Xã hội
Đề phòng tai nạn, thương tích khi đi du lịch sinh thái
Những ngày hè, nhất là vào dịp cuối tuần, có nhiều người dân, du khách, thanh niên, học sinh và trẻ em tham gia, trải nghiệm các hoạt động du lịch sinh thái ở các sông, suối, hồ, ghềnh đá... Thời tiết đang trong mùa nắng nóng gay gắt, hạn hán và chuyển đổi trạng thái bất ngờ, do đó cần đề phòng các nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, nhất là đối với trẻ em.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, tại các khu vực ở bán đảo Sơn Trà, dù các lực lượng chức năng đã đặt nhiều vật cản, rào chắn, các biển cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn đi vào những lối mòn để đến các khu suối, khe, ghềnh đá để tụ tập ăn uống, chơi đùa... Nhiều người còn tắm biển ở các ghềnh đá ngay cả lúc sóng to, dễ bị đẩy vào các tảng đá lớn. Tại khu vực đập dâng An Trạch (xã Hòa Tiến), nhiều học sinh đứng trên đập để câu cá và đùa giỡn, nguy cơ xảy ra tai nạn nếu vô tình hỏng chân, té ngã xuống vì khu vực này nước sâu, có dòng chảy xiết, dễ bị cuốn trôi và mắc kẹt ở các khe cửa van. Tại các sông, hồ, khi nước hạ thấp, nổi lên nhiều bãi cạn tạo nên phong cảnh đẹp thu hút nhiều người bước xuống chơi, chạy nhảy, nguy cơ xảy ra sụt lún, dẫn đến tai nạn vì bên dưới thường có túi bùn. Tại xã Hòa Bắc, có nhiều người đi vào rừng, tìm đến các khe, suối để dã ngoại, tắm suối vào dịp cuối tuần, dễ gặp nguy cơ tai nạn, thương tích do trượt chân, té ngã, bị nước cuốn trôi, nhất là vào mùa này, thường hay có mưa dông bất ngờ.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết, vào mùa hè, lực lượng tuần tra 8394 và Công an xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý các cá nhân, tập thể du lịch tự phát vi phạm các quy định. Đồng thời, cắm các biển báo tại ranh giới rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại nhũng vị trí khách du lịch thường xuyên tụ tập sinh hoạt, nhất là khu vực khe Răm. Xã cũng giao Ban nhân dân các thôn tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn, kịp thời báo cáo về xã tình hình liên quan đến du lịch tự phát. Xã đề nghị Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, các trạm bảo vệ rừng tăng cường trách nhiệm, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vào rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật cũng như hỗ trợ xã tổ chức đẩy đuổi người vào rừng khi chưa được phép.
Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (Chi cục Thủy lợi thành phố Đà Nẵng) Nguyễn Vĩnh Long cho biết, đơn vị đang tổ chức tuyên truyền về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đến người dân các vùng có nguy cơ cao ở các địa phương, trong đó có lồng ghép nội dung tuyên truyền, đề nghị người dân quản lý chặt trẻ em, học sinh trong mùa nắng nóng để tránh bị các nguy cơ đuối nước, tai nạn do đi chơi, dã ngoại hoặc tắm ở các hồ, đập, sông, suối, ghềnh đá... Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để phòng tránh. Đặc biệt, khi có dấu hiệu cơn giông như mây đen, không khí lạnh và gió mạnh thì tìm nơi trú ẩn hoặc ở trong nhà không nên ra ngoài đường; không trú mưa dưới các gốc cây to, gò cao và nơi có nước; tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt... để tránh bị ảnh hưởng bởi sét. Nếu học sinh, trẻ em đang ở trên thuyền hoặc đang bơi, ở gần sông suối, ao hồ, kênh mương, bãi biển thì vào bờ ngay và tìm đến chỗ khô ráo, an toàn để trú ẩn...
Các hoạt động du lịch, dã ngoại, tắm ở các sông, suối, khe ở đầu nguồn các công trình khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, nhất là suối Đá, suối Tình, hồ Xanh, khe Răm, suối Lương... gây mất vệ sinh nguồn nước, thậm chí là các hoạt động này còn diễn ra ngay trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt. Ở một số sông, suối, khe có tình trạng xây dựng hoặc sắp đặt đá thành các công trình chặn dòng nước để tạo thành hồ phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ tắm suối, du lịch sinh thái... Theo Phó Phòng khoáng sản và tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đặng Nguyễn Thục Anh, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 3-8-2023 về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn thành phố. Do đó, đề nghị các địa phương rà soát, chấn chỉnh. Việc chặn sông, suối ở các khu vực khai thác nước là vi phạm Luật Tài nguyên nước và phải có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, nếu được xác định là vi phạm thì phải tháo dỡ, không để tồn tại.
HOÀNG HIỆP