Cứu bệnh nhân bị phình lóc thành động mạch chủ cấp tính

.

ĐNO - Ngày 27-11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhân bị phình lóc tách thành động mạch chủ ngực cấp tính type A với nhiều biến chứng nguy kịch. Đây là một trong những phẫu thuật phức tạp, nặng nề nhất của cấp cứu ngoại khoa tim mạch.

Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: P.T.
Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: P.T

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân T.Q.V. (sinh 1987, ngụ xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đến trong tình trạng sốc tim, phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp.

Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tim phổi tích cực. Sau khi làm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán bị lóc tách thành động mạch chủ ngực cấp tính type A đã biến chứng tắc động mạch vành phải và hở nặng cấp tính van động mạch chủ. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu bệnh nhân ngay trong đêm.

Nhóm phẫu thuật tim của hai khoa Ngoại tim mạch và Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ ngực để xử lý tổn thương lóc tách thành động mạch chủ, đồng thời mổ bắc cầu động mạch chủ vành và tạo hình van động mạch chủ cho bệnh nhân. Để thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhân đã được hạ thân nhiệt từ 370C xuống 250C, ngừng tuần hoàn và tưới máu não xuôi dòng hai bên. Ca phẫu thuật kéo dài gần 8 giờ đồng hồ.

Sau 10 ngày thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, đi lại, ăn uống bình thường. Các xét nghiệm kiểm tra sau mổ đều ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng, tổn thương lóc tách động mạch chủ ngực cấp tính type A là một cấp cứu tim mạch rất nặng với tỷ lệ tử vong tăng khoảng 1% mỗi giờ trong 48 giờ đầu nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Nhưng khi kết hợp thêm các biến chứng nặng của tổn thương lóc tách như tắc động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp; hở van động mạch chủ cấp tính gây phù phổi cấp thì nguy cơ tử vong còn tăng cao hơn nhiều. “Để cứu sống người bệnh chỉ có một cách duy nhất là phẫu thuật để xử lý tổn thương lóc tách ban đầu, đồng thời giải quyết triệt để các biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Hải cho hay.

Được biết, kỹ thuật này Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện từ năm 2015 và đây là ca bệnh thứ 2 bị tổn thương lóc tách động mạch chủ ngực cấp tính type A đã biến chứng tắc động mạch vành, đồng thời hở van động mạch chủ nặng cấp tính được phẫu thuật và cứu sống kịp thời.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.