Đà Nẵng cuối tuần
Thời gian không lặng thinh...
Hơn 80 năm trước, nhà thơ Đoàn Phú Tứ có bài thơ Màu thời gian nổi tiếng trong thi ca tiền chiến: "... Trời mây phảng phất nhuốm thời gian/ Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát…". Nhà thơ Chế Lan Viên lại viết: "Thời gian trôi lặng thinh/ Mà tháng ngày chảy hết".
Để có đủ các loại lá Mùng 5, người bán phải đi hái lá từ năm ngoái ở nhiều chỗ, có thứ phải ra tận Cù Lao Chàm mới có, gọi là lá Lao, có thứ hái trong vườn, trong làng. Rồi phơi phóng từng loại, vệ sinh và vô bao từng loại. Chỉ lấy công làm lời. Ảnh: T.Đ.T |
Màu thời gian là hình ảnh thi ca, hội họa của phương Tây. Tại sao thời gian lại lặng thinh? Thật ra nó vẫn vang vọng đâu đó, trong ký ức, tâm hồn người! Tôi thích tiếng thời gian hơn. Thời gian đi qua, ai cũng nghĩ cái tiếng của nó sẽ mất đi. Nhưng không phải vậy, nó vẫn âm vang trong kỷ niệm, trong tâm hồn mỗi chúng ta…
1. Mùa hè này, tôi trở về làng La Thọ ở xã Điện Hòa, phía nam Đà Nẵng. Đó là quê hương của bà nội tôi. Bà là con gái đầu của ông bà ngoại cha tôi, tôi gọi bằng cố. Đó là một gia đình nghèo đông con, làm nông nghiệp nhiều đời. Là con gái đầu, bà nội tôi muốn đỡ đần cha mẹ bèn sắm gánh trầu cau hằng ngày ra bán ở chợ Đông Quan gần đường xe lửa. Nhà ở đầu xóm, bên bờ sông La Thọ, cách cánh đồng lúa không xa. Ông cố tôi làm mấy sào ruộng, vài sào khoai sắn, thời gian còn lại ra ngồi câu bên chiếc cầu tre, kiếm con cá tràu, cá diếc về cải thiện bưa ăn. Bà cố tôi thì lặn lội ra cánh đồng, sau mùa gặt, xách theo chiếc giỏ tre, đi bắt những con cua nhỏ bằng hai đầu ngón tay về giã ra lấy nước nấu bữa canh cho đàn con ngày nắng nực hay kho mặn để dành cho bữa ăn ngày đông lạnh…
Đó là tôi tưởng tượng ra khi một lần lội quanh vườn nhà, thấy bên bụi tre một cái cối đá đã sứt một bên tai và bị những vết đạn từ thời chiến tranh nằm lẫn trong bùn đất. Tôi bưng cái cối đá ra giếng, múc nước rửa sạch. Người bác họ bên nội thấy vậy, nói: "Con biết cái cối ni của nhà mình đã trải qua mấy đời rồi không? Ít nhất cũng 5-6 đời rồi đó!". Nghĩa là hơn 150 năm đã trôi qua. Tôi quan sát kỹ chiếc cối. Nó chỉ cao độ 20cm, đường kính 30cm, bằng đá xanh nên rất nặng. Vài vết thủng do đạn bắn vẫn còn nguyên. Trong lòng cối đã bị sức nặng của chiếc chày mà tôi đoán chắc cũng bằng đá, đâm xoáy xuống thật sâu dưới cái đáy bằng phẳng cũ. Ông bác họ kể, nhiều đời qua, ông bà mình dùng cái cối nhỏ này để giã các thứ tiêu ớt, gia vị dùng trong bếp. Đến đời của bác, thì chứng kiến mấy bà giã cua bắt ngoài đồng làm chả hoặc lọc nước nấu canh…
Tôi xin cái cối đá ấy mang về nhà làm kỷ niệm và đặt trang trọng vào chiếc kệ mà chung quanh là sách vở của tôi. Mỗi lần nhìn vào cái cối đá, hoặc thỉnh thoảng lau chùi nó, là mỗi lần những ý nghĩ mới lại hiện lên. Cái cối ấy làm bằng tay, một sản phẩm thủ công thô ráp, tất nhiên đó là một độc bản quý giá của các tiền nhân. Là một vật dụng sinh hoạt trong nhà bếp, chắc hẳn là đã in dấu tay, thấm đẫm cả mồ hôi của những người phụ nữ của ngôi nhà cố tôi, nội tôi ở La Thọ. Người phụ nữ nào đó trong số họ ngày xưa, lúc giã gia vị, giã những con cua đồng mà không đăm đắm ánh mắt vào công việc mình làm, vào chiếc cối đá. Lúc ấy họ nghĩ gì? Chắc hẳn là nghĩ đến đàn con, gia đình và một bữa ăn nhà nghèo. Trên trán họ có chảy những dòng mồ hôi không, tay áo nâu của họ có quệt lên vầng trán nghèo và mái tóc quê mùa thường ít chải chuốt của đa số phụ nữ nông thôn không?
Mắt tôi bỗng thấy cay cay khi nghĩ đến những điều ấy. Rồi lại liên tưởng đến mối tình của ông nội tôi và bà nội. Anh thanh niên nông dân ở làng Thanh Quýt đất hẹp người đông, đã lặn lội lên thuê đất ở làng La Thọ trồng thuốc lá cách làng mình gần năm cây số. Lại gởi vài lon gạo, nhúm khoai lang khô cho chủ nhà (hay chủ đất) nhờ nấu dùm bữa cơm trưa. Cô con gái chủ nhà bán trầu cau ở chợ Đông Quan thỉnh thoảng lại mua dùm anh vài con cá cho thêm chất tanh bên cạnh rau mắm. Cô gái con chủ nhà có hôm còn mời anh một chén canh rau nấu với nước cua đồng. Vậy đó mà cô đã theo anh về làm dâu rồi sinh con đàn cháu đống, trong đó có tôi…
Thời gian không trôi qua lặng thinh như một thi sĩ đã viết. Màu thời gian thì vẫn xanh, vẫn tím như các nhà nghệ thuật hằng ngợi ca, hằng ví von. Nhưng có ai nói rằng trong dòng chảy của thời gian ấy lại vắng đi cái âm thanh ngày cũ. Tiếng chày đá va vào cối đá, tiếng thở dài của người phụ nữ, tiếng tỏ tình quê kệt của chàng trai với cô gái, rồi cả tiếng nói của sum vầy, chia biệt của hai bên thông sui gia qua những biến cố, hội ngộ? Đó là ta chưa nói tới những viên đạn của chiến tranh đã bắn nhầm chiếc cối đá ấy, khiến nó gãy một bên tai và lỗ chỗ vết đạn! Nếu tôi có một dụng cụ đo thời gian vượt qua nhiều lần tốc độ ánh sáng, tôi có thể thu lại những âm thanh đó không?
2. Mỗi ngày Tết Đoan Ngọ, tôi lại về làng để cúng Mùng 5 như từ xưa nay vẫn vậy. Tết giết sâu bọ, Tết cúng mẹ Âu Cơ, Tết cầu mùa màng tươi tốt và hướng về tổ tiên của người Việt… Có thể có những tên gọi khác nhau, nhưng ý nghĩa sâu xa thì vẫn vậy trong văn hóa Việt!
Và có những lần tôi đã đi chợ Tết Mùng 5 ở làng. Vẫn xôi chè, miếng mít chín, bông hoa dâng lên tiên tổ. Tôi dừng lại ở cổng chợ coi người ta mua bán lá Mùng 5. Người phụ nữ quê vùng cát Duy Xuyên dựng chiếc xe honda cũ kỹ ở cửa chợ rồi bưng xuống mấy bao lớn chứa đầy các loại lá khô. Chị nói, phải đi hái lá từ ngày này năm ngoái ở nhiều chỗ, có thứ phải ra tận Cù Lao Chàm mới có, gọi là lá Lao, có thứ hái trong vườn, trong làng vùng cát của chị. Rồi phơi phóng từng loại, vệ sinh và vô bao từng loại. Chỉ là lấy công làm lời. Một cô gái cũng chạy xe từ Hội An lên, chở theo một bao lớn bánh ú tro và soạn ra bán bên cạnh. Bánh ú tro thì tôi đã biết. Ngày xưa loại nếp phải được chọn lựa rất kỹ, ngâm bằng nước tro đốt ra từ cây của Cù Lao Chàm, nước là ở giếng cổ Bá Lễ danh tiếng. Rồi lá gói, dây cột. Cái gì cũng công phu và tỉ mẫn như đức tính của người Hội An… Cũng như món cao lầu, nguồn gốc bánh ú tro vẫn là cuộc tranh cãi không ngừng của các nhà nghiên cứu ẩm thực. Nhưng đó là câu chuyện khác...
Mẹ tôi ngày xưa đi chợ Mùng 5 mà không mua được mớ lá Mùng 5 hay vài chục bánh ú tro, thì kể như bà đứng ngồi không yên. Lá Mùng 5 nấu uống thay nước chè cả tháng sau đó. Lại ra ngõ bứt nắm lá tre, ra vườn bẻ ít lá chanh vào, nhổ thêm bụi sả ở góc vườn. Tất cả cho vào cái nồi lớn, nấu nước để tắm cho mấy đứa em nhỏ, đề phong rôm sảy! Lá Mùng 5 cũng dành nấu nước uống, thay chè cho cả nhà sau đó…
Thời gian trôi đi qua mỗi phận người cùng sức cần lao của họ. Họ là những phụ nữ vùng quê Duy Xuyên, Hội An, Sơn Chà, Thủy Tú... Những phẩm vật họ bày ra ở cổng chợ không thể có trong phút chốc. Đó là những ngày tháng không chỉ của riêng họ. Thời gian ấy tích góp từ những kinh nghiệm dân gian đời này qua đời khác. “Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người…”, nhạc sĩ quá cố, bạn tôi - Vũ Đức Sao Biển - cũng là dân vùng Đông Duy Xuyên đã viết như vậy! Chắc anh cũng có tuổi nhỏ không yên lành, một trải nghiệm trắc trở nào đó mới viết ra được cái bồng bềnh ấy?
Tôi bày ra mâm cúng Mùng 5 trên bàn Hội đồng trước gian thờ gia tiên và cúng vái như cha tôi, chú tôi từng cúng từ thuở tôi còn con nít. Tôi lại nhớ tới tiếng khấn vái của quý ông trước tiên tổ, vẫn là mong sự bình an cho đại gia đình, cầu mưa thuận gió hòa mà cư dân nông nghiệp muôn đời vẫn mong đợi…
Không mong đợi sao được khi tôi nhớ lại nạn dịch “Lệ khí” diễn ra khắp Đà Nẵng, Quảng Nam thời Tự Đức, khiến chết chóc và đói kém xảy ra khắp nơi, dân các làng phải quyên góp lập kho lương. Chiếc bia công đức còn lại duy nhất giữa sân chùa làng Thanh Quýt vẫn còn đó. Ngôi chùa bị bom đạn cày phẳng, nhưng cái bia kia vẫn nguyên vẹn, như một lời nhắc nhớ! Trong tài liệu Hán Nôm ở làng Mân Thái, vẫn còn đó tờ khai của Tri Phủ Điện Bàn Tôn Thất Trĩ ngày 19-4-1850: Dân các hạng bị chết vì dịch năm ấy của toàn huyện Diên Phước lên đến 542 người!
Ngày xưa loại nếp làm bánh ú tro phải được chọn lựa rất kỹ, ngâm bằng nước tro đốt ra từ cây của Cù Lao Chàm, nước là ở giếng cổ Bá Lễ danh tiếng. Rồi lá gói, dây cột. Cái gì cũng công phu và tỉ mẫn như đức tính của người Hội An… Ảnh: T.Đ.T |
Trong lễ cúng Mùng 5 Đoan Ngọ năm nay, chú em tôi tự động bê cái nồi đốt trầm từ trên bàn thờ chính xuống, những thỏi trầm nghi ngút khói tỏa ra. Trong làn khói ấy, cha tôi thường nói lúc sinh thời, là ông bà đang hiện diện cùng với cháu con…
Nhưng điều này thì tôi chưa kể cùng các cháu. Cái nồi đốt trầm ấy, tuy chỉ bằng bàn tay, làm bằng đất sét nung, đã có từ thời ông tằng tôi, tức đã 200 năm. Trên cái nền nhà cũ của ông cố tôi bị chiến tranh san bằng, ngôi nhà cháy rụi. Bỗng một hôm chú em họ nhặt được một vật gì bằng bàn tay, mà chú cứ đinh ninh là bằng đồng, mang ra đưa tôi. Tôi cọ rửa và phát hiện hai chữ nho khắc một bên hông: “Đồ cúng”. Và tôi đặt trên bàn thờ chính của nhà thờ mới từ 15 năm nay. Mỗi dịp cúng bái, chúng tôi không quên đốt lên đó ít thỏi trầm như một khấn nguyện và nhắc nhớ đến tổ tiên…
Chiếc lư đốt trầm bằng đất nung ấy đã có tuổi cả 2 thế kỷ, cũng là vật thờ làm bằng tay của cụ tổ nào đó của nhà tôi. Nét chữ nho “Đồ cúng” đó là của ai viết thì cũng là độc bản quý giá, không lặp lại. Ẩn chứa trong tất cả, đó vẫn là dấu tay, là tâm hồn, là lòng thành kính của mỗi thế hệ đối với người sinh ra mình. Dòng chảy văn hóa thờ cúng tổ tiên nhờ đó mà vững bền!
Ông bà chúng ta có nói điều gì không? Tôi nghĩ những âm thanh của thời gian sẽ tự nó vang lên trong lồng ngực của mỗi chúng ta, mỗi khi đối diện với các di sản, dù là nhỏ nhất! Đó là tiếng của thời gian vậy!
Chiếc lư đốt trầm bằng đất nung ấy đã có tuổi cả 2 thế kỷ, cũng là vật thờ làm bằng tay của cụ tổ nào đó của nhà tôi. Nét chữ nho “Đồ cúng” đó là của ai viết thì cũng là độc bản quý giá, không lặp lại. Ẩn chứa trong tất cả, đó vẫn là dấu tay, là tâm hồn, là lòng thành kính của mỗi thế hệ đối với người sinh ra mình. Dòng chảy văn hóa thờ cúng tổ tiên nhờ đó mà vững bền! |
Ký sự TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG