Xã hội

Chủ động ứng phó với mùa mưa bão

08:25, 21/10/2023 (GMT+7)

Là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ nên người dân và chính quyền địa phương các cấp của huyện Hòa Vang luôn chủ động triển khai các phương án và biện pháp ứng phó trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và cực đoan.

Người dân chủ động các biện pháp phòng, chống trước mỗi mùa mưa bão.  TRONG ẢNH: Một hộ dân tại thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến đang di chuyển bao đựng lúa lên gác.  Ảnh: TRẦN TRÚC
Người dân chủ động các biện pháp phòng, chống trước mỗi mùa mưa bão. TRONG ẢNH: Một hộ dân tại thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến đang di chuyển bao đựng lúa lên gác. Ảnh: TRẦN TRÚC

Đến nhà chị Trương Thị Bông (thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn) sau đợt mưa lũ vừa qua, chúng tôi thấy toàn bộ đồ dùng và đồ sinh hoạt trong nhà vẫn đang không được đặt ở những nơi thường ngày, chỉ vì phải tiếp tục tạm “lánh nạn”. Trong căn nhà cấp 4 có gác lửng, các đồ điện tử như ti-vi, tủ lạnh, máy giặt… và ở phía trong góc là các bao đựng lúa, tất cả đều được xếp ngay ngắn trên một cái giàn bằng sắt cao chừng 0,5m và dài hơn 2m nằm trên gác. Dù cho mưa lũ đã qua được vài ngày, nhưng nhà chị Bông cùng các hộ xung quanh đều chưa hoàn toàn yên tâm để quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Chị Bông cho biết: “Nhà tôi vẫn sẽ để các đồ điện tử trên gác hoặc nếu để ở dưới thì phải kê cao lên chừng 1m. Bởi vì các cơn lũ ngày càng dữ dội, không thể nào xoay xở kịp nếu không có sự chuẩn bị từ trước, nhất là thời điểm này mới chỉ khởi đầu của mùa mưa bão. Tôi sống ở đây hơn 20 năm rồi, chưa năm nào nước lên nhanh như năm nay, đợt lũ lịch sử năm ngoái cũng không lớn như này. Lúc tối ngày 13 đó, tôi thấy không có nước nên cũng yên tâm vô ngủ, rồi 3 giờ sáng dậy để kiểm tra thì vẫn vậy, bỗng dưng đến 4 giờ là nước ập vô nhà. Chỉ sau một giờ đồng hồ, nước đã dâng hơn 1m. May mắn là các đồ dùng điện tử đã có chỗ “ổn định” trước đó, chỉ bị ngập các đồ vật ít giá trị khác”.

Trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, Hòa Nhơn là xã bị ngập úng nặng nhất của huyện Hòa Vang. Có đến 13/14 thôn trên toàn địa bàn xã bị ngập với 164 hộ dân. Trong đó, nhiều thôn bị ngập do ảnh hưởng từ sông Túy Loan và nước thoát không kịp qua các cống thoát nước nên xảy ra tình trạng ngập cục bộ.

Ông Nguyễn Đăng Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn thông tin, vì là địa bàn luôn xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn, do đó, xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân dự trữ lương thực, nước uống cũng như kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho nhân dân ở vùng bị ngập sâu. Khi nước lớn, các lực lượng đã xuống từng thôn để vận động người dân từ nhà không kiên cố qua các nhà có gác kế bên để trú ẩn an toàn; đồng thời di dời 38 hộ, 153 khẩu đến các điểm đã được bố trí sẵn. Nhờ vậy, trong đợt mưa lũ lần này, thiệt hại chủ yếu của địa phương là hoa màu, trước đó, lúa vụ hè thu đã được thu hoạch xong.

Cũng theo đó, qua tìm hiểu tại các xã, những năm gần đây, hầu hết nhà dân ở các vùng trũng, thấp khác đều xây dựng “công trình phụ” để người, gia súc, vật dụng trú tránh thiên tai. Hòa Tiến là một trong những xã nằm ở vùng trũng, thấp của huyện Hòa Vang. Nơi đây có sông Yên, sông Cầu Đỏ chảy qua, do đó người dân thường đối mặt với lũ lụt bởi nước dâng từ các con sông này. Đồng thời, đường Hòa Phước - Hòa Khương (thuộc tuyến đường vành đai phía nam từ quốc lộ 1A đến quốc lộ 14B) và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm trên địa phận xã cũng là nguyên nhân khiến cho việc thoát nước gặp khó khăn hơn, dù cho đã có các cống thoát nước.

Ông Phạm Điệp, Trưởng thôn Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến) cho hay, bà con ở đây rất chủ động nắm bắt thông tin, nhất là tin tức về cấp độ nước tại sông Vu Gia. Thông qua hệ thống truyền thanh địa phương, hay zalo của thôn và xem trên báo, đài, nếu mọi người nhận tin mức báo động cấp II tại sông Vu Gia thì bắt đầu lo chuẩn bị; khi đã lên mức báo động III là người dân gấp rút dọn đồ, bởi vì chỉ sau gần một ngày là nước lũ có thể dâng đến hơn 1m.

“Năm cao điểm nhất, chúng tôi bị khoảng 8 lần lụt vào nhà. Bởi vậy, người dân chúng tôi đã quá quen và cảnh giác; đồng thời đều xác định tư tưởng rằng sẽ sống chung với lũ. Nhà nào cũng làm gác lửng để tránh lụt và có sẵn có một cái thúng tự làm. Lúa vụ hè thu vừa được phơi xong cũng là lúc chúng được đưa lên trên gác hết cho yên tâm. Bà con cũng tất bật công việc để ngừa lũ như: đóng cây làm rào chắn, dọn dẹp sân vườn, khơi thông dòng chảy kênh mương, sửa thúng rái, mua áo phao… nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại”, ông Điệp chia sẻ.

Nằm liền kề Hòa Tiến, xã Hòa Châu cũng là nơi phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống người dân bởi mưa lũ. Bà Đoàn Thị Sửu (thôn Tây An, xã Hòa Châu) chia sẻ: “Vì nằm gần sông Cẩm Lệ nên chỗ tôi là dễ bị lụt nhất so với các thôn khác. Chỉ cần cảm nhận có dấu hiệu lụt sắp về, mọi người đều khẩn trương dọn đồ đạc. Từ ti-vi, tủ lạnh, xoong, nồi, chén, bát… cho đến gà, vịt đều được kê lên tầng và các giàn tiệp đã được chuẩn bị sẵn. Những gì không thể mang lên gác hoặc những vật không có giá trị cao thì được buộc vào các cột bê-tông. Ngoài ra, lương thực, thực phẩm, thuốc men dự phòng cũng được bà con dự trữ đủ đầy để sử dụng trong vòng 1 tuần”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh, để chủ động phòng, chống mưa lũ trong năm 2023, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro. Trong đó, đặc biệt chú trọng về phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm đầy đủ lương thực, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời phục vụ nhu cầu người dân khi có tình huống ngập lụt cục bộ xảy ra. Trong năm 2023, huyện đã cấp phát các trang thiết bị cho 11 xã, gồm: 750 áo phao, 600 phao tròn, 4 bộ nhà bạc, 1 ca nô… Huyện cũng thường xuyên điều chỉnh, cập nhật, bổ sung lại phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả của từng xã, qua đó giúp các xã có được những kịch bản phù hợp với đặc điểm để ứng phó trước diễn biến phức tạp của mưa lũ. Huyện Hòa Vang còn khuyến khích các xã sáng tạo nhiều phương thức tuyên truyền hiệu quả để thông tin đến nhanh nhất với bà con và nâng cao ý thức chủ động của cộng đồng.

TRẦN TRÚC

.