bò thật anh làm ra nhanh chóng được giới công chức quanh chợ Bắc Mỹ An yêu thích. “Làm ra một đôi giày bền thôi chưa đủ, người thợ giỏi cần nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thời trang để cho ra đời những đôi giày được thị trường ưa chuộng về mẫu mã, màu sắc, loại da. Hầu hết các mẫu giày do tôi sáng tạo ra tôi đều nhớ như in. Chỉ cần ra đường thấy ai mang giày của mình là tôi biết ngay. Tôi còn nhớ kỹ đôi giày đó tôi đóng năm nào nữa kia”, anh Tương bộc bạch.

Theo anh Tương, cỡ giày thường chênh lệch 3 ly chiều rộng, 5 ly chiều dài. Do đó, nếu chân cỡ 37,5 thì mua giày số 37 sẽ chật, 38 thì rộng, khi đi bộ sẽ dễ bị “dích” gót. Cách duy nhất để khắc phục nhược điểm này là người thợ đệm thêm một lớp mút bằng cao su dày 5mm. Hay như, người có đôi chân mập bề ngang, người thợ giày sẽ linh động thoa nước vào phía trong bề mặt da để da tăng thêm độ đàn hồi. Sau đó, có thể dùng chân giả bằng nhựa có kích cỡ lớn hơn giày một chút để “nống” cho da giãn ra. Thời gian “nống” giày kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ để da chết. Như vậy, khách hàng sẽ có được đôi giày vừa vặn, sít sao. Chỉ có các tiệm đóng giày thì mới dễ dàng giúp khách các thao tác tại chỗ này.

3. Theo dòng thời gian, nghề đóng giày không còn giữ được chỗ đứng như vài chục năm trước đây. Giày đóng bị quên lãng vì mẫu mã nghèo nàn, giá thành cao và người mua phải chờ đợi từ một tuần đến mười ngày để thợ giày hoàn thành sản phẩm. Trên thị trường hiện nay, riêng giày nhập từ các nước (chủ yếu là Trung Quốc) đủ mẫu mã, kiểu dáng, giá thành; sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với giá thành cạnh tranh ra đời khiến khái niệm đóng giày ngày càng mất dần trong thói quen nhiều người.

Ông Thọ giờ chỉ tự tay đóng những đôi giày khách quen yêu cầu.
Ông Thọ giờ chỉ tự tay đóng những đôi giày khách quen yêu cầu.

Lâu lắm mới ghé lại tiệm giày Avina (đường Ngũ Hành Sơn) của ông Đỗ Văn Chiến (60 tuổi), người thợ giày lớn tuổi vẫn cặm cụi giữa ngổn ngang da, dao, kéo. Đùa với ông nhờ ông đóng giúp cho một đôi giày nữ được không, ông cười hiền: “Bây chọc chú hả? Giày nữ giờ thị trường ra cả trăm mẫu mỗi tháng, bây chạy theo thời trang dễ chi chờ đợi đôi giày đóng. Giờ khái niệm đóng giày chỉ tồn tại với đàn ông thôi, mà chẳng biết còn được bao năm nữa”. Ông cười mà lời nói sao nghe chua chát. Ông Chiến vốn là “mối quen” của những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình tôi.

Từ ông ngoại đến cậu, bác, chú đều từng mang giày của tiệm ông. Đôi giày có giá chỉ từ 350.000 đồng đã vài năm trước nhưng đến nay vẫn không lên giá. Gần cả đời mình, ông Chiến gắn bó với nghề đóng giày, giữ ấn tượng với bao người và làm thoải mái biết bao đôi chân. Chỉ cần khách vào đến cửa tiệm là ông đã biết khách mang cỡ bao nhiêu, phù hợp với loại giày mũi nhọn hay mũi tròn.

Thậm chí, ông còn đoán “trúng chóc” khách làm nghề gì nữa. Những khách hàng quen thường 1-2 năm là quay trở lại tiệm của ông để mua đôi giày mới. Bây giờ, trong khi nhiều người thích đến chợ/các cửa hàng mua giày dép đóng sẵn, vẫn có một số người muốn đến tiệm đóng giày theo mẫu mình thích, hoặc đến thợ đóng tìm mua đôi mới. Có thể vì đó là đôi giày thủ công độc nhất của riêng mình nhưng cũng có thể là vì mối thâm tình với người thợ.

Với ông Thọ, đó là sự trân trọng của khách hàng với người thợ thủ công như ông, và họ cũng cần được đối đãi trở lại bằng sự trân trọng. Trong đó, còn ẩn chứa sự trân trọng đối với nghề. Đà Nẵng không có những phố giày dép như Phố Hàng Giày, làng nghề may da giày Kiêu Kị, làng nghề may da giày Giẽ Hạ (Hà Nội) hay xóm đóng giày Khánh Hội, quận 4 (thành phố Hồ Chí Minh)… nhưng mỗi năm vào ngày 17-8 âm lịch, những người thợ đóng giày thủ công trên địa bàn thành phố vẫn tề tựu về Giỗ tổ nghề.

Những người thợ giày lành nghề như ông Thọ, ông Chiến, ông Minh (tiệm giày Hùng Minh, đường Hùng Vương), anh Tương… bằng bàn tay khéo léo đã góp phần làm đẹp hàng vạn đôi bàn chân. Đó cũng là cách để họ lưu giữ nét đẹp có thể đã một thời vang bóng, song vẫn đầy luyến lưu, nhung nhớ trong hoài niệm đẹp của nhiều người…

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.