Gia tăng bệnh tay-chân-miệng ở trẻ

.

Trong 1 tuần trở lại đây, bệnh tay - chân - miệng ở trẻ có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố. Mặc dù chưa bùng phát như nhiều địa phương khác nhưng ngành y tế khuyến cáo cần có sự chủ động của người dân, tuân thủ các biện pháp phòng, tránh trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Để phòng tránh bệnh tay-chân-miệng cho trẻ hiệu quả, người lớn cần chủ động giữ gìn vệ sinh, lau chùi sàn nhà,  các vật dụng, đồ chơi. Ảnh: PHAN CHUNG
Để phòng tránh bệnh tay-chân-miệng cho trẻ hiệu quả, người lớn cần chủ động giữ gìn vệ sinh, lau chùi sàn nhà, các vật dụng, đồ chơi. Ảnh: PHAN CHUNG

Hầu hết bệnh nhân là trẻ em

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ngày 2-4 thu dung, tiếp nhận điều trị 100 bệnh nhi, trong đó có 51 trường hợp bị tay - chân - miệng. Theo số liệu thống kê của đơn vị này, 1 tuần trước đó, tổng số trẻ bị tay - chân - miệng đến điều trị chỉ 10-15 trẻ mỗi ngày. Bé Nguyễn Trà Q. (21 tháng tuổi, trú quận Sơn Trà) được gia đình đưa vào nhập viện ngày 31-3 khi miệng xuất hiện những nốt nhỏ li ti, sốt 39-40 độ liên tục. Tương tự, cháu Lê Văn Kh. (35 tháng tuổi, trú huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) được người nhà chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng từ ngày 30-3 trong tình trạng mụn nước mọc quanh miệng, lòng bàn tay, sốt cao. Ngoài mắc tay - chân - miệng, cháu Kh. còn bị viêm phổi nên sức khỏe yếu, buộc các bác sĩ phải cho thở máy.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, trong số các bệnh nhi nhập viện do tay - chân - miệng, nhiều trường hợp đến từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tay- chân - miệng mức độ 2B, buộc phải sử dụng các biện pháp hồi sức hô hấp. Trong trường hợp người nhà đưa nhập viện chậm sẽ dẫn đến viêm màng não, phù phổi cấp rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Thịnh, tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm bùng phát thường theo 2 đợt mỗi năm, trong đó đợt 1 thường từ tháng 3 đến tháng 5, đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11. Bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. “Bệnh diễn tiến rất nhanh theo giờ nên nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hiện nay số ca mắc tay - chân - miệng tại Đà Nẵng có tăng nhưng chưa bùng phát như nhiều địa phương khác và vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, số ca nặng lại tăng lên. Điều đó cho thấy người dân vẫn chưa có sự theo dõi, phát hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của các cháu một cách kịp thời”, bác sĩ Thịnh cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, chỉ trong vòng 1 tuần (tính đến ngày 30-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 68 ca mắc tay - chân - miệng, cao hơn tuần trước 29 ca. Tổng số ca mắc từ đầu năm 2021 đến nay được ghi nhận là 160 ca, cao hơn cùng kỳ năm 2020 gần 70 ca. Một số địa phương đang ghi nhận ca mắc tay - chân - miệng có dấu hiệu tăng lên là Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu.

Chú trọng phòng ngừa, vệ sinh cá nhân

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, để kiểm soát tốt dịch tay - chân - miệng đang có dấu hiệu tăng và nguy cơ bùng phát, từ cuối tháng 3, đơn vị đã thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để chủ động cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị bệnh tay - chân - miệng để xử lý, sát khuẩn môi trường… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng đã có văn bản gửi các trung tâm y tế quận, huyện phối hợp làm việc với phòng giáo dục đào tạo, phụ huynh, các trường về các biện pháp phòng, chống.

Trước dấu hiệu gia tăng của bệnh tay - chân - miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2021. Theo đó, bệnh tay- chân - miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. “Cách phòng, chống bệnh tay - chân - miệng hiệu quả là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; đặc biệt, vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế trẻ; sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ngoài ra, bệnh tay - chân- miệng phát tán qua phân của trẻ, vì vậy không nên dùng tay mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay. Cần lau chùi đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà... thường xuyên bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi trẻ có dấu hiệu mắc tay - chân- miệng cần đến cơ sở y tế gần để được hướng dẫn điều trị kịp thời”, bác sĩ Thạnh khuyến cáo.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.