Xã hội

Các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó mưa lớn

07:36, 14/11/2023 (GMT+7)

Trong ngày 13-11, do mưa lớn tập trung tại vùng núi của huyện Hòa Vang trong thời gian ngắn nên xuất hiện lũ trên sông Cu Đê, Túy Loan; ngập úng nhiều đoạn đường, khu vực dân cư thấp trũng và sạt lở đất đá tại một số vị trí trên địa bàn huyện như xã Hòa Nhơn, Hòa Phong.

Lực lượng dân quân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chốt chặn tại khu vực sạt lở đoạn qua đèo La Ngà (xã Hòa Bắc) để bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình di chuyển qua đây vào sáng 13-11. Ảnh: THANH NHÂN
Lực lượng dân quân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chốt chặn tại khu vực sạt lở đoạn qua đèo La Ngà (xã Hòa Bắc) để bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình di chuyển qua đây vào sáng 13-11. Ảnh: THANH NHÂN

Một số khu vực bị ngập

Theo UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), mưa lũ làm taluy đèo La Ngà (thôn Nam Mỹ) bị sạt lở nặng; thôn Lộc Mỹ bị chia cắt do nước sông Cu Đê tràn qua, ngập sâu đập và đường tràn đi vào thôn Lộc Mỹ; khu vực tổ 1, thôn Nam Yên bị cũng bị ngập lũ.

UBND xã đã chỉ đạo lực lượng tiến hành căng dây cảnh báo ở những khu vực này và phối hợp khắc phục tạm tại khu vực đèo La Ngà để bảo đảm lưu thông; đồng thời tiến hành sơ tán 7 hộ dân ở thôn Tà Lang (29 người) đến nơi an toàn. Xã cũng phân công túc trực, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và thông báo kịp thời cho nhân dân được biết, chủ động phòng tránh...

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) Nguyễn Văn Bửu cho biết, lũ trên sông Túy Loan tràn lên gây ngập một số đoạn của quốc lộ 14G, nhưng rút nhanh sau khi ngớt mưa. Cũng dọc theo tuyến quốc lộ này, do mưa tập trung quá lớn trong thời gian ngắn nên đã xuất hiện một số điểm sạt lở đất đá xuống đường, nhất là tại Km24+200 và Km17+900. Ngay trong chiều 13-11, xã đã phối hợp với đơn vị liên quan huy động phương tiện cơ giới xúc dọn đất, đá để bảo đảm giao thông.

Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) Bùi Trung Khánh cho biết, UBND phường đã phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành việc khơi thông cống, rãnh, mương thoát nước, phát quang bụi rậm trên địa bàn nhằm bảo đảm tốt nhất việc thoát nước. Trong đó, lực lượng chức năng đã khơi thông dòng chảy từ khu vực Khánh Sơn đến kênh Đa Cô, đoạn qua cầu Bà Xí nhằm phòng, chống ngập cho khu vực đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt. Chính quyền địa phương đã thông tin rộng rãi cho người dân chủ động kê dọn đồ đạc, phòng ngừa ngập úng, đồng thời, lên phương án sơ tán người dân nếu xảy ra ngập úng.

Mưa lớn kéo dài cũng khiến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên (địa phận Đà Nẵng) tiếp tục sạt lở tại Km 46+300. Đây là vị trí đã xảy ra sạt lở trước đó. Mưa lớn khiến đất đá trên taluy dương tiếp tục đổ xuống mặt đường. Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan), điểm sạt lở tại Km 46 +300 là khu vực vẫn đang được theo dõi sụt trượt. Theo ghi nhận, một phần đồi bị sạt lở khiến hàng nghìn mét khối đất đá tiếp tục có nguy cơ tràn xuống mặt đường. Trong trường hợp, sạt lở có nguy cơ đe dọa đến an toàn giao thông, cơ quan chức năng sẽ cho tạm dừng lưu thông để xử lý, bảo đảm an toàn.

Sẵn sàng ứng phó

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, đã triển khai công tác ứng trực, huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó các tình huống nguy hiểm, ngập sâu tại khu dân cư, vùi lấp do lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, cứu nạn ngư dân, tàu thuyền trên biển. Các đồn, trạm biên phòng tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ động vận động, di dời, sơ tán người dân đến khu vực an toàn, các điểm sơ tán tập trung đã bố trí, duy trì nghiêm túc công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, đặc biệt là tình hình tội phạm lợi dụng gây án trong thời gian xảy ra mưa lũ. Đồng thời chủ động các phương án bố trí, di chuyển các phương tiện tàu thuyền về neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đúng quy định. Hải đội Biên phòng 2 sẵn sàng phương tiện tàu, xuồng kịp thời ứng cứu trên biển khi có lệnh.

Trong khi đó, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo trưởng công an các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lũ, ngập úng có thể xảy ra. Trong đó, tổ chức ứng trực, sẵn sàng huy động 100% quân số khi cần thiết; rà soát, kiểm tra, sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị hoặc liên hệ, huy động, trưng dụng các phương tiện, trang thiết bị của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngoài lực lượng công an thành phố để triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân khi có yêu cầu.

Tuyến đường liên thôn Thái Lai và Ninh An (xã Hòa Nhơn) bị nước ngập gây chia cắt. Ghi nhận mực nước tại tuyến đường này bị ngập từ 0,5 đến gần 1m. Ảnh: TRẦN TRÚC
Tuyến đường liên thôn Thái Lai và Ninh An (xã Hòa Nhơn) bị nước ngập gây chia cắt. Ghi nhận mực nước tại tuyến đường này bị ngập từ 0,5 đến gần 1m. Ảnh: TRẦN TRÚC

Trên cơ sở rà soát các khu vực, tuyến đường có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo công an các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động vận động, di dời, sơ tán người dân đến khu vực an toàn, các điểm sơ tán tập trung đã bố trí và duy trì thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, chủ động ứng trực, chốt chặn, phân luồng, hướng dẫn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông khi không bảo đảm an toàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không thể di chuyển lực lượng, phương tiện, trang thiết bị do các tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho hay, đơn vị thường xuyên đôn đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng duy trì ứng trực, sẵn sàng các phương tiện, thiết bị để kịp thời xử lý tại những vị trí xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị và theo dõi, vận hành các trạm bơm chống ngập.

Đồng thời, bố trí nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm công suất lớn để kịp thời xử lý ngập úng tại các khu vực dân cư có địa hình thấp trũng; kịp thời hạ mực nước trong các hồ điều tiết đến mức thấp nhất có thể để tăng khả năng điều tiết nước khi xảy ra mưa lớn. Công ty cũng thường xuyên rà soát, triển khai ngay giải pháp gia cố tạm thời bằng bao cát tại các vị trí kênh, mương bị sạt lở.

Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã triển khai khơi thông thoát nước và tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng, chống ngập úng, khơi thông cửa thu nước, tháo dỡ các tấm che, ngăn mùi trên cửa thu nước...; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập úng sâu, đặc biệt là các khu vực có nước chảy xiết trong đô thị nhằm kịp thời xử lý các tình huống phức tạp, cần hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn nếu có xảy ra.

Mưa lớn còn kéo dài đến ngày 17-11
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng, gây gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, giật cấp 5, nền nhiệt độ giảm, thấp nhất từ 21-23oC. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có mưa rào và giông, gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 4-6m, biển động mạnh; vùng biển thành phố Đà Nẵng có mưa rào và giông, gió đông bắc có mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với trường gió đông nên từ đêm 13 đến ngày 17-11, tại thành phố Đà Nẵng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và giông; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Thành phố cần đề phòng mưa cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi,  ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị; trong cơn giông cần đề phòng có sét và gió giật mạnh.

HOÀNG HIỆP - NGỌC QUỐC - THÀNH LÂN

.