Tiếp tục truy vết, tăng cường phòng, chống Covid-19

.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tiếp tục đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị kích hoạt các phương án và biện pháp ứng phó ở mức độ cao nhất; sẵn sàng triển khai các hoạt động ngay khi có yêu cầu. Việc tuân thủ quy định 5K (khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tập trung-khai báo y tế) được nâng lên một mức cao hơn khi Sở Tư pháp ban hành công văn mới, trong đó nhấn mạnh việc xử phạt những trường hợp không mang khẩu trang ở khu vực công cộng.

Ban quản lý chợ Cồn đặt bảng tuyên truyền đeo khẩu trang và tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho người dân khi đi vào chợ. Ảnh: XUÂN DŨNG
Ban quản lý chợ Cồn đặt bảng tuyên truyền đeo khẩu trang và tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho người dân khi đi vào chợ. Ảnh: XUÂN DŨNG

Tuyên truyền cho người dân chấp hành việc đeo khẩu trang

Ghi nhận thực tế ngay sau khi công văn trên được chuyển đến các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, tại các nơi công cộng, khu vực tập trung đông người, người dân đều chấp hành việc đeo khẩu trang nghiêm chỉnh. Đa số các hàng quán, cửa hàng thời trang dọc tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh... đều quy định khách hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn khi vào mua hàng. Một số cửa hàng còn đặt sẵn hộp khẩu trang tại quầy để phát nếu khách hàng quên.

Nhân viên làm việc tại các nhà sách, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đều chấp hành việc mang khẩu trang theo đúng quy định. Anh Đoàn Thành, quản lý nhà sách Fahasa Đà Nẵng (tuyến đường Lê Duẩn, phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho biết, lãnh đạo nhà sách quán triệt 100% nhân viên đeo khẩu trang trong giờ làm việc, bố trí nhân viên tại cửa đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và yêu cầu khách hàng mang khẩu trang đúng quy cách.

Là nơi tập trung đông người, phức tạp, các chợ trên địa bàn thành phố cũng tăng cường tuần tra quanh chợ và bổ sung nội dung tuyên truyền xử phạt hành vi không đeo khẩu trang trên loa phóng thanh. Đơn cử, tại chợ Cồn (phường Vĩnh Trung, quận Hải Châu), ngoài lực lượng chốt chặn đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ, Ban quản lý chợ liên tục tổ chức tuần tra khắp các lối đi để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đúng quy cách, tuyệt đối không tháo khẩu trang.

Phó trưởng Ban quản lý chợ Cồn Phan Thành Thoại cho biết, khi biết thông tin về việc quy định xem xét, xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, Ban quản lý chợ đã tăng cường các biện pháp tuần tra, nhắc nhở; đồng thời phát loa phóng thanh tuyên truyền nội dung công văn của Sở Tư pháp mới ban hành đến toàn bộ tiểu thương, người dân trong chợ. Tuy nhiên, Ban quản lý không có chức năng xử phạt nên đã phối hợp lực lượng Công an địa phương vào chợ kết hợp tuần tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành.

Tương tự, ghi nhận tại các địa điểm như siêu thị, công viên, điểm dừng đèn đỏ trên các tuyến đường, hầu hết người dân đều chấp hành đầy đủ việc đeo khẩu trang. Chị Trần Thị Thu (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết, thông qua báo, đài, chị biết về việc sẽ xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. “Việc xử phạt là cần thiết vì đeo khẩu trang nơi công cộng chính là tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng”, chị Thu nói.

Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) Trần Thế Sơn cho biết, địa phương nhận được công văn từ Sở Tư pháp thành phố và chỉ đạo tổ tuần tra bao gồm lực lượng công an, tư pháp, y tế, dân quân và lực lượng 8394 của phường hằng ngày tăng cường tuần tra, nhắc nhở người dân; nhất là tại các khu vực công cộng của phường như vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng (gần Trung tâm Hành chính thành phố), công viên (ngã ba Quang Trung - Đống Đa)…

Đồng thời, yêu cầu 44 tổ Covid-19 cộng đồng của phường tăng cường tuyên truyền cho người dân tại các khu dân cư. “Trước mắt vẫn chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở đến người dân chấp hành quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Trong quá trình tuần tra, nếu phát hiện trường hợp người chống đối, không chấp hành, cán bộ tư pháp phường sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt theo quy định”, ông Sơn cho biết.

Chủ động khai báo, truy vết thường xuyên

Song song với công tác phòng, chống dịch thông qua các chỉ đạo của Trung ương, địa phương, việc truy vết các công dân, trường hợp đến, về từ vùng có yếu tố dịch tễ đang được gấp rút triển khai. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, tính đến ngày 2-2, lực lượng chức năng đang tiếp nhận, cách ly 399 trường hợp về từ vùng dịch; trong đó thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) 35 trường hợp, tỉnh Hải Dương (ngoại trừ thành phố Chí Linh) 198 trường hợp, Quảng Ninh 161 trường hợp và 5 trường hợp đến từ các địa phương khác có liên quan.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết: “Chúng tôi cũng kêu gọi, khuyến cáo người dân chủ động liên hệ cơ quan y tế để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống Covid-19 kịp thời, đúng quy định. Hiện CDC Đà Nẵng vẫn duy trì việc lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi nhiễm Covid-19; đồng thời phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức truy vết, điều tra dịch tễ cũng như giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương”.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế quán triệt việc áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Theo đó, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) phải thực hiện cách ly tập trung đủ 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn lây.

“Ngoài ra, các trường hợp này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Cụ thể lần 1 vào ngày phát hiện, lần 2 vào ngày 14, lần 3 vào ngày thứ 21 kể từ ngày tiếp xúc với nguồn lây”, bác sĩ Hồng cho biết. Hiện các cơ quan y tế, trong đó CDC Đà Nẵng đóng vai trò chủ đạo, chủ động thường xuyên cập nhật các ổ dịch và các khu vực phong tỏa trên phạm vi cả nước, thông báo đến các đơn vị y tế liên quan để có biện pháp xử lý, áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp theo quy định đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

“Bên cạnh đó, các Trung tâm Y tế quận, huyện tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát chủ động, kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, nghi ngờ mắc bệnh, có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để áp dụng các biện pháp cách ly, can thiệp y tế phù hợp; đồng thời chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền, công an, các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, truy vết, khoanh vùng kịp thời và hiệu quả trên địa bàn mình”, bác sĩ Hồng cho biết thêm.

* Bản tin 18 giờ ngày 2-2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết, có thêm 31 ca mắc mới, trong đó có 30 ca ở cộng đồng (nâng tổng số lên 994 ca mắc do lây nhiễm trong nước), ghi nhận tại Hải Dương (18 ca), Hà Nội (1 ca), Gia Lai (3 ca), Quảng Ninh (8 ca); 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

PHAN CHUNG - XUÂN DŨNG

Theo Công văn số 562/UBND-SYT ngày 31-1-2021 do UBND thành phố ban hành, người dân từng đến, về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) từ ngày 1-1 đến 12-1, Sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 5-1 đến nay được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Người về từ tỉnh Hải Dương từ ngày 13-1, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 18-1 thì tổ chức cách ly y tế tại nhà trong vòng 21 ngày. Đối với người trở về từ các vùng dịch thuộc các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Gia Lai và các vùng dịch khác theo thông báo của Bộ Y tế, người nghi ngờ là F1, F2 phải chủ động khai báo y tế với chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp. Riêng người đi, về từ ổ dịch và các khu vực phong tỏa tính từ ngày ổ dịch được xác định và khu vực đó được phong tỏa thì cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định...
Theo Công văn số 350/STP-HCQL-TDTHPL của Sở Tư pháp ban hành ngày 1-2-2021, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống Covid-19 hiện nay. Do đó, người có hành vi trên có thể bị xem xét, xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ. Mức phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

 

;
;
.
.
.
.
.