Phóng sự - ký sự

Vẹn lời thề với Đảng

08:48, 12/10/2024 (GMT+7)

Ngày được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đọc lời tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một trong những ngày thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Hà Đức Cơ và bà Trần Thị Lợi.
Ông Hà Đức Cơ và bà Trần Thị Lợi.

Một lòng tin theo Đảng

Những chàng trai, cô gái đã “giơ nắm tay thề” trước cờ Đảng từ 75, 80 năm về trước cùng có một điểm chung là luôn “sắt son lời thề theo Đảng”, một lòng tin theo Đảng và Bác Hồ. Lời thề ấy chính là lời hứa trước Đảng, trước chi bộ, là cam kết chính trị về lòng trung thành, ý chí phấn đấu suốt đời vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và của dân tộc; là trách nhiệm, danh dự của người cộng sản.

80 năm tuổi Đảng, 99 năm tuổi đời, mắt đã mờ, chân đã chậm, trong ký ức của ông Huỳnh Hàng (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), những ngày quan trọng của cuộc đời được ông xếp theo thứ tự, rõ ràng, rành mạch: “Tôi tham gia cách mạng ngày 5-3-1945 ở thôn Cửu Lợi, xã Tân Quang, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, lúc đó 19 tuổi. Ngày 17-8-1945 tôi vào bộ đội. Ngày 19-8-1946 được kết nạp vào Đảng, chính thức vào ngày 24-12-1946. Tôi tham gia chiến đấu ở Buôn Mê Thuột, là trung đội trưởng Trung đoàn 95. Năm 1954 tôi tập kết ra Bắc, là cán bộ tổ chức của Sư đoàn 305, đóng ở Việt Trì, Phú Thọ”.

Người bạn đời của ông, bà Ngạc Thị Bính nhỏ hơn ông 10 tuổi. Gần 65 năm bên nhau, giờ bà như là cánh tay, tai và mắt của ông. Ông kể, “khi Sư đoàn 305 giải tán, tôi về công tác ở Cục Cán bộ, Tổng Cục chính trị gần 14 năm. Đến tháng 7-1973, tôi về miền Nam, làm Trưởng phòng Cán bộ Mặt trận 579. Khi đất nước thống nhất là Trưởng phòng Cán bộ thuộc Cục Chính trị, Quân khu 5, rồi về nghỉ hưu năm 1990”.

Năm 1977, vợ ông đưa các con vào Đà Nẵng. Cũng như bao gia đình khác ở khu “phố nhà binh” đường Nguyễn Tri Phương, ngoài giờ dạy ở trường mẫu giáo của Quân khu, bà trồng rau, nuôi gà, may vá thêm mới đủ nuôi 3 đứa con ăn học. Giờ gia đình ông bà có con trai, cháu nội đều là quân nhân, có 6 đảng viên và bà nói vui là đủ thành lập một chi bộ.

Ông Nguyễn Văn Mịch (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) là một trong hai đảng viên nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng năm 2024, vừa tròn 102 tuổi. Là con út trong gia đình 6 anh chị em, từ năm 13 tuổi ông làm giao liên cho cán bộ Việt minh về hoạt động ở quanh vùng Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, dưới sự dẫn dắt của người anh trai sau này là liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Quảng Trị.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông gia nhập dân quân xã, dạy bình dân học vụ…, 9 năm sau thì lên tàu tập kết ra Bắc. Năm 1962, khi tuyến đường 559 “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hình thành, ông Mịch công tác, chiến đấu ở các đơn vị thuộc Đoàn 559, kinh qua các chức vụ: trợ lý tổ chức E71, Phó phòng Tổ chức, Phòng Chính sách Cục chính trị; Trưởng phòng Chính trị, Thường vụ Đảng ủy cơ quan Tham mưu-Chính trị, cho đến năm 1975.

Hơn 13 năm gắn bó với đường 559, nên ký ức của ông trở đi trở lại những năm tháng soi đường vạch lối. Không có lối mòn nào dọc tuyến từ Quảng Bình, Quảng Trị, vô Thừa Thiên, Quảng Nam thiếu dấu chân ông Mịch. Rồi những chuyến trở ra Bắc làm việc với Cục chính trị, tìm hiểu lai lịch từng cán bộ được cử trở lại miền Nam… Hỏi chuyện ngày xưa, ông quên nhiều chuyện nhưng nhớ như in Đoàn 559, đường Trường Sơn. Trong con người cựu binh già ấy, những năm tháng làm việc, chiến đấu dưới những cánh rừng già in đậm trong trí nhớ, không thể phai mờ.

Mái tóc bạc trắng như cước, ở tuổi 93, bà Võ Thị Ba (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) vẫn giữ nhiều nét đẹp của thời con gái. Cha mẹ mất sớm, anh em bà sống cùng ông bà nội. Gia đình ông bà có của ăn của để nên các cháu đều được đi học. Bà Ba nhờ đó học đến khoảng lớp 6-7 bây giờ, thông thạo tiếng Pháp. Năm 1945 bà tham gia cách mạng, mới 13 tuổi cũng được phân đứng lớp dạy xóa mù chữ cho bà con trong vùng Cẩm Nam, Cẩm Kim (Hội An); rồi làm thư ký, tham gia công tác thanh niên, phụ nữ. Ngày 15-10-1949, khi mới 17 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng; ngày 15-7-1950 trở thành đảng viên chính thức.

Bà Võ Thị Ba và con gái, chị Phạm Thị Tuyết Nghĩa. Ảnh H.N
Bà Võ Thị Ba và con gái, chị Phạm Thị Tuyết Nghĩa. Ảnh H.N

Bà được tổ chức phân công làm công tác dân vận, ở trong đội biệt động “diệt ác phá kềm” rồi chuyển sang làm công tác phụ nữ khi bị thương năm 1952. Năm 1954 bà không đi tập kết, rút vào hoạt động bí mật.

Đến cuối năm 1957 thì bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, gọi là “giam cứu” vì không có bản án. Địch dọa nạt, tra tấn, nhốt bà trong buồng kín chỉ rộng 7 tấc liền trong 3 tháng. Tôi hỏi, bà có lúc nào cảm thấy “lung lay” trước cực khổ và dã man trong 6 năm ở tù không ? Bà không trả lời thẳng câu hỏi, mà kể câu chuyện 3 tháng ở trong buồng kín, không hề nhìn thấy mặt trời, một hôm nghe bạn tù ở buồng giam bên cạnh hát: “đồng chí hãy kiên trung, bất khuất, giúp mình kiên định”.

Bà nghĩ lời hát ấy là dành cho mình, càng củng cố thêm ý chí, nhất định không khai, không để lộ cơ sở và tin tưởng một ngày nào đó sẽ được tiếp tục trở về hoạt động. Năm 1963 bà ra tù, về nhà thì chỉ còn bà nội và em gái. Bà Ba về xây dựng cơ sở, thành lập các đội công tác, phát động phong trào ở Cẩm Nam, Cẩm Kim, rồi về Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) làm lễ phục hồi Đảng, được tổ chức phân công xây dựng phong trào phụ nữ. Năm 1970 bà ra miền Bắc, gặp và cưới người đồng chí cùng ở chiến trường Quảng Đà khi gần 40 tuổi. Sau này về lại Đà Nẵng, bà Ba công tác ở phường An Hải Bắc đến khi nghỉ hưu năm 1996.

Ông Huỳnh Hàng và bà Ngạc Thị Bính. Ảnh: H.N
Ông Huỳnh Hàng và bà Ngạc Thị Bính. Ảnh: H.N

Thiêng liêng hai tiếng: đảng viên

Những người 80 năm tuổi Đảng như ông Huỳnh Hàng, ông Nguyễn Văn Mịch hay 75 năm tuổi Đảng như bà Võ Thị Ba, lời hứa trung thành với Tổ quốc, với nhân dân ngày vào Đảng trở thành một đặc tính của người cộng sản. Lời hứa ấy giữ cho những đảng viên một lòng theo Đảng, dù gian khổ, dù cận kề cái chết cũng không nao núng, không phản bội lời thề.

“Tôi 60 năm, vợ 58 năm tuổi Đảng. Chúng tôi có nhiều điểm giống nhau là tôi vào Đảng được 2 ngày thì vào bộ đội, ngày 22-2-1964; cô ấy kết nạp ngày 24-6-1966 thì ngày 27 vào bộ đội”, ông Hà Đức Cơ và bà Trần Thị Lợi (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) kể về những ngày thử thách, rèn luyện trước và trong quân đội. Bây giờ ông hơn 80 tuổi, bà ít hơn xíu, hằng tháng vẫn đi sinh hoạt chi bộ đều đặn ở Chi bộ 34-35 Mỹ Đa Tây.

Học xong phổ thông ở Đầm Hà, Quảng Ninh, ông Cơ làm kế toán, thư ký đội sản xuất, rồi công tác thanh niên, dạy bình dân học vụ ở xã. Hồi đó ông 20 tuổi, nhiều năm không được đón Tết ở nhà, khi thanh niên được huy động ra các đảo chống biệt kích tràn vào đất liền. Vào bộ đội, ông được biên chế vào Tỉnh đội Quảng Ninh, đóng ở Hòn Gai. Chiến tranh lan ra miền Bắc và bộ đội Hải quân chiến thắng trận đầu tại Bãi Cháy ngày 5-8-1964, đến năm 1971 ông ở trong đoàn quân chi viện cho mặt trận đường 9- Nam Lào. Hết chiến dịch, ông được cử đi học Trường Trung cấp Quân nhu (sau này là một khoa của Học viện Hậu cần).

Ông Cơ học xong thì được giữ lại làm giảng viên, rồi tiếp tục được phân công đi B lần hai, lần này là vào Khu 5. Trước khi lên đường, tổ chức giao cho ông thu mua 4 tấn hàng hóa, gồm nhu yếu phẩm, thực phẩm để đưa vào miền Nam. Ròng rã cả tháng trời mới mua đủ hàng, ông cùng hai lái xe lên đường vào đường 9. Đến Quảng Trị, đường đông Trường Sơn đang vào mùa mưa, các ông phải đi đường tây Trường Sơn, vào đến Đăk Nông rồi quay ngược ra đường 14 ra bắc sông Tranh (Quảng Nam) mới về đến đơn vị.

“Tôi bàn giao 4 tấn hàng hóa cho đơn vị hậu cần Quân khu, không mất một món gì, có bảng kê đầy đủ. Hồi đó là đảng viên thiêng liêng lắm, không ai dám mà có cũng không dám lấy bất kỳ món gì của tập thể dùng riêng cho cá nhân, không dám nghĩ lệch lạc chứ đừng nói là hành động. Trước khi hai người lái xe lên đường trở ra, đơn vị tặng họ 2 cân đường, 2 hộp sữa”, ông kể mà nước mắt rưng rưng.

Đơn vị của ông Cơ đóng ở Trà My, ngày ba bữa chỉ có sắn, gần như không có cơm. Đi đến đâu, người đến sau trồng từng nương sắn mới cho lớp sau, còn mình ăn nương sắn của lớp trước để lại. Năm 1975, đơn vị ông về đóng ở Quy Nhơn, sau chuyển ra Đà Nẵng năm 1981. Ông xin chuyển ngành, về Quảng Ninh xin việc ở một cơ quan thuộc ngành than, rồi sau chuyển lên Hà Nội làm ở Cục dự trữ Quốc gia. Bà Lợi cũng từng được chi viện cho chiến dịch đường 9 - Nam Lào, rồi vào miền Nam lần 2 năm 1972, đóng quân ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1973 hai ông bà làm đám cưới, nhưng đến năm 1981 mới được ở cùng nhau.

“Tôi và ông ấy đều vào chiến trường hai lần, nơi nào cũng ác liệt, nếu sợ chết thì tôi đã không lấy ông ấy. Hồi đó luôn nghĩ thế này: đi đường chưa chắc đã bị thương, bị thương chưa chắc đã chết. Chúng tôi hồi đó làm việc bằng hai để chi viện cho miền Nam, đảng viên lại đi đầu, giờ hòa bình, thấy sự cống hiến của mình càng có ý nghĩa”, bà Lợi nói.

Ông bà may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống để đất nước được độc lập, tự do, được chứng kiến sự lớn mạnh của Đảng, sự phồn thịnh của đất nước. Sống gần trọn cuộc đời, nhìn lại những năm tháng sống, hoạt động cách mạng và tham gia công tác, hai ông bà đều tự hào khẳng định bản thân đã giữ vẹn lời thề khi tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc nhiều chục năm về trước.

HOÀNG NHUNG

.