Quyết liệt phòng, chống Covid-19

Những "chiến sĩ" thầm lặng

.

Hơn 40 ngày kể từ khi Đà Nẵng tiếp nhận trường hợp đầu tiên nghi nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra, các nhân viên y tế đã được huy động tối đa cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tất bật với công tác chuyên môn. Ảnh: PHẠM NGUYỄN
Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tất bật với công tác chuyên môn. Ảnh: PHAN CHUNG

Trưa 25-2, Trung tâm Cấp cứu 115 (Trung tâm) tiếp nhận thông tin từ quận Sơn Trà về 2 du khách đến từ Daegu (Hàn Quốc) đang lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn quận cần được cách ly theo dõi. Ê-kip trực gồm bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 và lái xe Võ Đắc Thuận lập tức lên đường. Đến khoảng 13 giờ 30, xe cấp cứu đưa 2 người đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để bàn giao cho đơn vị này tiếp nhận, theo dõi, cách ly theo quy định.

Tuy nhiên, khi đến nơi, cả 2 du khách không chịu hợp tác vào bệnh viện mà yêu cầu chở thẳng ra… sân bay! Không còn cách nào khác, Bệnh viện Phổi buộc phải liên hệ cho Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng để giải thích cho du khách hiểu. Hơn 3 giờ đồng hồ trong bộ trang phục phòng, chống dịch được bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, 2 nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 phải “ngồi canh” ngay bên cạnh chiếc xe cứu thương đỗ trong sân Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đồ bảo hộ kín mít dưới nắng chiều khiến ai cũng mồ hôi nhễ nhại, thấm ướt hết áo quần. Thỉnh thoảng, những nhân viên y tế trong bệnh viện phải chạy lại lau vội những giọt mồ hôi trên khóe mắt cho họ, bởi bàn tay của họ đã được bọc 2 lớp găng không thể lộ ra ngoài.

Bác sĩ Hồng kể, hơn 1 tháng nay, Trung tâm luôn trong tình trạng báo động. Ngoài 26 xe cấp cứu làm nhiệm vụ thông thường tại 7 trạm cấp cứu trên địa bàn, 4 chiếc xe cấp cứu chuyên dụng được bố trí riêng biệt để vận chuyển những người nghi nhiễm Covid-19 đến những địa điểm cách ly.

“Nhân viên y tế bắt buộc phải mang bảo hộ phòng chống dịch theo tiêu chuẩn và tắm rửa, vệ sinh, khử trùng hằng ngày. Riêng xe cấp cứu thì phải khử trùng trước khi đi, chở người nghi nhiễm về điểm cách ly xong thì khử trùng 1 lượt, về đến Trung tâm thì khử trùng thêm lần nữa, mất phải hơn 1 giờ đồng hồ. Nhiều lúc các y, bác sĩ vừa thay áo quần, xe vừa khử trùng xong lại nhận tin và tiếp tục lên đường”, bác sĩ Hồng cho biết.

Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, năm nay ngành y tế không tổ chức hoạt động Blouse trắng để vinh danh các cá nhân trong lĩnh vực này mà dành thời gian phòng, chống dịch bệnh. Khi được hỏi về cảm xúc trong những ngày này, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chỉ mong muốn một điều duy nhất, rằng nguy cơ dịch bệnh không còn hiện diện tại Đà Nẵng nữa, để người dân an tâm sản xuất, sinh hoạt. Thời gian qua, ông cùng các nhân viên y tế đã căng mình để đối phó với dịch bệnh.

Trong 2 ngày qua, khi đoàn du khách Hàn Quốc được đưa lên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để theo dõi, cách ly, họ lại thêm phần vất vả. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Đội trưởng Đội chống Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, thêm tâm lý hoang mang khiến nhiều du khách không giữ được bình tĩnh nên đã có những ứng xử không chừng mực.

“Có lúc họ khóa trái cửa lại không cho người khác vào khu này nữa, thế là chúng tôi lại đi dọn dẹp, chuẩn bị sẵn những khu bên cạnh”, chị Dương cho biết.

Các nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 trong trang phục bảo hộ kín mít suốt 3 giờ đồng hồ để xử lý công việc. Ảnh: PHẠM NGUYỄN
Các nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 trong trang phục bảo hộ kín mít suốt 3 giờ đồng hồ để xử lý công việc. Ảnh: PHAN CHUNG

Các cơ sở y tế trên địa bàn đã lên phương án phòng, chống Covid-19 ở mức cao nhất. Điều đó có nghĩa các nhân viên y tế cũng được huy động, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để tham gia nhiệm vụ. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đơn vị lên kịch bản kiểm soát bệnh dịch theo 3 tình huống cụ thể, đó là lúc chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại thành phố, xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào thành phố và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

“Trong các tình huống thì bệnh viện đều chủ động phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan đồng thời khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng”, bác sĩ Nhân cho biết.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, kế hoạch ứng phó với Covid-19 được lập khá chi tiết, trong đó có kịch bản dành riêng cho đối tượng sản phụ khoa và đối tượng có phẫu thuật. “Nếu ai sốt hoặc ho cộng với có dấu hiệu dịch tễ, bác sĩ sản sẽ khám và quyết định cách ly ngay lập tức. Còn đối với sản phụ được xử trí mổ cấp cứu như băng huyết, tiền sản giật, sản giật… sẽ được chuyển sang khu B Khoa Y học nhiệt đới để mổ và cách ly. Bác sĩ nhi sơ sinh sau đó sẽ thăm khám em bé, dựa vào tình trạng em bé để quyết định cách ly hay nằm với mẹ”, bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết.

Tháng 2, những “chiến sĩ” khoác áo blouse trắng vẫn đang miệt mài lặng lẽ ngày đêm để kiểm soát, loại trừ những nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đối với chủng virus nguy hiểm, mang lại sự an tâm, bình yên cho người dân.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.