Xã hội
Tìm hướng đi cho học sinh không thi đỗ vào lớp 10 công lập
Năm nay, huyện Hòa Vang có hơn 750 học sinh không thi đỗ vào trường công lập trong kỳ thi tuyển lớp 10. Nhiều xã trên địa bàn tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề cho phụ huynh, học sinh với mong muốn tìm được hướng đi phù hợp, hiệu quả.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 trao tặng học bổng cho các em học sinh xã Hòa Bắc đang tham gia học nghề tại trường. Ảnh: H.L |
Tại buổi gặp mặt, đối thoại phụ huynh và học sinh không thi đỗ vào lớp 10 công lập tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) diễn ra cuối tháng 6, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, yêu cầu lãnh đạo địa phương tích cực phối hợp phụ huynh và các trường nghề như Trường Trung cấp Ý Việt, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5, Trường Cao đẳng FPT, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên khu vực 3… nhằm tìm kiếm giải pháp, hỗ trợ học sinh đến trường. Theo ông Hùng, việc phụ huynh tiếp tục định hướng, tạo điều kiện cho con em được theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề vừa là trách nhiệm với gia đình, vừa là trách nhiệm với quê hương, góp phần xây dựng lứa thanh niên ưu tú, sẵn sàng cống hiến, phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.
Sau khi được tư vấn, N.V.T, học sinh không thi đỗ vào lớp 10 của Trường THCS Nguyễn Tri Phương, cho biết nguyện vọng của em là được vào học tại Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 vì “gần nhà, sau này ra trường dễ tìm công việc phù hợp”. Được biết, năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Tri Phương chỉ có 18/47 học sinh thi đỗ vào trường THPT, tỷ lệ 38,30%. Ông Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận kết quả thi vào lớp 10 của học trò không như mong đợi và không đạt được mục tiêu đề ra của nhà trường.
Theo ông Vũ, gần 1/3 học sinh nhà trường là người đồng bào dân tộc Cơ tu với chất lượng đầu vào thấp và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 3. Do đó, dù cố gắng triển khai nhiều mô hình như “20 phút cùng con mỗi tối”, “Ngày cuối tuần về với gia đình học sinh”, nhưng nhiều em vẫn không theo kịp kiến thức trong sách giáo khoa. Để hỗ trợ học sinh không thi đỗ, nhà trường phối hợp Huyện ủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường nghề tổ chức gặp mặt, đối thoại, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh để tìm giải pháp giáo dục phù hợp nhất. Dịp này, từ nguồn kinh phí hỗ trợ, ông Tô Văn Hùng trao 50 triệu đồng cho UBND xã Hòa Bắc sử dụng vào mục đích hỗ trợ, giúp học sinh nghèo, khó khăn có thêm điều kiện đến trường.
Mới đây, sau buổi đối thoại diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Hòa Ninh), đã có 6 em học sinh không thi đỗ vào lớp 10 công lập chọn theo học Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5; 17 em học Trường Trung cấp Ý Việt (cơ sở Hòa Liên); 6 em học Trường THPT Khai Trí và Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2, 3 và 1 em học Trường Cao đẳng Nghề Trường Hải (tỉnh Quảng Nam)... Ông Lê Văn Học, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Ninh, mong muốn gia đình sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho các em trong chặng đường sắp tới.
“Tổ chức hoạt động đối thoại cũng là dịp để bậc làm cha, làm mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của việc học và không vì lý do không thi đỗ vào lớp 10 trường công lập mà để con nghỉ học giữa chừng. Hiện nay, hầu hết các trường nghề trên địa bàn thành phố đều triển khai chính sách hỗ trợ học tập, kết nối doanh nghiệp tạo việc làm sau khi ra trường nên các em hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp hoàn cảnh và điều kiện kinh tế. Thời gian đến, UBND xã tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các em suốt quá trình học tập”, ông Học nhấn mạnh.
Để hỗ trợ học sinh đến trường, ông Tô Văn Hùng cho biết, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện giúp các trường nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức hoạt động tuyển sinh. Nhất là khi cơ sở vật chất, con người ở cơ sở 2 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3 chỉ bảo đảm thu nhận khoảng 180 học sinh lớp 10, do đó không thể đáp ứng nhu cầu học tập của học trò các xã khu vực phía tây bắc như Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Bắc. Được biết, hiện Đà Nẵng có 60 cơ sở dạy nghề hệ cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục thường xuyên với quy mô 75.000 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên hằng năm, các trường chỉ tuyển khoảng 40.000 người học. Trước thực tế này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các trường, cũng như tham mưu xây dựng chương trình đào tạo phù hợp để tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho học sinh.
Có thể nói, các hoạt động hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp cho học sinh không thi đỗ vào lớp 10 công lập tại Hòa Vang đã giúp các em có thêm lựa chọn phù hợp năng lực, hoàn cảnh gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện trong những năm đến.
HUỲNH LÊ