Y tế - Sức khỏe
Gia tăng bệnh đau mắt đỏ
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận tình trạng người mắc bệnh viêm kết mạc (còn gọi là đau mắt đỏ) gia tăng, trong đó, trẻ em chiếm số lượng lớn. Tại Đà Nẵng, số ca bị đau mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 9 và đột biến trong 3 ngày qua khi ghi nhận tại cơ sở y tế. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ có thể bùng phát dịch đau mắt đỏ, đồng thời khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng, tránh.
Người dân đến khám tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng vì bị đau mắt đỏ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bệnh nhân tăng 4 lần
Sáng 12-9, hàng trăm người dân dẫn con em xếp hàng lấy phiếu khám bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Chị Trần Thị Khánh Nhi (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) có con học lớp 3 trường tiểu học trên địa bàn phường cho biết, sau khi khai giảng và đi học được 4 hôm, con trai chị có các dấu hiệu như đau mắt, đỏ mắt, nước mắt liên tục chảy. Chị Nhi mua nước muối và thuốc nhỏ mắt tại tiệm thuốc tây gần nhà để nhỏ cho con.
“Sau 2 ngày thì tôi và cháu trai út 5 tuổi cũng có những triệu chứng như vậy, nên đoán chắc là bị đau mắt đỏ. Cả ba mẹ con cùng đi lên Bệnh viện Mắt khám và lấy thuốc điều trị”, chị Nhi cho biết. Tương tự, chị Lê Thị Hoài (trú phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu) có con đang học lớp 5 cũng mắc các triệu chứng tương tự. “Cháu có biểu hiện ngứa, chảy nước mắt nên gia đình chỉ nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên sáng nay đến lớp thì cô giáo gọi điện lên đón cháu về. Để yên tâm hơn, 2 mẹ con chạy thẳng qua Bệnh viện Mắt để nhờ bác sĩ khám, chỉ định điều trị”, chị Hoài chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, tính từ ngày 1-1 đến 31-8, trung bình mỗi ngày có khoảng 60-70 trẻ đến khám và được chẩn đoán bị viêm kết mạc. Tuy nhiên, chỉ 1 tuần từ ngày 1 đến 8-9, đã có hơn 660 bệnh nhân đến khám và được xác định viêm kết mạc. Đáng chú ý, trong 2 ngày 9 và 11-9, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khám cho hơn 240 trẻ bị viêm kết mạc, tăng gấp 4 lần so với bình thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, phụ trách Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, tỷ lệ trẻ em đến khám và xác định bị viêm kết mạc tại bệnh viện chiếm trên 57%, cao hơn mọi thời điểm trong năm và cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo lý giải của bác sĩ Trang, viêm kết mạc là bệnh lý mà bất kỳ ai cũng có thể bị, dễ phát triển và có nguy cơ bùng phát thành dịch vào thời điểm hè chuyển sang thu, nhất là khi các em học sinh quay trở lại trường học. Đây là bệnh do vi khuẩn, vi-rút hoặc dị ứng gây nên. Tùy theo các triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán, tìm nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.
“Từ các đặc điểm lâm sàng có thể nhận thấy phần lớn người mắc viêm kết mạc là do vi-rút gây ra, nên cơ chế lây lan cũng rất nhanh chóng thông qua đường tiếp xúc trực tiếp khi đụng vào dịch tiết từ mắt của bệnh nhân. Nếu phát hiện, điều trị hợp lý, kịp thời, bệnh sẽ thoái lui trong khoảng 2 tuần. Trong trường hợp bị biến chứng, bệnh nhân có thể bị viêm giác mạc với các hệ luỵ như giảm thị lực, chảy nước mắt, kích thích sợ ánh sáng hoặc mắc chứng khó điều trị các bệnh liên quan giác mạc”, bác sĩ Trang khuyến cáo.
Chủ động phòng ngừa
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, sau khi ghi nhận số ca mắc viêm kết mạc tăng, đơn vị đã tăng cường hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ; đồng thời ban hành hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Theo đó, khi không có dịch, người dân luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; không dùng tay dụi mắt.
Trong trường hợp đang có dịch đau mắt đỏ, ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện...
“Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, cần bố trí nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để khám, được tư vấn và điều trị”, bác sĩ Hoá cho biết.
Để tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế vừa có công văn khẩn gửi các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai các nhiệm vụ trong phòng, chống dịch. Bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, bệnh thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
“Để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ, ngành y tế kính đề nghị ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các trường mầm non, mẫu giáo cần bảo đảm vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. UBND các quận, huyện phối hợp tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Các lực lượng địa phương phối hợp cơ quan y tế tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại địa phương”, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
PHAN CHUNG