Chủ động phòng, chống bệnh viêm phổi do virus Corona mới

.

Sau hơn 2 tuần kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên bị sốt khi nhập cảnh vào Đà Nẵng, toàn thành phố đã ghi nhận 52 trường hợp nghi ngờ được theo dõi tại các bệnh viện. Hiện có 24 trường hợp trong số đó đã xuất viện, 15/15 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus Corona mới (nCov). Công tác phòng, chống dịch bệnh được đẩy lên một mức cao, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương cùng người dân tham gia.

Kiểm tra thân nhiệt du khách khi nhập cảnh vào Đà Nẵng. 		                   Ảnh: PHAN CHUNG
Kiểm tra thân nhiệt du khách khi nhập cảnh vào Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Giám sát chặt chẽ

Theo thông tin từ Sở Y tế, tính đến ngày 29-1, thành phố đang theo dõi 28 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov, gồm 12 người nước ngoài (Trung Quốc, Malaysia) và 16 người Việt Nam. Hiện sức khỏe của nhiều bệnh nhân đã ổn định, không sốt, không ho, một vài trường hợp sốt nhẹ. Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 52 trường hợp nghi ngờ đã có 24 trường hợp xuất viện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy mẫu 35 trường hợp để làm xét nghiệm, hiện 15 mẫu đã có kết quả và đều âm tính với nCov. Ngoài ra, ngành y tế cũng giám sát hằng ngày 21 trường hợp tại cộng đồng (các trường hợp đi từ nước ngoài về nhưng không phải từ các vùng đang có  dịch, khi qua cửa khẩu phát hiện có sốt nhẹ).

Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, ngay khi nhận được thông tin cảnh báo, hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đầu tháng 1-2020, ngành y tế thành phố đã triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCov. “Chúng tôi thiết lập quy trình phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm A tại sân bay, cảng biển với đội ngũ kiểm dịch viên làm việc 24/24 giờ. Hệ thống máy đo thân nhiệt sẽ kiểm tra thân nhiệt du khách khi nhập cảnh, nếu phát hiện bất thường, chúng tôi kích hoạt chương trình tiếp nhận, cách ly, điều trị theo tiêu chuẩn của WHO về phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm A”, bác sĩ Kim Yến cho biết.

Là một trong những đơn vị tiếp nhận, theo dõi và điều trị bệnh nhân, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là một quy trình hết sức chặt chẽ và an toàn. “Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm, chúng tôi bố trí một đường riêng để xe chở bệnh nhân đi thẳng vào Khoa Y học nhiệt đới, không qua Khoa Cấp cứu. Xe chở bệnh nhân đều được vệ sinh, sát trùng 2 lần trước và sau khi chở.

Tại Khoa Y học nhiệt đới, chúng tôi bố trí tầng 4 hoàn toàn tách biệt để theo dõi, điều trị bệnh nhân, khu vực này có hệ thống lối đi theo hướng 1 chiều, đúng với tiêu chuẩn của WHO về phòng, chống bệnh truyền nhiễm”, bác sĩ Nhân thông tin thêm. Vừa qua, ngành y tế thành phố cũng đã thống nhất chọn phương án đưa những bệnh nhân bị sốt do nghi nhiễm nCov lên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để theo dõi, cách ly. Phương án này nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, hạn chế việc lây nhiễm, bởi Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được tổ chức Chống Lao quốc tế hỗ trợ thiết kế, đầu tư theo những tiêu chuẩn thông khí cơ học, có hệ thống thông gió, vùng đệm để kiểm soát những bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh nhân nghi nhiễm bệnh về hô hấp được cách ly an toàn để theo dõi.

Theo bà Yến, bệnh viêm phổi do nCov là bệnh truyền nhiễm nhóm A rất nguy hiểm. Việc phòng, chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Lãnh đạo ngành y tế khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc gần với những người có dấu hiệu cúm, nếu tiếp xúc thì phải mang khẩu trang; thường xuyên vệ sinh cơ thể, rửa tay; thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, tăng sức đề kháng; khi có dấu hiệu sốt thì đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, chỉ định điều trị.

Tạm dừng đón khách từ các vùng dịch đến Đà Nẵng và chiều ngược lại

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, UBND thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn các giải pháp. Tại cuộc họp diễn ra này 24-1, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các đơn vị, ngành liên quan cần chuẩn bị kỹ lưỡng, không chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt là các đơn vị như y tế, biên phòng, sân bay, du lịch cần có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả.

Đà Nẵng là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước, nên lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Du lịch làm việc với các cơ sở lưu trú, hoạt động kinh doanh vận tải, lữ hành, yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Chúng tôi đã có công văn khẩn gửi các công ty lữ hành tạm dừng đón khách từ các vùng dịch đến Đà Nẵng và chiều ngược lại”.

Hiện nay, có nhiều thông tin thất thiệt về dịch bệnh được lan truyền gây tâm lý bất an, hoang mang cho người dân và dư luận. Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Trần Đình Liên, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết: “Những hành vi đó là vi phạm quy định pháp luật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Để thực hiện đúng thông tin về tình hình dịch bệnh, Công an thành phố khuyến cáo người dân nên tiếp cận và chia sẻ những thông tin chính thống từ cơ quan truyền thông; các sở, ngành; đồng thời hợp tác với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về những trường hợp đưa tin sai sự thật để lực lượng chức năng xử lý theo quy định pháp luật”.

Mới đây, để phòng ngừa và chủ động trong công tác chữa trị trong trường hợp có xảy ra dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi sát sao, đánh giá tình hình, bảo đảm phương tiện, trang thiết bị để phát hiện dịch bệnh và phòng ngừa từ xa. “Trong trường hợp cần thiết, có thể tạm thời đóng cửa các đường bay, tuyến đường biển, đường bộ đến và đi từ các vùng có dịch”, công văn của UBND thành phố nêu rõ.

Ngoài ra, UBND thành phố đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cần chủ động, liên tục cung cấp thông tin cho các địa phương về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo về chuyên môn trong công tác phòng ngừa, khám, chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí có biện pháp tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ và phù hợp về tình hình dịch bệnh; bảo đảm cho người dân, du khách nắm được các thông tin cần thiết về phòng, chống dịch nhưng không để xảy ra các trường hợp lợi dụng, gây mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Thiết lập đường dây nóng phòng chống dịch

UBND thành phố đã thống nhất phân công đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCov, gồm ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND thành phố, số điện thoại: 0914005079 và ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, số điện thoại: 0905141567. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng công bố đường dây nóng, gồm: bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, điện thoại: 0905141567; bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số điện thoại: 0905672468; bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, số điện thoại: 0903583881 và bác  sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, số điện thoại: 0903543115.

Gần 20 tỷ đồng mua thiết bị phòng chống virus nCov

Ngày 29-1, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có ý kiến thống nhất chủ trương mua sắm cấp thiết bổ sung trang thiết bị phòng, chống dịch gồm 1 hệ thống ECMO, 10 máy thở, 10 monitoring theo dõi bệnh nhân, 30 bơm tiêm điện, 2 máy thở di động, 30 máy truyền dịch, 10 máy nuôi ăn, 1 máy X-quang di động với tổng kinh khoảng 19,7 tỷ đồng.  (PHAN CHUNG)

* Ngày 29-1, Sở GD-ĐT thành phố cho biết vừa có công văn gửi các phòng GD-ĐT, các trường, trung tâm trực thuộc sở, các trường đại học ngoài công lập về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (gọi tắt là dịch bệnh Corona). Theo đó, Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, như tổng vệ sinh trường, lớp; khử trùng các dụng cụ nhà bếp, đồ dùng sinh hoạt cá nhân… trước khi học sinh, sinh viên đi học lại sau nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân; phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh, sinh viên thực hiện các kỹ năng phòng chống dịch bệnh, các hành vi tự chăm sóc sức khỏe, quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; bảo đảm dinh dưỡng, chế độ rèn luyện thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ, học sinh, sinh viên để dự phòng các dịch bệnh…

* Giám đốc Công an thành phố vừa chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến từng cán bộ, chiến sĩ về tác nhân gây bệnh, đường lây truyền và cách phòng, chống bệnh viêm hô hấp cấp do chủng virus Corona gây ra; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; sẵn sàng tham gia các biện pháp khẩn cấp để khống chế, bao vây dập tắt dịch bệnh, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Theo Giám đốc Công an thành phố, căn cứ chức năng nhiệm vụ, Công an từng đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu hàng không, đường bộ, đường thủy, đặc biệt là các nhóm khách du lịch, người dân đến từ vùng các quốc gia có dịch để kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để cách ly theo dõi đúng quy định. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh theo chỉ đạo của Bộ Công an và UBND thành phố. (NGỌC PHÚ)

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.