Đà Nẵng cuối tuần
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê: Tiếng nói của nữ quyền
Đoàn Hồng Lê là cái tên khá quen thuộc đối với giới làm phim tài liệu cả nước khi gặt hái nhiều thành công với những giải thưởng quốc tế. Gần ba tiếng trò chuyện, tôi cảm nhận được ở chị những trăn trở, suy tư về nghề, về thời cuộc, và hơn cả là về thân phận người phụ nữ. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê thể hiện xuất sắc điều này ở nhiều tác phẩm của mình, nhưng ấn tượng nhất phải kể đến hai tác phẩm “Người Mẹ” và “Đường đến hòa bình”. Và với những thông điệp ẩn ý của các tác phẩm, tôi mạn phép gọi một cách mỹ miều rằng, đó là “tiếng nói của nữ quyền”.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê tại Hà Nội, tháng 3-2024. Ảnh: H.L |
Tình yêu con người
Với độ dài 45 phút, “Người mẹ” là bộ phim tài liệu xúc động, được đề cử ở hạng mục Phim tài liệu ấn tượng của VTV Awards 2020. Bộ phim kể lại câu chuyện về bà Nguyễn Thị Đẹp, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hấp thụ nền giáo dục kiểu miền Nam xưa, đầy tự trọng, ý nhị và hiểu biết.
Thời trẻ, bà Đẹp làm việc ở một đơn vị lính Mỹ đồn trú tại căn cứ Long Bình, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam và nảy sinh tình cảm với một người lính Mỹ. Kết quả của mối tình ấy là sự chào đời của một bé gái, được đặt tên là Nguyễn Phương Mai. Trước ngày đất nước thống nhất, tháng 4-1975, hơn 3.300 trẻ em từ sơ sinh đến vài tuổi được cho là trẻ mồ côi hoặc con lai đã rời quê hương trên những chuyến bay thuộc chiến dịch Babylift (Không vận trẻ em) do chính phủ Mỹ thực hiện.
Với mong ước duy nhất là con sẽ có cuộc sống ấm êm, sung sướng, bà Nguyễn Thị Đẹp gửi con gái lên chuyến bay cuối cùng của cuộc sơ tán trẻ em, rời sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 19-4-1975. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, là những tháng năm dài đằng đẵng bà Đẹp gắng tìm tung tích đứa con do mình sinh ra…
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê nhớ lại, tháng 3-2019, một người bạn - nhà sản xuất phim người Mỹ đưa chị một bài báo viết về câu chuyện bà Nguyễn Thị Đẹp... Những câu chuyện như thế này, về thân phận người phụ nữ Việt Nam với nỗi đau rất rõ ràng trong một giai đoạn lịch sử của đất nước, của những ngày tháng 5-1975 không phải là ít. Từ câu chuyện đó, Đoàn Hồng Lê bắt đầu tìm kiếm các tư liệu về chiến dịch Babylift với hy vọng tiếp cận được hồ sơ danh sách babylift để tìm cái tên Nguyễn Phương Mai. Và chị đã tìm được một số thông tin về chuyến bay cuối cùng này, đáng chú ý là thông tin từ bà Cherie Clark - một nữ nhân viên của Tổ chức Hy vọng Quốc tế - một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu trợ nhân đạo đã hoạt động ở Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh, đã trực tiếp tham gia chiến dịch Babylift.
“Tôi nhắn tin cho bà, kể về câu chuyện của bà Đẹp và nhờ giúp đỡ. Bà Cherie Clark nói, cần biết địa chỉ nơi bà Đẹp đã gửi con, vì ngày hôm đó có 3 nhóm trẻ ra đi từ ba trại trẻ khác nhau. Bà Đẹp chỉ nhớ nơi gửi con nằm cùng con đường nhỏ với Đệ Nhất Khách sạn, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi hình dung bà Đẹp trải qua một quãng đời khép kín, âm thầm. Nỗi đau mất con, sự chân thành và nỗ lực tìm kiếm con, được thôi thúc bởi tình mẫu tử khiến tôi xúc động, tôi quyết định làm một bộ phim kể về cuộc hành trình tìm con nhiều cảm xúc của một người mẹ. Tôi cũng tin rằng, sẽ dễ dàng tìm được đồng cảm từ người xem bởi ai cũng đều có mẹ”, đạo diễn Đoàn Hồng Lê kể.
So với những bộ phim tài liệu khác, "Người mẹ" có một sự khác biệt lớn khi đoàn làm phim tham gia trực tiếp vào câu chuyện, cùng nhân vật trải qua những cảm xúc như người trong cuộc... Đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói rằng, vượt lên trên tất cả, bộ phim không sa đà vào những cơn nức nở, nghẹn ngào, thương nhớ con của bà Đẹp. Cũng không hề đụng chạm tới những ngày tháng vất vả, trang trải của bà ở quê hương.
Đơn giản chỉ là một câu chuyện xúc động về tình yêu thương, sự tử tế, tình người ấm áp giữa những người hoàn toàn xa lạ, một sợi dây kết nối các cá nhân tưởng mong manh nhưng hóa ra lại bền chặt, một thế giới mênh mông bỗng chốc gần gũi, vì họ đều có một điểm chung: tình yêu con người. Những cảnh cuối của bộ phim thấm đẫm tình thương, nỗi đồng cảm, sự san sớt yêu thương của những ai dù khác màu da, dù sống trong những cộng đồng khác nhau nhưng đều gặp nhau ở tấm lòng biết trân trọng tình mẫu tử, đức hy sinh mênh mông, cao rộng của những đấng sinh thành tất cả vì con cái. Ở phần kết của bộ phim, cô Đẹp gặp lại con, cô bé Nguyễn Phương Mai năm xưa, nay đã thành người vợ, người mẹ...
Tôi mong muốn lịch sử trở nên gần gũi với đời sống, là "lịch sử của thường dân" chứ không chỉ là những con số hay luận đề trong sách giáo khoa. Cần đưa "lịch sử của thường dân" vào chương trình học, nghĩa là những câu chuyện về trải nghiệm chiến tranh của các nhân chứng, từ đó học sinh có được sự đồng cảm với con người, hiểu rõ vì sao mọi chuyện xảy ra như thế ở góc độ con người. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê |
Để lịch sử gần gũi đời sống
Ở một góc độ khác, bộ phim "Đường đến hòa bình" (đề cử tại hạng mục Phim tài liệu ấn tượng của VTV Awards năm 2023), mang lại một cái nhìn về thân phận người phụ nữ trong chiến tranh khi ghi lại sự việc bà Nguyễn Thị Thanh - một nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn ở làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào năm 1968. "Đường đến hòa bình" được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022.
Nói về quyết định làm phim này cũng như những vấn đề xung quanh quá trình thực hiện phim "Đường đến hòa bình", đạo diễn Đoàn Hồng Lê cho biết, đã tìm tới những người dân ở các vùng nông thôn để tìm hiểu về một sự thật không mấy dễ chịu, đó là những ký ức đau buồn của thời chiến. "Phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành tại Hàn Quốc hơn 10 năm nay, sau loạt phóng sự của nữ nhà báo Ku Su-Jeong đăng trên tờ The Hankyoreh21, về những vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam. Cách đây 50 năm, lính đánh thuê Hàn Quốc tham gia vào cuộc chiến tại Việt Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát hàng nghìn người dân vô tội ở Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi. Nhiều nạn nhân phải chôn cùng một nấm mồ tập thể, nhà cửa bị phá hủy.
Tôi mong muốn lịch sử trở nên gần gũi với đời sống, là "lịch sử của thường dân" chứ không chỉ là những con số hay luận đề trong sách giáo khoa. Cần đưa "lịch sử của thường dân" vào chương trình học, nghĩa là những câu chuyện về trải nghiệm chiến tranh của các nhân chứng, từ đó học sinh có được sự đồng cảm với con người, hiểu rõ vì sao mọi chuyện xảy ra như thế ở góc độ con người. Tôi tin điều đó giúp học sinh nhận thức được vai trò của mình trong việc kiến tạo nên một lịch sử của tương lai", đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói. Và bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân duy nhất còn sống - đã trải qua những năm tháng của cuộc đời với nỗi ám ảnh không thể phai nhạt: "Tôi là người mang vết thương trong lòng...".
Và tại lễ trao giải Cánh diều Vàng 2023, "Đường đến hòa bình" đã mang về cho Đoàn Hồng Lê giải thưởng Đạo diễn Phim tài liệu xuất sắc. Vào thời điểm ấy, khi hỏi chị có thể nói gì về giải thưởng này, đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ rất ngắn gọn: "Đây là sự ủng hộ của những người làm phim Việt Nam đối với cô Thanh...".
Kể lịch sử qua ký ức cá nhân
Nhìn kỹ lại hành trình làm phim tài liệu, đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ, lý do chị thích làm phim về đề tài lịch sử, nhất là về thân phận người phụ nữ trong thời kỳ loạn lạc chiến tranh không phải bởi lịch sử rất thú vị, mà còn bởi sự đồng cảm.
Hình ảnh cho những câu chuyện về quá khứ là thử thách, nhưng cũng chính là sự kích thích đối với người làm phim khi tìm cách kể chuyện chỉ với rất ít hình ảnh tư liệu. Và chắc chắn rồi, tìm cách kể lịch sử qua những ký ức rất cá nhân như vậy khiến cho các sự kiện lịch sử trở nên đa chiều, khán giả nhìn nó với những góc nhìn mới, đó là điều luôn thử thách người làm phim, rất phiêu lưu nhưng chính vì vậy cũng rất thú vị. “Mỗi một bộ phim là một câu chuyện mới, cho tôi cơ hội nhìn sâu vào những cuộc đời hay những sự việc, khám phá sự phức tạp và đa diện của con người và cuộc sống”, đạo diễn Đoàn Hồng Lê bộc bạch.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê nhận định rằng, khi ta tiếp xúc với những con người mang ký ức cá nhân sâu sắc về những gì họ đã trải qua trong cuộc đời gắn với một thời đại, ký ức đó cũng chính là tinh thần trong thời đại của họ mà nếu không kịp ghi chép lại, tinh thần đó sẽ dần chìm vào lãng quên cùng với một giai đoạn lịch sử. Lịch sử đất nước chúng ta trải qua những năm tháng chiến tranh và hệ lụy vẫn còn dai dẳng. Ở đó, hình tượng phụ nữ vẫn luôn chiếm vị trí trung tâm, là sự phản ánh khá chân thực về tính "nữ quyền” khi họ dám lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Trong câu chuyện ở quán cà phê ngã ba đường Trần Quốc Toản - Phan Thanh hôm đó, tôi còn được nghe đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ những dự định, dự án phim có liên quan tới vai trò, vị trí của người phụ nữ, nhưng đó không phải là sự bi thương mà là những câu chuyện thể hiện cái nhìn sâu sắc, óc quan sát tỉ mĩ của chị về những đổi thay trong tư tưởng về tình yêu đối lứa, quan niệm về hạnh phúc, hành trình tìm kiếm hạnh phúc của nữ giới theo chiều dài tiến trình phát triển của lịch sử.
KHÁNH HÒA