Tai biến sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19: Đừng quá hoang mang

.

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc hay vắc-xin nào.

Ngày 7-5, thông tin về một trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19 đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc hay vắc-xin nào và đây là những trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay thì vắc-xin và tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế chính là “chìa khóa” đẩy lùi dịch bệnh.

Vaccine AstraZeneca phòng Covid-19. Ảnh: TTXVN
Vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19. Ảnh: TTXVN

Vì sao tiêm vắc-xin lại gây tai biến? 

Từ ngày 8-3-2021, vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm chủng tại Việt Nam, với 3 địa phương đầu tiên triển khai là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương. Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm vắc-xin AstraZeneca cho hơn 851.000 người. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, đến ngày 10-5 đã cơ bản hoàn tất tiêm 65.000 liều vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho nhân viên y tế, cán bộ hỗ trợ chống dịch, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất… trong cả 2 đợt tiêm chủng.

Trong quá trình triển khai tiêm phòng Covid-19 AstraZeneca tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Tỷ lệ này thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.

Tuy nhiên mới đây, một nhân viên y tế tại tỉnh An Giang đã tử vong sau tiêm vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19 khiến dư luận hoang mang. Theo kết luận của Bộ Y tế, nguyên nhân tử vong được xác định là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Chị Bùi Thị Xuân Anh (29 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức), người cũng có cơ địa dị ứng với thuốc giảm đau kháng viêm chia sẻ: Khi nghe nguyên nhân tử vong sau tiêm vắc-xin tôi rất lo lắng bởi cơ địa của mình cũng bị dị ứng. Trong thời gian tới nếu được ưu tiên tiêm vắc-xin, tôi sẽ phải tham khảo kỹ hơn ý kiến của các chuyên gia tiêm chủng để bảo đảm an toàn cho bản thân.

Còn anh Lê Minh Thái (35 tuổi, ngụ tại Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) lại băn khoăn khi bản thân anh không biết mình có nguy cơ phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin hay không. “Từ nhỏ đến nay tôi chưa từng nằm viện, chỉ thỉnh thoảng cảm cúm mà thôi nên tôi không biết mình có bị dị ứng với loại thuốc nào không, sẽ thật nguy hiểm nếu cơ địa tôi bị dị ứng khi tiêm vắc-xin”, anh Thái cho hay.

Về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh cho biết, vắc-xin cũng giống các loại thuốc khác, đều có thể dẫn tới các phản ứng không mong muốn khi sử dụng, thậm chí ngay cả thực phẩm cũng có thể bị phản ứng phụ gây nên các dị ứng. Dị ứng, phản ứng phụ xảy ra khi đưa các chất bên ngoài vào cơ thể nhưng cơ thể không dung nạp được.

Và vắc-xin AstraZeneca cũng không ngoại lệ. Đối với vắc-xin này, các phản ứng thông thường có thể xảy ra như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi… Nếu những phản ứng này xảy ra ở mức độ khá mạnh thì cần sử dụng một số loại thuốc để giảm các triệu chứng của phản ứng phụ. Những phản ứng này không gây nguy hại cho người được tiêm và sẽ mất đi sau 2-3 ngày.

“Vắc-xin cũng có thể gây ra các phản ứng nặng như sốc phản vệ, nguy hiểm cho tính mạng người được tiêm, thậm chí có trường hợp tử vong. Với mỗi loại vắc-xin thì tỷ lệ phản ứng nặng khác nhau song, đến nay các loại vắc-xin được cấp phép lưu hành trên thế giới có tỷ lệ tai biến không cao”, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng khẳng định.

Vắc-xin và Thông điệp 5K là “chìa khóa” phòng dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh - chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh truyền nhiễm cho rằng, tai biến sau tiêm vắc-xin là sự thật không thể tránh khỏi.

“Đợt tiêm chủng này tôi cũng nghĩ chuyện này sẽ đến, cũng nghĩ cách an toàn nhất chỉ có tiêm chủng thì mọi việc mới bình yên. Nhưng rất nặng lòng khi có một đồng nghiệp lại nằm đúng vào xác suất cực hiếm. Đúng là cuộc chiến, mong muốn tốt nhất nhưng không thể”, bác sĩ Khanh chia sẻ sau ca tai biến của nữ điều dưỡng ở An Giang.

Dù biết tai biến vắc-xin không thể tránh khỏi khi số lượng mũi tiêm ngày một lớn nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh vẫn lo ngại về trào lưu tẩy chay vắc-xin sau khi xảy ra một trường hợp tử vong, đặc biệt trong những người trẻ. Người trẻ tuổi thường hay dịch chuyển, đến vùng nguy cơ thường xuyên hơn và đây cũng là đối tượng có tỷ lệ từ chối vắc-xin cao.

“Điều quan trọng mọi người cần phải nhớ là nguy cơ tử vong hoặc chịu các hậu quả nghiêm trọng do Covid-19 vẫn cao hơn nhiều so với nguy cơ biến chứng sau khi tiêm AstraZeneca”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Còn Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng lại chỉ ra, hiệu quả phòng ngừa bệnh của vắc-xin thường là từ 75-95%. Điều đó có nghĩa, trong 100 người tiêm vắc-xin thì có khoảng 75-95 người có miễn dịch, còn lại từ 5-25 người vẫn có thể mắc bệnh. Ông cho hay: “Khi cơ thể được tiêm vắc-xin nhưng không tạo ra kháng thể vì lý do nào đó thì vẫn có thể mắc bệnh, không có gì là tuyệt đối cả”.

Do đó, Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho rằng, phải phối hợp cả giữa vắc-xin và các biện pháp theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế mới là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Cùng chung quan điểm, bác sĩ Lê Hồng Nga - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vắc-xin là thành tựu của lịch sử y học, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, kiểm soát nhờ vắc-xin như bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván… Đó cũng là lý do khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã có một cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới để tìm ra vũ khí kiểm soát đại dịch này.

Tuy nhiên, vắc-xin không phải là tất cả. Bài học của nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ cho thấy, nếu chỉ tiêm vắc-xin thôi thì chưa đủ mà phải song song với các biện pháp phòng dịch khác, mà cụ thể tại Việt Nam là các biện pháp theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế đưa ra.

Để tránh vấn đề bị phản ứng nặng, sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin, các bác sĩ khuyến cáo, người được tiêm nên phối hợp với nhân viên tiêm chủng trong việc sàng lọc tiêm chủng, giảm thiểu ít nhất khả năng sẽ có phản ứng phản vệ sau tiêm. Khai báo trung thực các bệnh nền mình đang mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng, các loại dị ứng có thể xảy ra…

Tuy nhiên, đôi khi dù sàng lọc kỹ nhưng cũng có trường hợp có thể xảy ra phản ứng nặng đối với người không có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh lý nền, đó là lý do phải ở lại điểm tiêm chủng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để theo dõi.

Hoặc có những trường hợp đặc biệt, phản ứng phản vệ xảy ra chậm hơn (2-3 giờ sau tiêm, thậm chí 1-2 ngày sau), do đó trong vòng 3 ngày cần tự theo dõi các phản ứng của cơ thể và đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.