Thúc đẩy học tập, trải nghiệm qua bảo tàng

.

Ngày Quốc tế bảo tàng (18-5) năm nay có chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”, nhấn mạnh vai trò của bảo tàng trong việc cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện, như một trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo cho khách tham quan. Đây cũng chính là mục tiêu, định hướng hoạt động của các bảo tàng tại Đà Nẵng trong những năm qua, nhằm tạo ra môi trường học tập, trải nghiệm bổ ích, lý thú và giàu giá trị thông tin.

Các em học sinh Trường THCS Trưng Vương tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn tháng 5”. Ảnh: X.D
Các em học sinh Trường THCS Trưng Vương tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn tháng 5”. Ảnh: X.D

Đa dạng hoạt động trải nghiệm

Từ năm 2014, Bảo tàng Đà Nẵng tiên phong thực hiện các hoạt động giáo dục thông qua bảo tàng cho học sinh trên địa bàn thành phố như: chương trình “Em yêu lịch sử”, “Giờ học ngoại khóa tại bảo tàng”, hoạt động giáo dục lịch sử tại các di tích, trường học thuộc vùng sâu, vùng xa. Từ đó đến nay, bảo tàng luôn duy trì, mở rộng quy mô, làm phong phú thêm nội dung các hoạt động để tăng tính tương tác, tạo sự hứng thú cho học sinh tham gia.

Tháng 5 này, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp Trường THCS Trưng Vương tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn tháng 5”. Tại đây, các em được nhân chứng lịch sử chia sẻ kiến thức về quy mô, vai trò, ý nghĩa Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cùng với đó, được trải nghiệm các hoạt động tương tác như: làm dép cao su từ lốp xe hỏng và hóa thân thành các chiến sĩ đẩy xe đạp thồ vượt qua trận địa chiến trường. Nguyễn Thị Khánh Ngọc, học sinh lớp 8, Trường THCS Trưng Vương chia sẻ: “Em rất thích những hoạt động này, nó không chỉ cho em kiến thức sinh động, trực quan về lịch sử, mà còn giúp em có thêm kỹ năng nhóm, tinh thần tập thể và khả năng tư duy nhạy bén hơn”.

Là bảo tàng duy nhất ở Nam Trung bộ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến việc trao truyền, định hướng tư duy thẩm mỹ cho thanh thiếu nhi. Vì vậy, thường xuyên phối hợp các đơn vị tổ chức cuộc thi sáng tác tranh thiếu nhi, in tranh Đông Hồ, vẽ mặt nạ giấy bồi và giáo dục di sản mỹ thuật cho học sinh các cấp… Từ đầu năm 2024 đến nay, bảo tàng tổ chức hơn  10 hoạt động lớp học ngoại khóa, bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu mỹ thuật cho hơn 7.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Ngày 15-5, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức cuộc thi sáng tác tranh thiếu nhi với chủ đề “Sắc hè Đà Nẵng”, thu hút 62 học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS tham gia. Với cuộc thi này, học sinh được thỏa sức sáng tạo, vẽ nên bức tranh về mùa hè của Đà Nẵng trong mắt các em. Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh chia sẻ: “Khác với những bảo tàng thiên về tư liệu, hiện vật lịch sử, chúng tôi hướng đến nâng cao nhận thức về di sản mỹ thuật cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng năng khiếu, tình yêu mỹ thuật, hay lớn hơn là cái đẹp cho các em. Từ đó, góp phần xây dựng, kiến tạo nên một xã hội với những con người luôn hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ”.

Tạo môi trường học tập, nghiên cứu toàn diện

Lưu giữ bộ sưu tập hiện vật là những bức tượng Champa quý giá, có niên đại hàng trăm năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng không chỉ thu hút du khách đến tham quan, mà còn là nơi học tập, tìm hiểu văn hóa cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên. Từ đầu năm đến nay, bảo tàng đã hỗ trợ 4.838 khách (105 đoàn) học sinh, sinh viên tham quan, học tập với hàng chục hoạt động giáo dục trải nghiệm “Cùng em khám phá”, chương trình giáo dục chuyên đề cho học sinh các cấp trên địa bàn. Phó trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) Nguyễn Thị Khánh Tâm cho biết, bên cạnh học sinh, từ năm 2023, bảo tàng triển khai chương trình giáo dục “Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Champa” dành cho sinh viên chuyên ngành lịch sử, văn hóa, kiến trúc, du lịch.

Bằng các buổi học thuật, trao đổi với chuyên gia đầu ngành tại chương trình, sinh viên được tiếp cận những kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghệ thuật tôn giáo Champa; nghiên cứu, tích lũy kiến thức thực tiễn phục vụ nghề nghiệp tương lai. “Hoạt động giáo dục tại bảo tàng góp phần bổ trợ, mở rộng thêm thông tin, kiến thức trực quan cho các bài học tại nhà trường. Từ đó, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, bà Tâm chia sẻ.

Ngày Quốc tế bảo tàng năm nay, Hội đồng Bảo tàng quốc tế khuyến khích các bảo tàng tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá; sử dụng các nền tảng trực tuyến để chia sẻ đến khách tham quan về điểm mới trong kết quả nghiên cứu của bảo tàng. Nội dung này được các bảo tàng tại Đà Nẵng triển khai sớm và khá đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. Đơn cử, từ năm 2022, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện chương trình giáo dục di sản thông qua hình thức trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh THCS.

Tương tự, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức các buổi học di sản văn hóa bằng hình thức trực tuyến, kết nối đến các trường học trên địa bàn. Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân cho hay, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội luôn được bảo tàng khai thác tối đa nhằm tiếp cận, đáp ứng thị hiếu của giới trẻ. Với các chủ đề ít có tư liệu, hiện vật, khó tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, bảo tàng sẽ xây dựng thành những podcast và đăng tải lên kênh youtube, facebook. Ngoài ra, phối hợp các bảo tàng trên cả nước tổ chức những buổi học trực tuyến, giúp học sinh hiểu thêm về di sản văn hóa dân tộc và các tỉnh, thành phố khác.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.