Xã hội

"Thắp sáng' đường về nẻo thiện

19:54, 14/11/2023 (GMT+7)

ĐNO - Ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), ngoài việc giúp học viên cai nghiện ma túy, với trách nhiệm và tâm huyết của mình, những cán bộ làm công tác giáo dục tại đây còn trang bị cho học viên những kiến thức văn hóa, pháp luật, học nghề để sau này có đủ điều kiện hòa nhập với cộng đồng.  

Học viên cai nghiện đang thực hành kỹ thuật buồng phòng.
Học viên cai nghiện đang thực hành kỹ thuật buồng phòng.

Đến lớp học xóa mù chữ do anh Dương Thế Vũ (Cử nhân Sư phạm) đảm nhiệm, từ xa đã vang lên tiếng đọc bài, đánh vần của học viên. “Quê hương là gì hả mẹ, mà cô giáo dạy phải yêu? Quê hương là gì hả mẹ, ai đi xa cũng nhớ nhiều?” trong bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân.

Điều khiến chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh anh Dương Thế Vũ, phụ trách dạy văn hóa của Cơ sở xã hội Bầu Bàng đang cầm tay tận tình hướng dẫn, giúp học viên nắn nót từng con chữ. Anh Vũ được các học viên nơi đây gọi với 2 tiếng thân thương “thầy giáo”.

“Hôm nay, thầy sẽ dạy các em đánh vần nhé. Các em cố gắng phát âm sao cho đúng là được. Cố gắng rồi từ từ sẽ đọc lưu loát thôi”, thầy Vũ nói với các học viên. 

Lớp học đặc biệt này có 4 học viên đang theo học chương trình xóa mù chữ. Trong lớp, có học viên đang ở tuổi đôi mươi nhưng cũng có người đã ngoài 50. Những học viên này tuy khác nhau về hoàn cảnh, công việc, tuổi tác nhưng tất cả đều chung “số phận” là không may sa vào cạm bẫy của ma túy. Sự chênh lệch về tuổi tác, hạn chế về trí nhớ do sử dụng chất ma túy của họ khiến việc truyền đạt kiến thức cho lớp học đặc biệt này thêm khó khăn. 

Anh Dương Thế Vũ cho biết: “Giáo dục một người bình thường đã khó, giáo dục học viên cai nghiện còn khó khăn hơn nhiều. Bởi lẽ mỗi học viên đều có tính cách và hoàn cảnh gia đình khác nhau, riêng học viên lớn tuổi thì ngại học, tiếp thu chậm nên thường phải kéo dài thời gian. Dạy học ở đây phải kiên nhẫn, chuyên tâm hơn rất nhiều lần, nên mỗi cán bộ chúng tôi phải cố gắng và linh hoạt trong việc giáo dục, cảm hóa học viên”.

Cách lớp học xóa mù mà anh Dương Thế Vũ đang giảng dạy không xa là lớp học nghề kỹ thuật buồng phòng cho 30 học viên khác. Nhìn những đôi mắt đang dõi theo sự hướng dẫn sắp xếp, bài trí phòng ở của giáo viên trong giờ thực hành của học viên cai nghiện mới thấy họ đáng được xã hội cảm thông, chia sẻ hơn là sự “lên án” nào đó.

Học viên N.T.N (phường Tam Thuận, Thanh Khê) đang học lớp kỹ thuật buồng phòng cho biết: “Khi mới vào cơ sở em không nhận thức được hành vi của mình, hay có cảm giác lo sợ. Nhưng sau quá trình được thầy cô tận tình giúp đỡ, khuyên bảo, động viên, em đã dần ổn định tâm lý, nhận ra hành vi sai trái của mình. Em quyết tâm học tập, lao động để hiểu biết hơn và rèn luyện, thay đổi bản thân”. 

Thông qua việc học chữ, học tập các chuyên đề về pháp luật, văn hóa ứng xử, giá trị đạo đức, kỹ năng phòng chống tái nghiện, học nghề, học viên đã có những suy nghĩ theo chiều hướng tích cực và số đông đều xác định quyết tâm học là để cho mình, học là để tạo niềm tin hơn khi tái hóa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Mỗi học viên có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi bộc lộ cảm xúc họ đều có điểm chung là tình cảm sâu sắc với những người được gọi là thầy, là cô nơi đây. Học viên H.T.Đ (phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê) cho biết: "Nếu như không có thầy cô và cán bộ nơi đây tận tình chia sẻ, giúp đỡ trong quá trình cai nghiện, học tập, lao động thì có lẽ giờ đây em sẽ không có cơ hội tìm lại được chính mình. Thầy cô là những người giúp chúng em cố gắng trở thành người có ích".

Thạc sĩ Công tác xã hội Võ Thị Huyền Trang, chuyên viên Phòng Công tác xã hội chia sẻ: “Các thầy, cô giáo nơi đây phải rất nỗ lực, chia sẻ, cảm hóa học viên bằng cả tình yêu thương. Các chuyên đề giáo dục được phân theo từng độ tuổi, nhận thức, giai đoạn phục hồi của học viên, giới tính. Ở môi trường này hướng đến giáo dục hành vi, nhân cách rất khó khăn, vất vả, không như môi trường bên ngoài”.

Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận 424 học viên, nâng tổng số học viên lên 779 lượt người. Cơ sở đã tổ chức 30 lớp chuyên đề tuyên truyền phòng chống ma túy, giáo dục sức khỏe, pháp luật, đạo đức, đội hình đội ngũ, kỹ năng phòng chống tái nghiện cho 487 lượt học viên; 1 lớp văn hóa phổ cập tiểu học cho 4 học viên; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề thành phố mở 5 lớp nghề điện lạnh và điện ô-tô cho 150 học viên.

Những cán bộ như anh Thế Vũ, chị Huyền Trang và còn rất nhiều nữa, có người hằng ngày phải vượt quãng đường sáu bảy chục cây số để đến nơi làm việc, để dạy dỗ và thắp lên niềm tin mới cho học viên của mình.

Thực tế cho thấy, áp lực công việc mà cán bộ, nhân viên ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng đang hằng ngày, hằng giờ gánh vác rất nặng. Tuy nhiên, bằng những cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm và tình thương yêu của mình, họ đang giúp cho hơn 400 học viên hiện đang học tập, cai nghiện tại đây - những người đã có một thời lầm lỡ nhận thức được lỗi lầm của mình và có thêm kiến thức, nghị lực, niềm tin để làm lại cuộc đời.

Mặc dù chưa từng được tôn vinh trong ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng họ thực sự là những người thầy, người cô đang hằng ngày “thắp sáng” con đường trở về nẻo thiện của những người từng lầm đường lạc lối.

Q. LINH - T. DUYÊN

.