Tận tâm với công việc

.

Chị Văn Thị Hạnh (SN 1989, công nhân đội 2, Xí nghiệp môi trường Sơn Trà) vừa được UBND quận Sơn Trà ghi nhận và trao bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025” năm 2022 và 2023.

Chị Văn Thị Hạnh (bên trái) cùng các công nhân đang thu gom các thùng rác hỏng để chở về xí nghiệp. Ảnh: M.Q
Chị Văn Thị Hạnh (bên trái) cùng các công nhân đang thu gom các thùng rác hỏng để chở về xí nghiệp. Ảnh: M.Q

Công việc của chị Hạnh bắt đầu vào 4 giờ sáng mỗi ngày trên tuyến đường Trần Thánh Tông. Đây là tuyến đường lớn trên địa bàn 2 phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông có nhiều hàng quán nên lượng rác khá nhiều, nhất là vào mùa hè như hiện nay. Chị Hạnh cho biết, lượng rác trung bình chị thu gom khoảng 5-6 thùng rác 260 lít, tuy nhiên từ đầu tháng 5 đến nay thì rác tăng gấp đôi, vì vậy, thay vì kết thúc vào lúc 9 giờ sáng, chị thường làm thêm để bảo đảm rác đã được dọn sạch, giữ gìn cảnh quan sạch sẽ. Buổi chiều chị bắt đầu làm việc lúc 14 giờ tại tuyến đường Bùi Dương Lịch - nơi tập trung nhiều chung cư nên lượng rác thu gom  khá lớn, trung bình 10-12 thùng rác 260 lít/ngày. Việc bảo đảm dọn sạch rác ở các tuyến đường được phân công duy trì vệ sinh đã chiếm 8-9 tiếng thời gian làm việc mỗi ngày nhưng chị vẫn thường xuyên hỗ trợ khi đội hoặc xí nghiệp có yêu cầu.

“Ngoài thời gian làm việc từ 4-10 giờ sáng và 14-17 giờ chiều, nếu đội hoặc xí nghiệp huy động công nhân dọn các điểm rác phát sinh, dọn xe rác bị hư hỏng… thì tôi sẽ làm liên tục công việc trong buổi sáng hoặc bắt đầu công việc buổi chiều sớm hơn để có thời gian tham gia hỗ trợ cho các công nhân khác.

Công việc phát sinh trên thường kéo dài khoảng 2 tiếng với nhiều rác cồng kềnh như giá hạ, xà bần cũng như nhiều loại rác khác vì đang là mùa cao điểm xây dựng, vì vậy việc thu gom cũng vất vả và tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, vì muốn chung tay góp sức để xóa các điểm tập kết rác cũ, bảo đảm cảnh quan môi trường nên tôi đều sắp xếp thời gian, đẩy nhanh công việc để tham gia cùng. Thực tế, không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nên chúng tôi cũng mong muốn chính quyền các cấp có nhiều hình thức tuyên truyền để mọi người chung tay vì môi trường sống”, chị Hạnh nói.

Với thời gian khoảng 10-11 tiếng dành cho công việc, nhưng hết giờ làm chị Hạnh lại tất bật chăm lo cho 3 con nhỏ đang tuổi ăn, học (5, 7 và 11 tuổi) vì chồng chị là ngư dân nên thường xuyên vắng nhà. Hiện gia đình chị vẫn phải sinh hoạt trong căn nhà trọ chật hẹp tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Khó khăn là vậy, nhưng chị Hạnh luôn cần mẫn với công việc và quan niệm: đã chọn nghề này rồi thì xác định “làm dâu trăm họ”, miễn sao hết rác, sạch đường thì mới xong công việc chứ không phải hết giờ là hết việc.

Ông Trần Mai Trường, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà đánh giá chị Hạnh là một trong những công nhân chăm chỉ nhất của đội 2 nói riêng và xí nghiệp nói chung. Khi xí nghiệp hoặc đội yêu cầu hỗ trợ thu gom các điểm rác phát sinh, chị hầu như là người đầu tiên xung phong tham gia. Ở những khu vực được phân công phụ trách, chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao, không để xảy ra tình trạng rác ứ đọng. Vì vậy, dù thời gian công tác chính thức chỉ khoảng 3 năm nhưng vừa qua, chị Hạnh đã được UBND quận trao giấy khen về thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025” năm 2022 và 2023. Có thể nói, chị Hạnh luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện đúng quy trình công tác, góp phần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn quận Sơn Trà nói riêng, thành phố nói chung.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.