Xã hội
Bão số 5 sẽ không ảnh hưởng đến ven biển Việt Nam, cần chủ động ứng phó gió mùa đông bắc gây mưa lớn, gió giật mạnh
ĐNO - Sáng sớm nay (1-10), bão Krathon đã di chuyển vào khu vực phía đông bắc của vùng biển Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong năm 2024. Bộ phận của không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam dự kiến sẽ ảnh hướng đến một số nơi ở Quảng Bình từ chiều tối và đêm nay.
Bản đồ dự báo quỹ đạo bão số 5 vào sáng 1-10-2024 (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia). |
Lúc 4 giờ ngày 1-10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc, 119,8 độ kinh đông, trên khu vực phía đông bắc của vùng biển Bắc Biển Đông với sức gió mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 và đang di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 5km/giờ.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, qua dự báo hiện tại, bão số 5 không có khả năng ảnh hưởng đến vùng ven biển và đất liền nước ta.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông bắc vùng biển Bắc Biển Đông, cụ thể là tại khu vực ở phía bắc vĩ tuyến 18 (độ vĩ bắc) và phía đông kinh tuyến 116,5 (độ kinh đông) có gió mạnh cấp 10-13, vùng gần tâm bão cấp 14-16, giật trên cấp 17, sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trong khi đó, bộ phận không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía nam. Ngày hôm nay (1-10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Tây Bắc Bộ. Từ chiều tối và đêm 1-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở phía bắc của khu vực Trung Trung Bộ; gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị phổ biến 21- 23oC, vùng núi có nơi 19-21oC.
Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-3m; vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 1,5-3m; vùng biển Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6 (từ trưa, chiều 2-10), biển động nhẹ, độ cao sóng 1,5-2,5m.
Từ chiều tối 1-10 đến ngày 3-10, khu vực Trung Trung Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi, cục bộ có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 40-100mm, có nơi trên 150mm; các tỉnh, thành phố từ Đà NẵngQuảng Ngãi có lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
* Trong đêm 30-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng tiếp tục ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với gió mùa đông bắc và mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét và gió giật mạnh trên địa bàn thành phố.
Theo đó, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên từ chiều tối 1-10 đến ngày 3-10, tại thành phố Đà Nẵng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Trong mưa dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Khu vực cục bộ có mưa to đề phòng khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng thấp trũng và các khu đô thị, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, UBND các quận ven biển, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng và các đơn vị liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin gió mùa đông bắc để chủ động phòng tránh.
Các sở, ban, ngành, quận, huyện và đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và theo dõi lượng mưa; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; thông báo tình hình thiên tai để nhân dân chủ động ứng phó.
Cùng với đó, chỉ đạo các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công sẵn sàng triển khai phương án phòng chống mưa lớn cho các công trình; triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng và các địa phương, đơn vị quản lý các hồ chứa nước thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình...
HOÀNG HIỆP