Phóng sự - ký sự
Ấn tượng kiến trúc từ vật liệu tái chế
Hàng loạt ấn bản chuyên ngành kiến trúc trong và ngoài nước vừa giới thiệu tác phẩm kiến trúc công trình tại thành phố gắn kết tuyến phố đi bộ Bạch Đằng, trong đó có công trình kiến trúc nhà hàng Baba Yaga, dự án sử dụng các vật liệu tái chế với mái che bằng gỗ và cây keo. Đến Baba Yaga, mọi người đều có cảm giác mộc mạc, gần gũi và thân thiện với môi trường.
Kiến trúc sư Ngô Đức Dự. Ảnh: GIA PHÚC |
Điểm xuyết cụm kiến trúc cảnh quan sông Hàn
Cụm kiến trúc cảnh quan sông Hàn đoạn tuyến phố đi bộ đường Bạch Đằng vốn sở hữu nhiều công trình kiến trúc đẹp bởi cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, Công viên APEC…, nay được làm giàu thêm những công trình kiến trúc mới, trong đó có nhà hàng Baba Yaga. Nếu ở Công viên APEC có “cánh diều bay cao” thì kiến trúc nhà hàng Baba Yaga là “hơi thở của gió”.
Giữa dòng người và dòng xe cộ hối hả; giữa nhịp sống tất bật của công việc thường ngày, ai trong chúng ta cũng khao khát một nơi để sẻ chia niềm vui hay giãi bày tâm tình cùng gia đình, bạn bè. Baba Yaga trở thành điểm dừng lý tưởng để gửi gắm những cảm xúc ấy. Những ngày qua, từng nhóm du khách nước ngoài tìm đến Baba Yaga như một địa điểm tham quan, check-in và thưởng thức ẩm thực trong hành trình du lịch đến thành phố.
Tọa lạc tại giao lộ đường 2 Tháng 9 - Bình Minh 6 nối sang đường Bạch Đằng, Baba Yaga đang nổi lên là một công trình bắt nhịp xu hướng kiến trúc xanh ở thành phố. Đây là kết quả của sự chăm chút tỉ mỉ, kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố: con người - thiên nhiên - kiến trúc.
Mang trong mình tình yêu cây cối và gu thẩm mỹ tinh tế, chủ đầu tư đã cải tạo khung sắt tiền chế thành một không gian nhà hàng độc đáo, tối ưu công năng và chi phí. Nhà thiết kế đã tái sử dụng khung kết cấu sẵn có, phủ thêm lớp cây keo chạy dọc các mặt mở của nhà hàng, tạo nên không gian riêng tư, tinh tế. Cây xanh lớn đan xen giúp giảm tiếng ồn, bụi và tác động từ khí hậu. Dự án sử dụng các vật liệu thân thiện như gỗ tái chế, mái che bằng gỗ và cây keo, đem đến cảm giác mộc mạc, gần gũi và bền vững với môi trường. Công trình mang cho mình một nét kiến trúc hài hòa thuần mộc, hình khối ấn tượng, đan xen với màu xanh của cây cối.
Chủ trì thiết kế công trình Baba Yaga là Thạc sĩ- Kiến trúc sư (KTS) Ngô Đức Dự, chàng thanh niên sinh năm 1990, quê xã Bình Trung, Thăng Bình, Quảng Nam. Ngay sau tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015 KTS Dự đã “đầu quân” cho Tập đoàn Sun Group. Công trình đầu tiên của KTS Dự là tham gia triển khai thiết kế kiến trúc Cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hills và tiếp đó là hàng loạt các công trình khác tại khu du lịch này. Niềm đam mê thiết kế kiến trúc đưa KTS Dự sang lối đi cho riêng mình với việc hình hành đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có tên: Dưới tán cây (Duoitancay Concept). Dự kể: “Mình rất thích thiên nhiên, cây cỏ và thiết kế kiến trúc nhà hàng Baba Yaga là sản phẩm đầu tay. Không ai áp đặt hay cá nhân mình chủ động bắt trend theo xu hướng nào đó… Bản thân mình vốn đã yêu thiên nhiên, yêu các loài thảo mộc nên ngấm vào máu thịt”.
Công trình sử dụng vật liệu tái chế Baba Yaga. Ảnh: GIA PHÚC |
Vật liệu tái chế thành giá trị mới
Để hoàn thiện dự án nhà hàng Baba Yaga, KTS Dự cùng chủ công trình là anh Nguyễn Đăng Khoa rong ruổi đến các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, ngược lên các tỉnh vùng Tây Nguyên tìm mua các vật liệu thải như thân cây keo, cọc trồng tiêu. Công trình đã sử dụng 2.000 thanh gỗ keo (loại gỗ thải, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chế biến bột giấy); trên 200 cọc gỗ trồng tiêu do nông dân thải ra khi thay thế bằng cọc bê-tông; 30m3 ván bìa gỗ xẻ… Công trình sau hoàn thành, anh Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ: Baba Yaga đã đem đến sự thành công ngay từ ban đầu bởi giá trị thiết kế kiến trúc. Một nhà hàng kinh doanh ở phân khúc khách hàng “bình dân” nhưng lại có không gian sang trọng mà lại gần gũi cuộc sống thường nhật của mọi người. Baba Yaga ngay khi vừa khai trương đã nhanh chóng được du khách trong và ngoài nước biết đến và nơi đây là điểm check-in khá ưng ý của họ.
“Giữa trung tâm thành phố, tôi chỉ đi dạo nhưng bất ngờ nhìn thấy ngôi nhà gỗ trông rất lạ, khác biệt so với các công trình, hàng quán khác. Baba Yaga làm tôi thích thú bởi lối thiết kế vật liệu tái chế; không gian bên trong có nhiều cây xanh. Nếu có dịp tôi sẽ quay lại để thư giản, thưởng thức các món ăn ở nơi này”- anh Massim - du khách đến từ Italia nói.
KTS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Công ty CP Kiến và xây dựng công trình Văn hóa Việt nhân xét: Baba Yaga có hình khối và khối tích đã được xử lý tốt, không phá vỡ cảnh quan xung quanh. Việc sử dụng các vật liệu tái chế từ gỗ không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang lại vẻ đẹp tự nhiên cho công trình. “Đã đến lúc các kiến trúc sư tập trung suy nghĩ đến việc nên làm cái mà xã hội cần thay vì làm cái mình muốn theo phong cách, sở thích cá nhân. Vì khi xem xét một công trình thiết kế xanh, việc công trình đó dùng vật liệu tái chế hay vật liệu gì thì cũng cần tính hữu dụng của công trình đó đối với đời sống xã hội...”- KTS Chiến nói.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, KTS Lâm Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Cát Việt Kiến trúc chia sẻ: Thiết kế kiến trúc của Baba Yaga thật tuyệt vời bởi đây là công trình kiến trúc đặc sắc mới xuất hiện làm điểm nhấn cho đô thị. Phải là KTS có chuyên môn lành nghề và sự đam mê mới dám thử thách mình với những vật liệu tái chế và hơn hết là sự am hiểu về tính hữu dụng của vật liệu. Thiết kế của Baba Yaga có đường nét không quá cầu kỳ nhưng lại tạo ra sự mềm mại trong không gian đô thị đang ngày càng bị bê-tông hóa. Tôi rất mong chờ chuyến công tác đến thành phố Đà Nẵng để hòa vào không gian kiến trúc đặc sắc tại Baba Yaga”.
Bằng cách tái sử dụng vật liệu và làm mới lại các kết cấu kiến trúc hiện có, Baba Yaga không chỉ tiết kiệm đầu tư tài chính cho chủ đầu tư mà còn cung cấp địa điểm kinh doanh, tổ chức sự kiện cho cư dân thành phố. Việc thực hành kiến trúc bền vững này không chỉ giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn minh họa cho tiềm năng tái sử dụng các nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Có thể thấy, việc sử dụng gỗ tái chế là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và môi trường. Đây là vật liệu bền vững, giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc tái chế và sử dụng lại gỗ cũng giúp giảm lượng khí thải carbon, góp phần bảo vệ khí hậu. Khi tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cũng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn và tạo ra những không gian sống động, sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Baba Yaga đã và đang thu hút sự chú ý của giới kiến trúc sư trong và ngoài nước. Những hình ảnh thiết kế kiến trúc công trình được các tờ báo, tạp chí uy tín quốc tế đăng tải như các tạp chí: Archdaily (Mỹ, Tây Ban Nha, Brazil, Colombia), Archello (Hà Lan), trang thông tin tổng hợp quốc tế (Ground News), Vsszan (Trung Quốc) và Living Asean (Thái Lan). |
GIA PHÚC