Phóng sự - ký sự

Người đo vẽ quá khứ

13:22, 08/10/2022 (GMT+7)

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ loay hoay trên tầng thượng lắp mấy miếng kính vào ô thông gió để tránh bão lùa. Bên ngoài bắt đầu trời mưa từng cơn nặng hạt báo hiệu cơn bão Noru sắp vào đất liền trong đêm. Nghe tiếng tôi chào, dù chưa nhìn thấy mặt người, nhưng anh đã cất tiếng từ trên cao với xuống nhà: “Ngồi chơi hí. Đợi che xong cái khu đĩ chống gió bão rồi xuống liền…”.

Với họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, đo vẽ như một cái nghiệp mà anh khó lòng buông bỏ. Ảnh: NVCC
Với họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, đo vẽ như một cái nghiệp mà anh khó lòng buông bỏ. Ảnh: NVCC

Đúng là bệnh nghề nghiệp nó lậm vào người rồi, khi anh dùng thuật ngữ dân gian nói về một bộ phận căn nhà. Thật vậy, tôi quen biết anh hơn 20 năm rồi, nhưng lúc nào gặp nhau cũng chỉ nghe anh kể về những lần đi đo vẽ, phục dựng tháp Chăm, đình cổ, nhà cổ, nhà mái lá…

1. Nhiều lần ở lại ngôi nhà tranh vách đất của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ ngay Làng Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trong những ngày mưa dầm đề thúi đất mới cảm nhận sự ấm áp đúng nghĩa của một mái nhà. Tiếng mưa trên mái tranh từng giọt vắn giọt dài rơi xuống con ao chạy quanh nhà thành một vọng âm cô quạnh.

Đây là căn nhà tranh tre đầu tiên anh phục dựng theo kiểu nhà mái lá Bình Định dành cho bản thân để làm một chốn đi về tìm cảm hứng sáng tác. Nói như vậy để biết rằng sau này, vì quá mê nếp nhà đậm màu quá vãng và thân thiện với môi trường này của anh mà rất nhiều người đã đến “rước” họa sĩ về vẽ và phục dựng lại một căn nhà tranh tre nứa lá trên mảnh vườn xưa của gia đình.

Chính tại căn nhà mái lá đơn sơ ấy, lần đầu tiên tôi được biết về cái “khu đĩ”. Đó là không gian trống, hình tam giác, ở đầu hồi nhà, được tạo nên bởi hai mái chính và mái bên (mái chái) nhằm tạo sự thông thoáng không khí dưới mái nhà.

Anh cười ra vẻ hóm hỉnh: “Ở nông thôn ai cũng biết cái khu đĩ để làm chi. Chỉ riêng người thành phố nghe nói tới cái khu đĩ là nhảy dựng ngược cho là phản cảm. Cũng như ở dưới xuôi thì lợp mái nhà (rạ, tranh, lá) từ dưới lên trên, còn trên miền núi, đồng bào lại lợp từ trên lợp xuống… Đó là do tri thức bản địa cùng với phong tục, luật tục ảnh hưởng đến cách dựng nhà của mỗi tộc người, thuật ngữ chuyên môn gọi là nhân học kiến trúc”.

Nhiều năm sau này, mỗi gần gọi điện thoại gặp anh thì nghe anh cười hì hì bảo đang bận làm nhà mái lá cho người này, doanh nghiệp nọ ở khắp miền Trung. Mỗi căn nhà tranh vách đất thường phải tốn thời gian vài ba tháng mới làm xong. Vách được xây bằng đất bùn nhồi rơm và cốt tre. Nền nhà làm bằng đất nện trộn lẫn với tro, bền, mát và láng mịn hơn cả xi-măng. Mái nhà thì có hẳn 2 lớp. Lớp dưới là đất bùn nhồi tre, cách một khoảng 20cm là mái tranh lợp chồng lên trên nên mùa hè rất mát mẻ, mùa đông vô cùng ấm áp. Mùa hè nắng hạn, những ngôi nhà mái tôn ở vùng đồi núi Mỹ Sơn nóng hầm hập như lò bánh mì. Căn nhà lá của anh nằm giữa khu đất rộng, có ao thả hoa súng kết hợp nuôi cá đồng, phía trước là vài bụi bông sim, bông mua tim tím, một vạt rau xanh, mấy cây ớt hiểm, một giàn bầu… đã trở thành nơi tránh nóng cho bọn con nít quanh xóm.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ với các tác phẩm ngẫu hứng tại ngôi nhà tranh của anh ở Mỹ Sơn.  Ảnh: N.H
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ với các tác phẩm ngẫu hứng tại ngôi nhà tranh của anh ở Mỹ Sơn. Ảnh: N.H

2. Người họa sĩ ngồi đó, trong một ngày mưa bão nghiêng trời. Khuôn mặt đậm chất phong trần với những nếp gấp như được tạc vào thời gian. Anh thổ lộ, gia tài quý nhất của mình bây giờ, ngoài tranh (niềm đam mê thuở ban sơ) ra thì những bản vẽ về kiến trúc cổ cả Chăm và Việt còn quý hơn vàng. Cái duyên đo vẽ đến với anh là vào năm 1995, sau khi dự một khóa tu nghiệp 6 tháng do đại học Showa tổ chức tại Nhật về trùng tu kiến trúc cổ, anh được phân công vào Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam làm việc. Điều này đã giúp anh có điều kiện đo vẽ góp phần phục dựng, bảo tồn các tháp Chăm và các ngôi đình cổ, nhà cổ đậm hồn Việt.

Mấy chục năm ròng, như cách nói rặt chất Huế của anh là “đi mòn cả dép”, anh đã đi từ thung lũng thiêng Mỹ Sơn đến phố cổ Hội An và rong ruổi khắp các làng quê của mảnh đất “rượu Hồng Đào” Quảng Nam để nghiên cứu kiến trúc cổ và tìm phương thức bảo tồn. Anh đã từng băn khoăn trước hiện trạng “chảy máu” kiến trúc cổ: “Nhìn những công trình kiến trúc cổ đang dần trở thành phế tích, những ngôi nhà rường xưa bị dỡ đi, qua tay nhiều người mua bán xuôi về các đô thị để thành điểm kinh doanh cà phê, nhà hàng,... mà lòng như thắt lại. Đó đâu chỉ là những ngôi nhà, mái ngói, hàng cột với những nét chạm khắc tinh tế mà còn là tâm hồn của bao thế hệ trong một không gian sống thuần Việt…”.

Thời gian anh theo các đoàn khảo sát đi đo vẽ các kiến trúc cổ luôn kéo dài có khi đến hàng tháng, khiến việc sáng tác đôi khi trở thành thứ yếu. Trong hàng trăm ngôi nhà cổ xứ Quảng, hầu như di tích nào cũng in dấu chân Nguyễn Thượng Hỷ. Có nhà anh lui tới vài ba bận, đến độ chủ nhà nhẵn mặt, biết tên. Kỷ lục đo vẽ nhiều lần nhất là ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước, Quảng Nam): 15 lần trong vòng 11 năm trời đằng đẵng. Hiện nay trong tay anh có 15 bộ bản vẽ hoàn chỉnh của 15 ngôi nhà cổ đẹp và giá trị tiêu biểu của Quảng Nam được chọn “ưu tiên hàng đầu” trong công tác bảo tồn. Thêm vài chục bản vẽ ghi và hàng trăm tài liệu khác về đo tỷ lệ, hướng nhà...

3. Không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ có biệt danh là “Người Hời”, “Ma Hời”. Chính những năm khăn gói theo kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (Kazic) vào Mỹ Sơn, Hội An nghiên cứu các di tích kiến trúc Chămpa và đô thị cổ đã giúp anh bỏ túi kha khá kiến thức về văn hóa Chămpa. Ngày anh nhận quyết định nghỉ  hưu, tưởng anh sẽ “dừng bước giang hồ” về Đà Nẵng sống yên vui với vợ con. Nhưng rồi anh không buông bỏ được cái nghiệp đo vẽ.

Anh đã từng tâm sự với bạn bè rằng mình có 3 thứ làm lẽ sống: “Vợ con, hội họa và... nghiên cứu văn hóa Chăm. Mà cả ba thứ không cái mô chịu về hưu cả”. Với “thương hiệu” nặng ký như vậy, nên ở nơi đâu phát lộ khu đền đài tháp Chăm, thì giới trong nghề đều mời anh đến tham gia đo vẽ…

Trong buổi chiều chập choạng mưa gió nhuốm màu liêu trai, anh kể về lần tham gia đo vẽ khu di tích Chăm Phong Lệ vào những năm 2011, 2012 và 2018. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên đã khai quật được một “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết. Công việc của anh là theo dõi quá trình khai quật và vẽ lại hiện trạng từ chiều dài, rộng, sâu và các hiện vật và đưa ra những dự đoán, ý kiến tham khảo. Dù đã không ít lần tham gia khai quật, đo vẽ nhiều đền tháp tại Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Bằng An (Quảng Nam), Bánh Ít (Bình Định)… nhưng cảm xúc của riêng anh mỗi lần mỗi khác. Sẽ là hồi hộp chờ đợi từng nhát bay xúc đất của công nhân, rồi vỡ òa khi viên gạch đầu tiên phát lộ. Cứ thế miệt mài vừa đào vừa vẽ từ ngày này sang ngày khác cho đến khi kết thúc. Người không hiểu thường cho rằng đây là công việc khô khan, vất vả. Thực lòng mà nói, mỗi viên gạch, cổ vật đều có tiếng nói riêng. Đó là tiếng nói của một thời quá vãng đậm sắc màu văn hóa.

Các kiến trúc sư Nhật Bản làm việc cho tổ chức JICA rất nhiều lần nói với họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ rằng: “Các bạn đang có trong tay một kho báu vô cùng quý giá của cha ông, nếu không biết cách bảo tồn và phát triển sẽ rất uổng phí”. Vậy mà giờ đây, khi anh đang cất giữ những bản vẽ, ảnh chụp của nhiều kiến trúc cổ như của để dành thì đâu đó những “kho báu” trong thực tế nay đã hư hại, xuống cấp thậm chí sụp đổ, hoặc bị bán đi chỉ còn là mảnh đất trống. “Phân nửa số nhà cổ ở Quảng Nam mà tôi từng biết đến giờ không còn nữa...”, giọng người họa sĩ nặng lòng hoài cổ rung lên trong chiều mưa nghe như một vọng âm buồn xa vắng.

NHƯ HẠNH

.