Ngày 23-7, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đẩy mạnh, triển khai bệnh án điện tử với sự tham gia của đại diện ngành y tế 63 tỉnh, thành, hàng trăm cơ sở y tế khám, chữa bệnh (KCB) trên cả nước. Đây là hoạt động nhằm hiện thực hóa Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy lợi ích đã thấy rõ, nhưng theo ý kiến của nhiều đơn vị, địa phương, việc triển khai Bệnh án điện tử không dễ dàng và cần có thời gian, lộ trình cụ thể.
Việc triển khai bệnh án điện tử còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. TRONG ẢNH: Người dân đăng ký thủ tục khám, chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, bệnh án điện tử mang lại lợi ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Các cơ sở KCB sẽ cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.
“Đặc biệt, thông tin khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) dễ dàng hơn. Người dân sẽ chủ động hơn trong phòng, chữa bệnh khi thông tin sức khỏe bản thân được quản lý liên tục, suốt đời; đồng thời, trong quá trình chăm sóc sức khỏe, những thủ tục rườm rà tại các cơ sở y tế cũng sẽ được giảm thiểu, bớt thời gian chờ đợi cho người bệnh”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để thực hiện bệnh án điện tử trên toàn quốc, thời gian qua, Bộ Y tế đã giao Cục Công nghệ thông tin (CNTT) triển khai nhiều hoạt động tập huấn, triển khai các ứng dụng như: chữ ký điện tử, thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt, bảo mật thông tin, nâng cấp đường truyền… Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, Thông tư 46 của Bộ Y tế quy định bắt đầu từ tháng 3-2019, bệnh án điện tử được triển khai tại các cơ sở y tế.
Đến nay, có một số địa phương đã và đang triển khai bệnh án điện tử như: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ… “Mặc dù ứng dụng CNTT tại các địa phương có sự chuyển biến mạnh mẽ với tỷ lệ bao phủ hiện nay là 100%; tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì mức độ ứng dụng CNTT còn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các bệnh viện, địa phương. Điều này khiến việc kết nối liên thông dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn”, ông Tường cho biết.
Cùng quan điểm khi đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, bác sĩ Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng - một trong những đơn vị đầu tiên triển khai bệnh án điện tử, chia sẻ, còn nhiều quy trình chưa hoàn chỉnh, đơn cử như nhiều biểu mẫu vẫn cần chữ ký tươi, thay vì chữ ký điện tử. Ứng dụng nhận dạng giọng nói chưa thực tế do tính chất vùng miền; hệ thống định danh bệnh nhân chưa hoàn chỉnh; tính bảo mật chữ ký số còn thấp. Ngoài ra, thói quen của bệnh nhân trong thanh toán tiền mặt, sử dụng đơn thuốc, hồ sơ bệnh án bằng giấy là những khó khăn trong quá trình thực hiện bệnh án điện tử.
Tại Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng là một trong những đơn vị tiên phong triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, theo ông Phan Bảo Sơn, Phó phòng CNTT, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, việc triển khai vẫn “chưa đâu vào đâu” mà thách thức đầu tiên chính là hạ tầng CNTT của cơ sở. Các phần mềm hiện nay chưa có nền tảng thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ nên việc liên thông kết quả, thông tin bệnh án điện tử giữa các cơ sở y tế không thể thực hiện được.
Triển khai bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cơ sở y tế. Trong ảnh: Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng lắp đặt thiết bị hướng dẫn người bệnh đến khám, điều trị. Ảnh: P.CHUNG |
Bên cạnh đó, hạ tầng CNTT của các bệnh viện hiện nay nhìn chung còn thiếu và yếu cần phải cải tạo hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu nhưng trên thực tế kinh phí và hành lang pháp lý mua sắm trang thiết bị trong lĩnh vực CNTT lại rất phức tạp.
Theo một lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, nếu chiếu theo bộ tiêu chí bệnh viện thông minh tại Việt Nam của Cục CNTT, các cơ sở y tế tại Đà Nẵng sẽ rất khó để đáp ứng và triển khai được bệnh án điện tử.
“Nếu muốn, chắc chắn phải có lộ trình, thời gian và đầu tư nâng cấp chứ không thể triển khai trong một sớm một chiều. Hạ tầng, phần mềm quản lý điều hành, công tác bảo mật… đều phải được đầu tư đồng bộ thì mới có tính hiệu quả”, lãnh đạo này chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thừa nhận, bệnh án điện tử là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có cơ chế tài chính rõ ràng cho ứng dụng CNTT trong bệnh viện nói chung và bệnh án điện tử nói riêng nên kinh phí bổ sung còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu.
“Bộ Y tế khuyến khích các đơn vị, địa phương đề xuất, tìm kiếm và xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử, từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của phần mềm, giải pháp ứng dụng chữ ký điện tử, bảo đảm đúng lộ trình. Bên cạnh đó, đề nghị Cục CNTT tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia trong việc tìm kiếm các giải pháp để bệnh án điện tử được thực hiện, mang lại hiệu quả cho người bệnh, ngành y tế”, ông Sơn cho biết.
PHAN CHUNG