65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2020)

Đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, một trong những mối quan tâm hàng đầu của các hoạt động y tế trên địa bàn thời gian qua, cũng như mục tiêu của ngành trong thời gian tới là không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng đẹp hơn, thân thiện hơn.

Chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ngày một nâng cao theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực.  Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang phẫu thuật cho một bệnh nhi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ngày một nâng cao theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang phẫu thuật cho một bệnh nhi. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Thưa bà, những điểm nhấn về diện mạo của ngành y tế thành phố hiện nay là gì?

- Ngành y tế từ lâu đã xác định phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu nên việc ứng dụng, triển khai kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là điều đáng quan tâm nhất.

Trong năm 2019, trên 600 dịch vụ kỹ thuật mới đã được triển khai tại các cơ sở y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ngày một nâng cao theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực, tiếp tục cải tiến quy trình khám chữa bệnh, triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Năm 2019, ngành y tế thành phố đồng loạt cải tiến quy trình khám, chữa bệnh của các bệnh viện, rút ngắn thời gian chờ đợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đã có rất nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm tốt hơn công tác chuyên môn tại đơn vị như thiết kế hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm tự động (Bệnh viện Đà Nẵng), xây dựng phòng khám thông minh (Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), bệnh án điện tử (Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng)…

Ngoài ra, với hệ thống cơ sở vật chất tại một số nơi đang xuống cấp, quá tải, ngành y tế nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều công trình trọng điểm. Nhiều dự án y tế đang được xúc tiến như Trung tâm Tim mạch giai đoạn 2, Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Y tế Hải Châu giai đoạn 2, Trung tâm Y tế dự phòng… với tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cho lĩnh vực y tế đạt hơn 1.260 tỷ đồng.

* Đâu là những thách thức của ngành y tế trong thời gian qua, thưa bà?

- Khó khăn đáng kể nhất vẫn là câu chuyện thu hút nhân lực trong ngành y tế. Đà Nẵng hiện nay có tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân cao gấp 2 lần so với tiêu chuẩn mà Bộ Y tế áp dụng cho cả nước. Nhưng với nhu cầu phát triển của hệ thống y tế thành phố, chúng ta vẫn đang rất cần một đội ngũ nhân lực kế cận, bổ sung cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa đều đang gặp khó khăn về nhân lực bác sĩ và bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học.

Các trung tâm y tế quận, huyện và các đơn vị y tế dự phòng là những đơn vị khó thu hút và giữ chân bác sĩ công tác khi mức đãi ngộ, nguồn thu nhập chưa tương xứng. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nên thời gian qua có nhiều bác sĩ đã rời bệnh viện công và chuyển sang làm việc ở các bệnh viện tư với thu nhập cao hơn. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch hiện nay rất vất vả và bộc lộ nhiều bất cập.

* Trong hơn 1 tháng qua, Đà Nẵng huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Từ thực tế này, bà đánh giá, đề xuất gì về vai trò của nhân viên y tế, hệ thống y học dự phòng hiện nay?

- Đến thời điểm này, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 khi chưa ghi nhận trường hợp dương tính nào. Đây là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương. Đối với ngành y tế, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ y tế trong lĩnh vực dự phòng. Có một thực tế hiện nay trong hoạt động y tế, chính là hệ điều trị luôn được xem trọng, quan tâm đầu tư, phát triển hơn hệ dự phòng.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: P.C
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: P.C

Tại một số quốc gia trên thế giới, y học dự phòng được xem là cái gốc của y tế, được đầu tư xứng tầm, bài bản. Bởi, y học dự phòng cho chúng ta sự chủ động, phòng bị, ngăn ngừa nguy cơ trước khi dịch bệnh xảy ra. Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã có một quá trình dài để chuẩn bị, đầu tư y học dự phòng. Điều đó góp phần ngăn chặn, kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y học dự phòng cần được đầu tư xứng tầm, nắm giữ vai trò chủ động như nó vốn có. Bởi hiện nay, hoạt động phòng, chống các loại dịch bệnh hằng năm như thủy đậu, sốt xuất huyết vẫn một chiều.

Qua quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch, cho thấy vẫn còn thiếu sự quyết liệt vào cuộc của một số địa phương, ban, ngành, người dân chưa quan tâm, hợp tác. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cũng ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung.

Đời sống của nhân viên y tế trong lĩnh vực y học dự phòng chưa được quan tâm đúng mức và xã hội chưa ghi nhận, xem trọng vai trò như chính nhiệm vụ của họ được phân công. Đây là điều khiến tôi cảm thấy trăn trở, băn khoăn nhất.

* Cảm ơn bà!

Bác sĩ Hoàng Thanh Hà, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng: Cần có mức đãi ngộ hấp dẫn đối với bác sĩ trẻ

Là một bác sĩ trẻ, tôi thấy đội ngũ bác sĩ trẻ tại Đà Nẵng hiện nay được tạo nhiều điều kiện để thể hiện năng lực bản thân. Đà Nẵng được đánh giá là mảnh đất đầy hứa hẹn, thuận lợi cho các bác sĩ mới ra trường tìm kiếm cơ hội được đào tạo cao hơn, được thực hành nhiều kỹ thuật mới mà nếu làm việc tại các bệnh viện nơi khác không có được. Tuy vậy, với sự phát triển của xã hội hiện nay, nhất là để bảo đảm cuộc sống cũng như để các bác sĩ trẻ chuyên tâm toàn ý vào nghiên cứu và cống hiến thì cần có mức đãi ngộ hấp dẫn hơn, cơ chế đặc thù hơn cho việc trả lương của ngành y.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố: Công tác y tế dự phòng thầm lặng nhưng cần sự hỗ trợ từ cộng đồng

Công việc của nhân viên y tế dự phòng lâu nay luôn thầm lặng như chính nhiệm vụ được giao, đó là chủ động đề phòng, ngăn ngừa nguy cơ. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất hiện nay chính là các nhân viên y tế dự phòng thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng. Đơn cử, như đi phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu từ chối, bất hợp tác từ chính người dân. Nhân viên y tế dự phòng phải đích thân đi lật từng chậu cây, vỏ lon đọng nước để diệt lăng quăng, bọ gậy, hạn chế muỗi sinh sôi, trong khi đáng lẽ chúng ta không phải làm những việc đó, để dành thời gian, sức lực cống hiến, phục vụ những nhiệm vụ cần thiết hơn, quan trọng hơn.
 

PHAN CHUNG thực hiện
 

;
;
.
.
.
.
.