Xã hội

Xây dựng vị trí việc làm gắn với cải cách tiền lương

07:58, 13/05/2024 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và Kết luận số 64-KL/TW của hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về thực hiện cải cách tiền lương nhằm đạt mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống của cá nhân và gia đình người hưởng lương từ ngân sách, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã và đang tích cực thực hiện đề án vị trí việc làm, tinh gọn bộ máy, làm cơ sở để điều chỉnh lương, bảo đảm việc cải cách tiền lương được triển khai đúng tiến độ từ ngày 1-7-2024.

Cơ cấu tiền lương mới áp dụng từ ngày 1-7-2024. Đồ họa: THANH HUYỀN
Cơ cấu tiền lương mới áp dụng từ ngày 1-7-2024. Đồ họa: THANH HUYỀN

Bài 1: Bảo đảm cuộc sống người hưởng lương

Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, nêu rõ, từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Cải cách tiền lương lần này được xem là triệt để khi mức lương cơ bản được xây dựng trên nguyên tắc là một số tiền cụ thể, cùng với đó là việc ban hành bảng lương mới theo chức danh và vị trí việc làm; xác định tiền lương là một trong những thu nhập chính tiến tới bảo đảm cuộc sống người hưởng lương.

Bỏ mức lương cơ sở, xây dựng mức lương bằng số tiền cụ thể

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, điểm mới khi cải cách là thực hiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Cùng với đó, ban hành hệ thống 5 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Ban Chấp hành Trung ương xác định tiền lương là vấn đề quan trọng, là một trong những thu nhập chính, cơ bản để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Nghị quyết cũng nhấn mạnh chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp cho người có công để tiến tới bảo đảm cuộc sống cho người hưởng lương và gia đình của họ.

Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thông qua việc tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản, hiện nay Chính phủ đã dành được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ cho việc cải cách tiền lương trong 3 năm tới đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Việc chuẩn bị nguồn lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị đang được tiến hành. Ngày 31-1-2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 135/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; giao cho cấp có thẩm quyền ban hành danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới. Theo đó, các bộ, ngành phê duyệt đề án vị trí việc làm để sau khi có hướng dẫn cụ thể về tiền lương theo vị trí việc làm thì áp dụng được ngay.

Theo Quyết định số 135/QĐ-TTg, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Hiện nay các văn bản trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng đang được xây dựng. Chỉ còn khoảng gần  2 tháng nữa để việc này phải hoàn thành, trước khi áp dụng bảng lương mới vào ngày 1-7-2024. Trong thời điểm hiện nay, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, nhất là trong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Động lực cho công chức, viên chức

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) Võ Thanh Phước cho biết, trường dành khoảng 4 tháng để biên soạn, chỉnh sửa danh mục, mô tả chi tiết từng vị trí việc làm của 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo đó, trường có 17 vị trí việc làm, mỗi vị trí có 3-5 trang giấy mô tả chi tiết từng công việc cụ thể của mỗi người với các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên làm công tác chuyên môn có 3 hạng 1, 2, 3; giáo vụ, nhân viên thiết bị-thí nghiệm, nhân viên tư vấn học sinh, nhân viên hỗ trợ khuyết tật, thư viện, kế toán...

Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, thực hiện đề án vị trí việc làm, bệnh viện phê duyệt 3 vị trí lãnh đạo, quản lý bệnh viện; 6 vị trí lãnh đạo cấp phòng; 22 vị trí lãnh đạo nghiệp vụ chuyên ngành; 19 vị trí việc làm chuyên môn dùng chung; 5 vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Bác sĩ Ngô Hữu Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết tổng số cán bộ, nhân viên của bệnh viện là 727 người. “Theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, bệnh viện còn thiếu khoảng 100 cán bộ, nhân viên mới đáp ứng đủ các vị trí việc làm theo quy định”, bác sĩ Thuận chia sẻ.

Theo đại diện Sở Nội vụ, đến nay 30 cơ quan, địa phương, gồm 22 sở, ban, ngành và 8 quận, huyện đã hoàn thành đề án vị trí việc làm đúng hạn kế hoạch ngày 31-3 theo yêu cầu của Chính phủ. Mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng vị trí việc làm là cơ sở, căn cứ quan trọng để áp dụng phương án chi trả tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.

Như vậy, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh, cộng với phụ cấp chức vụ và các phụ cấp khác, khi chuyển sang hưởng lương mới sẽ theo bảng lương chức vụ lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ. Theo phương án cải cách tiền lương, tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 32%, bao gồm lương cơ bản và phụ cấp. Từ năm 2025 mức lương sẽ điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%/năm.

Qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003, có thể nói việc cải cách tiền lương lần này được cho là đồng bộ, toàn diện, tiến hành căn bản nhất. Điều này cũng đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị, địa phương thấy chỗ nào cần, chỗ nào không cần để sắp xếp nhân sự phù hợp, tinh gọn, mỗi người làm được nhiều việc hơn. Trên cơ sở xác định đầy đủ vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc trả lương theo vị trí việc làm gắn với nâng cao chất lượng công việc, bảo đảm được mục tiêu cuối cùng của việc cải cách chính sách tiền lương.

Có thể nói, việc tăng lương lần này sẽ là động lực thúc đẩy tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, cho rằng lương xứng đáng là động lực để cán bộ, công chức, viên chức làm tròn trách nhiệm.  Tuy nhiên, động lực chủ yếu thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có được tinh thần đột phá, dám nghĩ dám làm là sự động viên đúng mức, kịp thời của người lãnh đạo quản lý cũng như sự tôn vinh thực sự của tập thể cơ quan, đơn vị - tức là được thưởng cả tinh thần lẫn vật chất. Và động lực quan trọng hơn nữa chính là ý thức đạo đức công vụ, sẵn sàng cống hiến vì đại cuộc của từng cán bộ, công chức, viên chức. Đương nhiên tiền lương hợp lý cũng có ý nghĩa, vì muốn có được tinh thần đột phá, dám nghĩ dám làm, trước hết cán bộ, công chức, viên chức phải làm tròn trách nhiệm công vụ của mình.        

5 bảng lương mới
Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ có 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm gồm:
- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
- 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
- 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an.
- 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

HOÀNG NHUNG

.