Phóng sự - ký sự
Đất nghèo trọng chữ
Làm khuyến học là không chỉ đến hẹn lại lên phát tờ giấy khen kèm theo một ít hiện kim gọi là ai cũng như nấy mà phải tâm huyết, và có chiều sâu từ cội nguồn dòng tộc.
Văn chỉ La Châu được xem là một biểu tượng về truyền thống hiếu học của tầng lớp văn thân, sĩ phu và nhân dân vùng đất Hòa Vang xưa. Ảnh: N.H |
1. Từ đường vành đai phía nam nhìn xuống, Văn chỉ La Châu hiện ra tựa một dấu son giữa cánh đồng lúa xanh mượt mà như lụa. Hơn trăm năm nay, người dân Hòa Vang vẫn tự hào về một “Quốc Tử Giám” thu nhỏ nằm trên đất quê mình. Bởi Văn chỉ La Châu không chỉ là biểu tượng văn hóa làng mang đậm bản sắc dân tộc và là hình thái “Văn miếu” cấp huyện để thờ Đức Khổng Tử và các cao đệ của ngài. Ngoài ra, nơi đây còn có văn bia khắc ghi danh tính những người ở huyện Hòa Vang học hành đỗ đạt qua các kỳ thi dưới triều Nguyễn.
Những ngày đầu đông se lạnh, con đường vào di tích Văn chỉ đẫm hơi sương. Theo lời giới thiệu của người dân thôn La Châu, xã Hòa Khương, chúng tôi tìm đến Văn chỉ La Châu như một sự tri ân và ngưỡng vọng. Bảng giới thiệu Văn chỉ La Châu đính trên tường cho biết người có công sáng lập là ông Đỗ Thúc Tịnh, sinh năm 1918 tại làng La Châu, mất năm 1862 và được an táng ở quê nhà. Ông thi đỗ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thân (năm 1848). Năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhân chuyến về thăm nhà, ông đã bàn thảo với thân hào, nhân sĩ trong Hội Tư văn huyện xúc tiến xây dựng “Văn miếu” hàng huyện trong hai năm. Ông cũng là người chắp bút viết bài văn bia khắc dựng trước văn chỉ khi đang giữ chức Tri phủ huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Hòa Vang là vùng đất quê nghèo nhưng lại rất yêu con chữ. Chuyện xưa truyền lại, ngoài Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh ra, đất Hòa Vang đã từng có 24 cử nhân và 52 tú tài được vinh danh làm rạng rỡ tông môn. Truyền thống hiếu học ấy như một mã gien di truyền quý giá truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó cũng là lý do thôi thúc huyện Hòa Vang phục dựng lại Văn chỉ La Châu trên nền đất cổ xưa vào năm 2015. Bởi không chỉ đơn thuần là lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là tạo điểm tựa tinh thần vững chắc cho giáo dục truyền thống hiếu học của người dân địa phương.
Bài viết “Biểu tượng truyền thống hiếu học làng La Châu” đăng trên Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhận định: “Văn chỉ La Châu là văn chỉ duy nhất còn lại trên địa bàn Đà Nẵng còn thờ Khổng Tử và các môn đệ có giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô cùng to lớn. Đây cũng là một biểu tượng ý nghĩa thể hiện truyền thống hiếu học của tầng lớp văn thân, sĩ phu và nhân dân địa phương lúc bấy giờ”.
2. Nếu Văn chỉ La Châu là nơi dân làng tổ chức lễ tế có rước sắc phong vào ngày 15-3 âm lịch hằng năm, thu hút nhân dân địa phương và các làng lân cận thì những ngôi đình, nhà thờ tộc họ cổ kính mái ngói rêu phong trên đất Hòa Vang luôn là nơi sinh hoạt văn hóa của cả dòng họ, làng xã… Ở đó không chỉ là nơi kính ngưỡng ông bà tổ tiên mà còn là bệ phóng cho ước mơ của các thế hệ.
Dòng họ là những cộng đồng có quan hệ huyết thống, là nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp đời này qua đời khác, là chỗ cho mọi thành viên có nơi đi chốn về, có chỗ dựa tình cảm, có niềm tự hào, có sự hỗ trợ giúp đỡ nhau trong đời sống nhằm giữ gìn gia phong, thực hiện gia giáo, góp phần đắc lực vào việc xây dựng văn hóa văn minh đô thị. Xưa nay dòng họ có vai trò hết sức lớn đối với công tác khuyến học, khuyến tài.
“Chuyện nhiều người con của làng đã lớn lên và đỗ đạt thành tài bằng hạt lúa củ khoai của gia đình và tộc họ thì nhiều vô kể”, ông Đinh Mùi, phó trưởng Hội đồng gia tộc, chi hội trưởng Khuyến học tộc Đinh ở làng Quá Giáng, xã Hòa Phước, rất tự hào khoe với chúng tôi như thế. Ngày 2 tháng 9 hằng năm cũng là dịp chuẩn bị năm học mới, tộc Đinh tổ chức khen thưởng con em trong tộc học giỏi, đỗ đại học, sau đại học. Đồng thời có những suất học bổng đặc biệt hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục con đường học vấn. Tất cả số tiền ấy đều từ sự phát nguyện của con cháu tộc họ gom góp thành “Quỹ khuyến học tộc Đinh”.
Theo ông Đinh Viết Thành, người được xem là rất am hiểu chuyện làng Quá Giáng thì câu chuyện khuyến học, khuyến tài ở tộc Đinh không phải ngày một ngày hai mà đã có từ hồi ông bà xưa. “Nghe kể hồi thời ông cố tôi có cụ Phó Năm là Phó chánh tổng Thanh An, Thanh Quýt đã giúp đỡ lúa gạo, tiền bạc không chỉ cho con cháu tộc Đinh, mà còn các tộc họ khác trong làng ăn học. Nhờ rứa mà làng Quá Giáng sau này mới có nhiều người thành tài rạng danh tông môn”.
Về làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, chúng tôi nhiều lần gặp ông Trần Đình Quốc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Liên Chiểu, hiện là Chi hội phó Chi hội Khuyến học tộc Trần Đình. Ông kể, ông nội mình từng dạy con cháu trong gia đình rằng: “Cha mẹ làm giàu của để tày non không bằng để cho con vài ba chữ”. Về sau, lời dạy này đã vượt khuôn khổ gia đình và lan rộng ra cả dòng họ. “Ngẫm lại các cụ nhà mình thiệt là sâu sắc. Thực tế cho thấy để lại cho con cái gia sản lớn bao nhiêu mà không có chữ nghĩa để tính toán làm ăn, học đạo đức làm người thì rồi cũng có ngày của nả tiêu tan”, ông gật gù bàn luận.
Ông Đinh Viết Thành (thứ 3, bên trái sang) tuyên dương con em gia tộc học giỏi ngày 2-9 vừa qua.Ảnh: N.H |
3. “Những dòng sông hàng trăm năm âm thầm chở nặng phù sa thì mới làm nên bờ bãi tốt tươi. Chuyện khuyến học cũng gần như thế! Không thể làm ồ ạt rồi bỏ nửa chừng. Không chuộng bề nổi mà phải lâu dài và thiết thực. Phải đúng con người, đúng hoàn cảnh và đúng thời điểm. Đôi khi chỉ cần lời động viên, vinh danh giữa họ tộc cũng giúp cháu con vượt qua khó khăn, bền chí học tập”, ông Trần Đình Lăng, người đứng đầu Chi hội Khuyến học tộc Trần Đình Yến Nê đã rủ rỉ tâm sự bên chén trà trong một buổi chiều mùa đông chớm lạnh. Chính vì lẽ đó mà trong hai năm bị Covid-19, hoạt động tuyên dương khen thưởng con em gia tộc tuy có chững lại về bề nổi, nhưng tộc Trần Đình vẫn gởi giấy khen để các chi phái tộc đem đến từng nhà nhằm khen thưởng và động viên kịp thời các cháu, mặt khác cũng để giữ lửa cho phong trào.
Trong mạch chuyện tự sự ngày đông, ông Lăng hào hứng khoe rằng: “Đà Nẵng hiện có 200 dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập” trong tổng số 270 dòng họ đăng ký xây dựng danh hiệu này. Dòng họ Trần Đình làng Yến Nê, xã Hòa Tiến không chỉ được thành phố biểu dương mà còn từng được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen “Đạt danh hiệu dòng học học tập tiêu biểu”.
Thế mới biết, làm khuyến học không chỉ đến hẹn lại lên phát tờ giấy khen kèm theo một ít hiện kim gọi là ai cũng như nấy mà phải tâm huyết, và có chiều sâu từ cội nguồn dòng tộc. Phải làm sao kích hoạt được tinh thần hiếu học, bản lĩnh, niềm tự hào về truyền thống trọng con chữ của mỗi con dân ở mỗi gia đình để tạo ra nhân tài cho quê hương xứ sở. Ngày trước, làng nào có người đỗ đạt thành tài, trong ngày vinh quy bái tổ, cả làng ra đón rước về đình làng. Bây giờ tuy không còn hình thức võng lọng, cân đai nhưng nhiều dòng họ ở miền quê Hòa Vang vẫn vinh danh con em đạt những học hàm, học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, những nhà khoa học… vào những dịp giỗ chạp tiền hiền tại từ đường tộc họ. Việc làm này đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các thế hệ con cháu, chắp cánh cho hành trình đi tìm con chữ của con em.
“Năm 2023, toàn huyện có 21.826/37.840 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 41/86 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”. Mỗi địa phương có cách làm sáng tạo khác nhau, nhưng tất cả đều chung mục tiêu là nuôi dưỡng và phát huy tinh thần hiếu học của gia đình, dòng họ. Các chi hội Khuyến học dòng họ trên địa bàn huyện thường xuyên khen thưởng, biểu dương những học sinh, sinh viên học giỏi và trao học bổng cho học sinh hiếu học trong dòng tộc có hoàn cảnh khó khăn. Để đạt nhiều kết quả, các chi hội đã vận động hội viên trong dòng tộc, nhà hảo tâm, những người con xa quê hương đóng góp vật lực, tiền của xây dựng Quỹ khuyến học. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi đều ở mức khá cao; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học năm sau luôn cao hơn năm trước”, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hòa Vang Nguyễn Xuân Cường cho biết. |
NHƯ HẠNH