Nhiệt độ thời tiết tăng cao bất thường trong những ngày gần đây khiến nhiều người già, trẻ nhỏ phải nhập viện. Theo các nhân viên y tế, đây là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do thời tiết, cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để phòng, chống những căn bệnh thường xuất hiện trong mùa hè.
Cần có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc phù hợp cho trẻ em mùa nắng nóng. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi ngày 20-5). Ảnh: PHAN CHUNG |
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện C Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận từ 800-1.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Đang chờ đến lượt khám, ông Trần Văn Khôi (67 tuổi, trú quận Sơn Trà) cho biết: “Thời tiết nắng nóng mấy ngày nay khiến cơ thể mệt mỏi. Nay tôi sang bệnh viện khám, kiểm tra xem tình hình huyết áp, tim mạch có ổn định không”. Ông Khôi bị bệnh tim mạch và điều trị hơn 5 năm nay. Hằng tháng ông đều đến khám, lấy thuốc điều trị.
Thời gian qua do đại dịch Covid-19 nên ông hạn chế đi ra ngoài và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Bác sĩ Ngô Văn Sung, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, thời tiết nắng nóng khiến người già dễ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, nội tiết và đặc biệt là tiêu hóa.
Ghi nhận những ngày qua, trong số các bệnh nhân đến khám tại đây, số lượng bệnh nhân liên quan đến các bệnh về tiêu hóa tăng cao hơn bình thường, dao động từ 50 - 60 bệnh nhân/ngày, trong khi bệnh về hô hấp cũng tăng từ 30 - 40 bệnh nhân/ngày.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, mỗi ngày Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu tiếp nhận 1.000 - 1.200 lượt khám, cao hơn thời điểm trước đây 400-500 lượt khám. Theo bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng Khoa khám Đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, khi thời tiết có biến động, lượng bệnh nhi vào khám và điều trị tại bệnh viện lại tăng so với các thời điểm khác.
Trẻ vào viện chủ yếu mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm trên khí quản, tiêu hóa, sốt siêu vi, tiêu chảy cấp… “Thời tiết nắng nóng làm giảm sức đề kháng của trẻ, từ đó giúp các vi khuẩn gây hại dễ xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, môi trường nhiệt độ thay đổi từ trong phòng lạnh có điều hòa ra ngoài đột ngột hay sử dụng thực phẩm không đạt chất lượng cũng là những nguyên nhân khiến trẻ phải nhập viện”, bác sĩ Dũng cho biết.
Đang chờ làm thủ tục cho con khám bệnh, chị Trần Thị Hà (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, đứa con trai gần 3 tuổi của chị tiêu chảy cấp từ mấy ngày trước. Dù được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ nhưng do thời tiết nắng nóng đột ngột nên cháu mệt lả, mất nước và sốt nặng. Chị Hà quyết định cho cháu nhập viện để điều trị cho yên tâm hơn.
Cùng tâm trạng như chị Hà, anh Nguyễn Khắc Bình (trú Duy Xuyên, Quảng Nam) đang sốt ruột chờ đến lượt khám cho đứa con trai 5 tuổi của mình. “Nghỉ học mấy tháng vì dịch bệnh, vừa đi học được mấy ngày trở lại là cháu ho, sốt về đêm. Cả nhà lo quá nên quyết định cho cháu nghỉ học để đi khám”, anh Bình cho biết.
Hiện Khoa Khám Đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có 43 bàn khám để tiếp nhận bệnh nhân, trong đó 10 bàn khám được bố trí ngày tại tầng 1 của bệnh viện. So với những năm trước đây, số lượng bệnh nhân đến khám, nhập viện do thời tiết vẫn chưa tăng cao đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các nhân viên y tế, phụ huynh không nên chủ quan trong việc chăm sóc con em mình, nhất là khi các cháu vừa đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh. “Để phòng tránh những bệnh mùa nắng nóng, phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ ra ngoài đường vào giờ nắng nóng cao điểm.
Cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ, lựa chọn và bảo quản thực phẩm đúng cách. Không nên chủ quan với các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi của trẻ và cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám, điều trị”, bác sĩ Lê Văn Dũng cho biết.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bệnh viện C Đà Nẵng, mặc dù số bệnh nhân lớn tuổi đang điều trị tại đây chưa thực sự tăng đột biến như mọi năm nhưng theo chu kỳ hằng năm, đây là thời điểm các bệnh về đường tiêu hóa, huyết áp, tim mạch có nguy cơ tăng.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, thời tiết nắng nóng làm cho người cao tuổi mệt mỏi, biếng ăn, ít ngủ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể. “Tuổi già khiến sức đề kháng chống bệnh suy giảm, sự thích nghi với thay đổi của môi trường thời tiết cũng diễn ra chậm chạp nên người cao tuổi là đối tượng dễ bị thời tiết nắng nóng tác động nhiều nhất.
Để phòng tránh bệnh hiệu quả, người lớn tuổi cần lưu ý 4 yếu tố, đó là chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, giữ vệ sinh sạch sẽ và nghỉ ngơi hợp lý. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là bố trí nơi nghỉ ngơi sạch sẽ thông thoáng với khí trời, hạn chế tối đa hoạt động ngoài trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, cần có chế độ ăn uống phù hợp bổ sung nhiều rau xanh, củ quả và tuyệt đối phải bảo đảm an toàn thực phẩm vì đường ruột người già rất dễ bị tổn thương”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
PHAN CHUNG