Y tế - Sức khỏe

Phương hay Thuốc quý

Rau răm ở lại…

07:34, 27/08/2017 (GMT+7)

“Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Đọc đâu đó, thấy người ta dựng lên cả một truyền thuyết để giải thích ý nghĩa câu ca này, nhưng ngẫm kỹ tôi thấy không thuyết phục. Tuy nhiên, dưới góc độ y dược, tôi lại thấy câu ca thật ứng nghiệm đối với Rau răm ở vài phương diện bị đàm tiếu “chịu lời đắng cay”.

Rau răm - Polygonum odoratum. (Ảnh Internet)
Rau răm - Polygonum odoratum. (Ảnh Internet)

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Rau răm có tên khoa học Polygonum odoratum Lour, thuộc họ Rau răm Polygonaceae. Là cây thảo mọc hằng năm, có tuyến nhiều hay ít. Thân mọc trườn ở gốc và đâm rễ ở các mấu, rồi đứng lên cao 30-35cm. Lá mọc so le, hình bầu dục ngọn giáo, nhọn hay to ở chóp, cuống rất ngắn, mép lá và gân chính phủ đầy những lông nhọn khá dài; bẹ chìa ngắn ôm lấy thân, có nhiều gân song song mà phần lớn kéo dài ra thành những sợi dài. Hoa họp thành bông dài, hẹp, mảnh, đơn độc hay xếp từng đôi hoặc thành chùm ít phân nhánh. Quả nhỏ, có 3 cạnh, nhọn hai đầu, nhẵn và bóng.

Rau răm là loài đặc hữu của Ðông Dương, mọc hoang hoặc được trồng nhiều làm rau gia vị, được sử dụng trong chế biến nhiều món ăn như cháo lươn, gà xé, canh cá diếc rau răm… Đặc biệt ăn trứng vịt lộn, một thức ăn bổ dưỡng nhưng tính mát nên cần ăn kèm rau răm, gừng và muối tiêu làm cho thức ăn ấm lại, chống được hậu quả lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa.

Theo Đông y, Rau răm có vị cay nồng mùi thơm, tính ấm; có tác dụng tán hàn, tiêu thực, sát trùng.  Thường dùng ăn để kích thích tiêu hóa, chữa dạ dày lạnh, đầy hơi đau bụng, kém ăn, co gân (chuột rút), ỉa chảy. Còn dùng chữa sốt, làm thuốc lợi tiểu và chống nôn. Dùng ngoài để chữa bệnh ngoài da (hắc lào, sâu quảng) rắn cắn và chó dữ cắn. Ngày dùng 20-30g giã tươi lấy nước uống hay sắc uống.
Ðơn thuốc:

1. Chữa bỗng dưng đau tim không chịu nổi: Dùng rễ rau răm 50g sắc rồi chế thêm một chén rượu vào uống, mỗi lần 1 chén.

2. Chữa mùa hè say nắng, chết khát: Giã rau răm tươi, vắt cốt đun sôi uống.

3. Chữa kém ăn: Rau răm ăn theo gia vị hoặc dùng cả cây 10-20g sắc uống sau bữa ăn.

4. Chữa ghẻ lở, chốc, sâu quảng: Rau răm toàn cây ngâm rượu. Lấy rượu đó bôi, hoặc giã nát xát hoặc đắp rồi băng lại.

5. Chữa tê bại, vết thương bầm tím sưng đau: Rau răm tươi giã nát trộn với long não hoặc dầu Long não hay cồn Long não, xoa hoặc băng vào các nơi tê đau.

6. Chữa rắn cắn: Rau răm dùng tươi cả cây nhai nuốt (hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống) còn lá đắp vào vết thương. Hoặc lấy 20 ngọn rau răm tươi đắp vắt nước uống, bã đắp.

Đáng lưu ý có tài liệu nói rằng “Rau răm tuy không độc, nhưng dùng nhiều có hại về mặt sinh lý, làm giảm tình dục, kém cường dương tráng khí; do đó các vị tu hành thường dùng rau răm. Dùng nhiều rau răm, chân huyết sẽ khô đi, hay phá huyết. Khi có thai không nên ăn nhiều rau răm. Những người gầy yếu, máu nóng, không được dùng rau răm”.

Thực tế, đã có một số nghiên cứu dược lý trên thỏ và chuột cống trắng cho thấy,  Rau răm làm sảy thai, tiêu thai. Một thử nghiệm lâm sàng dùng rau răm tươi, loại thân đỏ hơi ngả tím (loại thân xanh trắng không có tác dụng) 500g, bỏ rễ, lá già, rửa sạch, vẩy hết nước, giã nát, ép lấy nước được khoảng 250 ml; uống làm một lần vào buổi tối trước khi ngủ. Nếu có kết quả thì ngay tối hôm đó hoặc sang hôm sau, phôi thai sẽ ra, đạt tỷ lệ 60 - 80% ở những người chậm kinh trên dưới 5 ngày.

Tuy nhiên, một nghiên cứu thú vị công bố trên tạp chí Nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam số 20 tháng 12-2007 về ảnh hưởng của rau răm trứng vịt lộn với hoạt động tình dục của nam giới được thực hiện trên 764 người, chia làm 2 nhóm: Nhóm không ăn có 441 người, đối chiếu với nhóm có ăn 323 người. Kết quả cho thấy tỷ lệ người có sức khỏe tình dục được cải thiện ở nhóm có ăn tăng 20,54% so với nhóm không ăn.

Mới hay, “Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” về việc “dùng nhiều có hại về mặt sinh lý, làm giảm tình dục, kém cường dương tráng khí” có thể là ngoa truyền, chưa có cơ sở tin được.

PHAN CÔNG TUẤN

.