Những người quyết liệt tìm kiếm virus SARS-CoV-2

.

Thành công trong công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng làm công tác dự phòng, xét nghiệm. Hằng ngày, họ còn sẵn sàng đi đến những điểm nóng để lấy mẫu bệnh phẩm của trường hợp nghi mắc Covid-19.

Những “chiến binh” thầm lặng

Trong cuộc chiến với Covid-19, dù không tham gia trực tiếp điều trị cho bệnh nhân dương tính nhưng cán bộ, nhân viên y tế Khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng (Khoa XN-CĐHA-TDCN) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Đà Nẵng thật sự là những “chiến binh” đi đầu trong trận chiến. Vượt lên tất cả những khó khăn đặc thù, trong đó có cả nguy cơ cao lây nhiễm, họ ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp một phần không nhỏ trong công cuộc phòng, chống Covid-19. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho rằng: “Kết quả xét nghiệm có sớm sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống Covid-19; khống chế dịch bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Gần 15 năm trong nghề xét nghiệm, trải qua nhiều đợt phòng, chống các loại dịch bệnh khác nhau nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa XN-CĐHA-TDCN (CDC Đà Nẵng) thấy công việc áp lực như khi Covid-19 tái bùng phát trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngày 23-7-2020, ca bệnh thứ 416 được công bố, những ngày tiếp theo, số lượng mẫu của trường hợp nghi mắc Covid-19 tăng lên nhiều lần, có những thời điểm, Khoa XN-CĐHA-TDCN tiếp nhận hàng ngàn mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị gửi lên. Để có thể đưa ra kết quả xét nghiệm sớm, chính xác, đáp ứng nhanh cho công tác phòng, chống dịch, lực lượng xét nghiệm phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm. “Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị gửi lên, chúng tôi tiến hành xét nghiệm ngay. Không ai bảo ai, mọi người đều trong tâm thế chạy đua không ngừng nghỉ với thời gian để sớm có được kết quả xét nghiệm, đáp ứng khẩn cấp công tác phòng, chống Covid-19. Làm việc hết tốc lực nhưng chúng tôi luôn tập trung cao độ, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc: Không được phép nhầm lẫn trong công tác xét nghiệm”.

Do khối lượng công việc lớn, luôn phải chạy đua với thời gian nên gần 60 nhân viên của khoa và các đơn vị trên địa bàn thành phố tăng cường đến phải “cắm trại” tại CDC Đà Nẵng. Có những hôm vì mãi mê với công việc, anh chị em quên việc ăn uống. Người này bảo người kia đi ăn nhưng ai cũng mong ngóng, hồi hộp chờ kết quả”, chị Nhàn kể.

Cũng theo chị Nhàn, một áp lực lớn nữa đối với những người xét nghiệm Covid-19 là phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm. Để bảo đảm an toàn cho bản thân, khi vào phòng xét nghiệm, mỗi nhân viên phải mang đồ bảo hộ kín liên tục từ 3 đến 5 giờ đồng hồ. Vậy nhưng, vì tập trung cao độ nên hầu hết nhân viên xét nghiệm đều quên đi cảm giác bí bách, khó chịu, ngột ngạt mà bộ đồ bảo hộ mang lại. Gác lại niềm vui bên gia đình, thức trắng đêm làm việc nhưng toàn thể cán bộ, nhân viên CDC Đà Nẵng và lực lượng tăng cường đều rất tự hào khi góp phần phục vụ hiệu quả công tác truy vết, dập dịch trên địa bàn thành phố.

Cuộc chạy đua với virus SARS-CoV-2

Không chỉ làm công tác xét nghiệm, nhân viên Khoa XN-CĐHA-TDCN còn phải đến “điểm nóng” để lấy mẫu bệnh phẩm những trường nghi mắc Covid-19. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn kể, đầu năm 2020, do chưa đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm Covid-19 nên khi trường hợp nghi mắc Covid-19 được các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tổ chức cách ly, theo dõi, nhân viên Khoa XN-CĐHA-TDCN và các đồng nghiệp tại CDC Đà Nẵng phải nhanh chóng tiếp xúc lấy mẫu rồi vận chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang. “Để lấy được mẫu dịch ngoáy họng, các kỹ thuật viên phải đưa dụng cụ vào sâu trong khu vực hầu họng. Chỉ một vài động tác của người nghi nhiễm như: ho, hắt hơi, thở dốc sẽ khiến virus phát tán ra ngoài, gây nguy hiểm cho kỹ thuật viên. Những ngày cao điểm trong đợt Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, những chiếc xe của CDC Đà Nẵng liên tiếp nối đuôi nhau xuyên đêm chở mẫu bệnh phẩm vượt hàng trăm cây số vào Viện Pasteur Nha Trang. Các nhân viên CDC Đà Nẵng có nguyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chạy theo... Covid-19”, chị Nhàn tâm sự.

Ngày 6-3-2020, Bộ Y tế cho phép CDC Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 thì một ngày sau, Khoa XN-CĐHA-TDCN phát hiện 2 ca dương tính đầu tiên trên địa bàn thành phố. Kết quả xét nghiệm giúp việc khoanh vùng, xử lý dịch nhanh chóng và hiệu quả. Theo chị Nhàn, thời điểm đó, chưa có hệ thống tách chiết RNA tự động nhưng công suất xét nghiệm của khoa có thể đạt 400-450 mẫu/ngày. Đến tháng 8-2020, khoa nâng số lượng xét nghiệm lên đến 5.000 mẫu/ngày.

Trước áp lực làm thế nào để có thể kiểm soát được tất cả các ca dương tính trong thời gian sớm nhất trong điều kiện hạn chế về sinh phẩm, trang thiết bị và nhân lực, thành phố quyết định lấy mẫu xét nghiệm mẫu. Phương pháp lấy mẫu gộp này giúp tiết kiệm được vật tư tiêu hao, chi phí xét nghiệm; đồng thời rút ngắn thời gian xử lý mẫu tại cơ sở xét nghiệm và quan trọng hơn là có thể tăng số lượt người xét nghiệm lên rất lớn, có thể truy vết rất nhanh các ca dương tính trong cộng đồng, góp phần quyết định sự thành công của công tác phòng, chống dịch. Đến nay, Khoa XN-CĐHA-TDCN đã thực hiện xét nghiệm cho gần 150.000 mẫu Covid-19.

Đã qua 6 tháng, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, áp lực của nhân viên Khoa XN-CĐHA-TDCN phần nào giảm bớt căng thẳng. Song hằng ngày, họ vẫn âm thầm “chiến đấu” với Covid-19. “Hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đà Nẵng vẫn là địa phương phải tiếp nhận các chuyến bay nhập cảnh với số lượng lớn cũng như các trường hợp đi từ địa phương có dịch đến làm việc. Đặc biệt, với diễn biến hết sức phức tạp của các ca nhập cảnh dương tính hay số mẫu giám sát của các đơn vị trên địa bàn thành phố liên tục gửi về CDC, những nhân viên Khoa XN-CĐHA-TDCN tiếp tục làm việc không quản ngày đêm”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh khẳng định.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích