Cẩn trọng với ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

.

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, xâm nhập thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc nếu sử dụng và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Các nhân viên y tế, an toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên chủ động lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh gây ra những tổn hại về sức khỏe.

Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng kinh doanh thực phẩm tại chợ Hàn. Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng kinh doanh thực phẩm tại chợ Hàn. Ảnh: PHAN CHUNG

Sau nhiều ngày điều trị và xuất viện, bà Nguyễn Thị Loan (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), một trong số 230 bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Hòa Vang từ ngày 7-5, vẫn chưa hết bàng hoàng.

Sau khi ăn bữa trưa làm bằng thực phẩm chay, chừng 3 tiếng sau bà bắt đầu đau bụng dữ dội, nôn thốc, chóng mặt. Mặc dù được đưa đến cấp cứu kịp thời tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang nhưng phải đến 4 ngày sau bà mới khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, trong số 230 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm, có 37 bệnh nhân biểu hiện tiên lượng nặng, phải chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng để điều trị.

Ngộ độc thực phẩm có thể biểu hiện ở một hoặc cơ quan khác nhau từ nhẹ đến nặng thậm chí có thể tử vong. “Tuy nhiên, triệu chứng thường gặp ở đường tiêu hóa  từ đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy sẽ gây nên trình trạng mất nước. Nếu nặng có thể dẫn đến trụy mạch.

Các triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch kém hoặc đang mắc các bệnh mãn tính. Trong trường hợp này cần phải được nhập viện để  bù nước điện giải cũng như theo dõi thêm nhiều biến chứng nguy hiểm khác”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, việc theo dõi sát và điều trị ngộ độc thực phẩm thường phụ thuộc vào nguồn gốc của bệnh nếu biết, và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên nhiều cơ quan của người bệnh.

Mục tiêu chính của điều trị là giảm nhẹ các triệu chứng, các biến chứng và nhanh chóng tìm nguyên nhân để xử trí kịp thời. Trẻ em và người lớn cần được theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế và được làm các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp nhằm theo dõi sát các biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm, tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng. Vi khuẩn gây bệnh phát triển lý tưởng ở nhiệt độ 20-37 độ C, phát triển sinh sôi theo cấp số nhân, khiến người dùng thực phẩm dễ bị ngộ độc.

Người dân kinh doanh thực phẩm tại chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.  Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân kinh doanh thực phẩm tại chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG

Một số bệnh đường tiêu hóa thường gặp chủ yếu do vi khuẩn Salmonella (có trong thịt, nghêu, sò, gà chưa nấu chín, sữa sống, trứng sống...), khuẩn Listeria (trong thịt ướp lạnh, chế phẩm sữa chưa tiệt trùng, thịt nguội...), khuẩn Clostridium Perfringens thường phát sinh trong các món được nấu nướng và hâm nóng.

Người dân có thói quen lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, trong môi trường bình thường bên ngoài. “Khi để thực phẩm quá lâu có thể bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập, tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận. Nếu để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần”, ông Hải khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen trữ đủ thứ thức ăn sống-chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh, cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm. Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình; tuy nhiên, để bảo đảm được vệ sinh trong quá trình bảo quản thực phẩm thì phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh.

BQL ATTP thành phố cũng cho biết, hiện ở những phiên chợ chiều, không khó bắt gặp hình ảnh thịt cá đã chuyển màu, ôi thiu, ruồi nhặng đậu nhiều. Ngoài ra, thức ăn đường phố vẫn còn tình trạng bảo quản chưa đúng cách khiến nguy cơ ngộ độc luôn tiềm ẩn.

“Người bệnh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, ngộ độc thường có các biểu hiện như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn, hoặc nôn ói liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...

Khi đó, người thân cần chăm sóc và sơ cứu ban đầu làm cho người bị ngộ độc nôn ra thức ăn bằng cách tạo phản xạ nôn. Sau khi cấp cứu tại chỗ, bệnh nhân nên được chuyển đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời”, ông Hải nhấn mạnh.

Các món chay bị nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm ở Hòa Vang

Ngày 17-5, Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố cho biết, bước đầu đã xác định được nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Hòa Vang, kéo dài từ ngày 7 đến 10-5, khiến 230 người phải nhập viện điều trị.

Theo đó, bắt đầu từ lúc 15 giờ ngày 7-5, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp nhận hàng chục người dân tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Tiến và Hòa Phú nhập viện với các triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa. Tính đến ngày 10-5 đã có tổng cộng 230 người dân nhập viện với các triệu chứng tương tự.

BQL ATTP đã vào cuộc điều tra, giám sát; đồng thời lấy 29 mẫu thực phẩm (23 mẫu tại các hộ kinh doanh thực phẩm chay ở chợ Túy Loan, 5 mẫu tại gia đình, 1 mẫu đậu khuôn tại nơi sản xuất). Các mẫu thực phẩm này được gửi tới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest2, thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) để xét nghiệm xác định chính xác nguyên nhân.

“Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do ăn phải các món ăn chay như nem chay, mì căn, đậu khuôn chiên, “cá” kho chay, “sườn xá xíu” chay, chả chay kho, mì căn xào “thịt bò” chay, chả phù chúc, nui xào bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép.

Các vi sinh vật có trong thức ăn vượt mức cho phép và gây ngộ độc được xác định là Bacillus cereus, Escherichia coli và Staphylococus aureus. Đây là những loại vi sinh vật gây ra tình trạng nhiễm trùng ruột, dẫn đến ngộ độc”, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, cho biết.

Sau khi xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, BQL ATTP thành phố sẽ tiến hành các bước chuyên môn và nghiệp vụ tiếp theo để xác định các vi phạm và mức độ các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đồng thời xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm này.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.