Mất mạng vì chủ quan với bệnh uốn ván

.

Tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị, thậm chí tử vong do bệnh uốn ván, có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Điều đáng nói, nguyên nhân xuất phát từ sự lơ là, chủ quan của người bệnh khi không chủ động tiêm phòng vắc-xin uốn ván đầy đủ nên chỉ một vết thương dù rất nhẹ, nguy cơ nhiễm trùng cũng rất dễ xảy ra.

Gần 30 bệnh nhân nhập viện vì uốn ván trong thời gian qua, 30% trong số đó tử vong vì chủ quan không tiêm phòng vắc-xin uốn ván.
Gần 30 bệnh nhân nhập viện vì uốn ván trong thời gian qua, 30% trong số đó tử vong vì chủ quan không tiêm phòng vắc-xin uốn ván.

Sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe của bệnh nhân P.T. (55 tuổi, quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trước đó, ông T. nhập viện trong tình trạng không nói được, cứng hàm, chân tay co rút lại. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm trùng uốn ván. Người nhà kể lại, sau bữa cơm trưa cách đây không lâu, ông T. bị chảy máu chân răng trong lúc xỉa răng! Đây là nguyên nhân khiến ông bị mắc bệnh uốn ván. Hiện ông T. viêm phổi bội nhiễm nên các bác sĩ phải mở khí quản và cho thở bằng máy, tiên lượng rất xấu.

Trước đó không lâu, sau 38 ngày điều trị không thành công, bệnh nhân P.T.P. (40 tuổi, trú quận Liên Chiểu) đã được người nhà đưa về lo hậu sự. Trong quá trình làm thợ nề, ông P. giẫm phải một chiếc đinh ở bàn chân. Do chủ quan nên ông chỉ sơ cứu tạm và tiếp tục làm việc. 5 ngày sau ông P. đột ngột bị cứng hàm, không nói được nên người nhà hốt hoảng đưa xuống Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Ông liên tục bị co giật, rơi vào hôn mê sâu và phải thở bằng máy từ đó.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị gần 30 bệnh nhân mắc bệnh uốn ván. Triệu chứng khởi phát của bệnh uốn ván rất dễ nhầm lẫn với tai biến như cứng hàm, không ăn, không nói được. Trong khi đó, hiệu quả điều trị bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời gian ủ bệnh, tuổi tác, sức đề kháng của bệnh nhân và vị trí tác nhân ban đầu gây bệnh. Chính vì thế, nếu không được chẩn đoán và khống chế kịp thời, vi trùng uốn ván sẽ khiến bệnh nhân có những cơn gồng giật, khó thở, diễn tiến nặng là ngưng thở, ngưng tim.

Theo thống kê của Bệnh viện Đà Nẵng, hơn 30% số bệnh nhân nhập viện xác định do uốn ván tại đây đều tử vong do bệnh trở quá nặng. “Điều đáng chú ý, lý do vào viện đều xuất phát từ những vết thương tưởng chừng vô hại như xỉa răng bằng tăm gây chảy máu, cá chích, gà cào gây trầy xước, giẫm phải gai, đinh... Điều này tạo ra tâm lý chủ quan cho người bệnh và đặc biệt nếu bệnh nhân trước đó không tiêm phòng vắc-xin uốn ván thì nguy cơ khởi phát bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong là điều rất dễ xảy ra”, bác sĩ Hàm cho biết. Ngoài việc nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị cho bệnh nhân bị uốn ván cũng kéo dài, có khi đến 2 tháng với chi phí từ 100-200 triệu đồng.

Trước tình hình bệnh nhân mắc bệnh uốn ván có dấu hiệu gia tăng so với trước, Sở Y tế thành phố vừa có công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng ngừa bệnh uốn ván.

Theo bác sĩ Đặng Quang Ánh, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong chương trình tiêm chủng quốc gia, vắc-xin uốn ván được tiêm cho 2 đối tượng là trẻ em và phụ nữ mang thai, tại các cơ sở y tế. Thực tế hiện nay, nhiều người dân không chủ động đến cơ sở y tế chích ngừa khi bị thương hay có vết thương hở, mà tự xử lý vết thương qua loa tại nhà hoặc sử dụng các phương pháp dân gian. “Việc xử lý vết thương qua loa hoặc sai cách sẽ khiến cho vết thương càng lở loét và vi trùng uốn ván có cơ hội xâm nhập. Chính vì thế, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh uốn ván là thay đổi thói quen và chủ động tiêm vắc-xin ngừa uốn ván một cách đầy đủ, kịp thời, bởi chi phí tiêm vắc-xin uốn ván dịch vụ hiện cũng rất thấp, chỉ khoảng 100.000 đồng mỗi liều”, bác sĩ Ánh cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.