Xã hội
Nông dân thiệt hại do mưa lớn
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến hoạt động nông nghiệp bị ảnh hưởng, nông dân tạm ngưng sản xuất do nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp, bảo đảm nguồn cung nông sản, bình ổn thị trường.
Mưa lớn khiến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt. TRONG ẢNH: Thành viên HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan đang dọn dẹp trong sáng 16-10. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Hoa màu bị hư hại
Những ngày qua, vùng rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) phải chìm trong “biển nước”, đa phần diện tích sản xuất bị ngập sâu 30-50cm khiến rau màu hư hại. Theo Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn La Hường Trần Văn Hoàng, vùng rau nằm bên bờ sông Cẩm Lệ với địa hình trũng, thấp nên dễ xảy ra tình trạng bị ngập úng khi mưa lớn. Vào mùa mưa, nông dân tại vùng rau chỉ tập trung gieo trồng ở những vị trí đất cao.
Đợt mưa này, nước ngập nhanh nên nông dân chưa kịp thu hoạch hết rau màu. Một số loại như mướp, khổ qua, bí đao, ớt… bị ngâm trong nước lâu có nguy cơ cao bị suy cây, thối rễ sau khi nước rút. Ước tính khoảng 5ha bị ngập trong nước, bình quân nông dân thiệt hại từ 50-60 triệu đồng/ha.
Tương tự, tại vùng rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), toàn bộ 6ha diện tích đang sản xuất cũng bị ngập lụt do mưa lớn. Nhiều diện tích bị ngập hơn 1m, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan đang phối hợp cùng địa phương thống kê thiệt hại để đề xuất hỗ trợ giống, phân bón để tái sản xuất sau khi nước rút.
Tại vùng nuôi cá nước ngọt Hòa Khương, Giám đốc Hợp tác xã làng Phú Sơn Cao Văn Tới cho biết, rút kinh nghiệm từ các đợt ngập trước, bà con trong vùng đã chủ động các phương án phòng chống, không để bị động và bất ngờ như đợt mưa lịch sử năm ngoái. Các hộ nuôi cá thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo thời tiết, dựng rào chắn khu vực ao nuôi, khơi thông các kênh mương cho nước thoát nhanh… Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là 56ha. Đợt mưa này, 18 hộ nuôi cá nước ngọt bị thiệt hại với tổng diện tích 3ha.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tính đến ngày 16-10, khoảng 13ha rau màu tại các vùng rau xã Hòa Phong và Hòa Nhơn bị ngập úng; 5,75ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, chủ yếu ở xã Hòa Phong và xã Hòa Khương; 1 trại nấm tại xã Hòa Phong bị ngập…
Giá thực phẩm tăng nhẹ
Mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, song tại một số chợ trên địa bàn thành phố, lượng hàng hóa vẫn dồi dào, sức mua của người dân ổn định. Các loại thịt tươi sống, hải sản không khan hiếm do hoạt động giết mổ gia súc, đánh bắt hải sản vẫn diễn ra bình thường; riêng lượng rau, củ, quả được bày bán ít hơn. Chị Lê Thị Hồng, tiểu thương quầy hàng rau hành, lagim tại chợ Đống Đa (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho hay, dịp này, rau trồng tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có giá tăng mạnh.
Do thu hoạch trong ngày mưa, nhiều loại rau bị bầm dập nhưng vẫn bán rất chạy. Đối với các loại rau muống, mồng tơi, rau ngót... giá bán tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/bó; cà rốt, khoai tây Đà Lạt ở mức trên 20.000 đồng/kg; súp lơ 50.000 đồng/kg; các loại rau gia vị như rau thơm, húng, mùi, ngò gai... cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg trở lên.
Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường thông tin, lượng hàng hóa tại chợ trong những ngày qua chỉ khoảng 220-230 tấn/ngày; riêng mặt hàng rau hành, lagim, rau, củ, quả khoảng 120 tấn/ngày, giảm 30 tấn so với trước, chủ yếu nguồn hàng từ các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai…
“Các tuyến đường vận chuyển hàng hóa về chợ vẫn lưu thông bình thường, không bị ảnh hưởng do mưa lũ. Lượng hàng hóa tại chợ vẫn dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sức mua của người dân trong những ngày qua không tăng”, ông Anh cho hay.
Theo Sở Công Thương, nhiều đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố đã tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2023. Hiện nguồn hàng tại các đơn vị rất phong phú, dồi dào với tổng lượng hàng hóa lương thực thực phẩm dự trữ ước đạt gần 384,5 tỷ đồng, gồm: 105.000 thùng mì ăn liền, 2.637 tấn gạo, nếp các loại, hơn 31.300 thùng nước đóng chai, 30 ngàn vỉ trứng.... Trong trường hợp có thiên tai, bão lụt cần cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân tại các khu vực bị cách ly, Sở Công Thương sẽ liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn để huy động nguồn hàng kịp thời cung ứng cho các khu vực.
VĂN HOÀNG - TRẦN TRÚC