.

Xã hội

Đào tạo nghề miễn phí, bổ sung thị trường lao động

14:16, 10/03/2025 (GMT+7)

Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân có việc làm, bổ sung nguồn nhân lực cho thị trường lao động, các đơn vị, địa phương phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy nghề miễn phí cho người dân trong độ tuổi lao động.

Đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn trao chứng chỉ hoàn thành đào tạo nghề cho người dân. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn trao chứng chỉ hoàn thành đào tạo nghề cho người dân. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Học nghề để khởi nghiệp

Giữa tháng 2-2025, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng phối hợp UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức bế giảng và phát chứng chỉ đào tạo nghề miễn phí cho lực lượng lao động trên địa bàn quận. Sau khi tốt nghiệp khóa học nghề kỹ thuật chế biến món ăn, chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (SN 1993, phường Hòa Hải) mạnh dạn mở quán kinh doanh ăn uống. Nhờ tham gia lớp học nghề miễn phí, chị Nguyên được trang bị nhiều kiến thức bổ ích về ngành đồ ăn, thức uống; nắm vững những kỹ năng cơ bản trong chế biến, trình bày món ăn để phục vụ kinh doanh.

Tương tự, chị Huỳnh Thị Hồng (SN 1996, phường Hòa Hải) cũng học nghề kỹ thuật chế biến món ăn nhằm trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để mở quán bán đồ ăn. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1996, phường Hòa Quý) chọn học nghề kỹ thuật pha chế với ý định sau khi tốt nghiệp sẽ mở quán cà phê.

Đại diện UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, thực hiện chương trình “Có việc làm” gắn với công tác an sinh xã hội, UBND quận khảo sát nhu cầu người lao động, lập danh sách đối tượng có nhu cầu học nghề, phối hợp Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng tổ chức các lớp đào tạo nghề miễn phí. Có 25 học viên là hộ nghèo, người khuyết tật, lao động nữ tham gia học các nghề: kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế, nghiệp vụ buồng phòng. Sau 3 tháng đào tạo, 100% học viên hoàn thành khóa học, được trường cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện để người lao động tìm kiếm việc làm, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững

Để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ độ tuổi trung niên nâng cao thu nhập, cuối tháng 2-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Quý phối hợp Công ty Lộc Phát tổ chức lớp giới thiệu đào tạo nghề miễn phí cho 110 hội viên phụ nữ. Tại chương trình, đại diện công ty giới thiệu về nghề đan lát mây tre, các kỹ thuật cơ bản trong đan lát; đồng thời chia sẻ về chế độ, chính sách, phúc lợi mà người lao động được hưởng khi làm việc tại công ty; giúp người lao động có thêm lựa chọn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, UBND quận Thanh Khê vừa triển khai kế hoạch tổ chức đối thoại, tư vấn học nghề, vay vốn cho người lao động trên địa bàn quận. Tại các buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo UBND quận và các phường tư vấn cho người lao động về các lớp học nghề miễn phí để chuyển đổi ngành nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Thực hiện chính sách dạy nghề miễn phí cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố, trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tư vấn, dạy nghề cho 957 người lao động. Cụ thể, mở 18 lớp nghề kỹ thuật pha chế thức uống cho 428 người; 13 lớp nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho 332 người; 10 lớp nghề trang điểm thẩm mỹ cho 197 người. Từ đó, đưa người lao động trở lại thị trường lao động, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “Có việc làm” trên địa bàn thành phố.

Để tiếp tục hỗ trợ học nghề cho người lao động thuộc diện chính sách, xã hội, ngày 12-2-2025, UBND thành phố ban hành Quyết định số 03/2025/QĐ-UBND bổ sung danh mục nghề kèm theo Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố.

Ngoài 41 nghề được hỗ trợ học phí trước đó, UBND thành phố bổ sung 3 nghề gồm: kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây lâm nghiệp (hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người/khóa); kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây nông nghiệp (hỗ trợ 2,3 triệu đồng/người/khóa); tiếng Hàn Quốc (hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khóa).

Đối tượng được hưởng gồm các nhóm: người khuyết tật; người dân tộc thiểu số nghèo; người dân tộc thiểu số, người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất, thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; lao động thuộc hộ cận nghèo; lao động nông thôn, người đã cai nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm hoàn lương, lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật... Qua đó giúp người lao động thuộc diện chính sách, xã hội có cơ hội học nghề để tìm kiếm việc làm, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, nâng cao nhu nhập, ổn định cuộc sống.

LAM PHƯƠNG

.