Y tế - Sức khỏe
Nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện
Cấp cứu trước khi vào bệnh viện là hoạt động không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống cấp cứu, nâng cao khả năng và cơ hội sống cho người bệnh. Thời gian qua, Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố đã không ngừng nâng cao năng lực, tổ chức các hoạt động cấp cứu ngoại viện, xử lý những bệnh nhân nguy kịch, giành giật sự sống trong từng phút, từng giây.
Việc nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện giúp tăng khả năng phục hồi cho bệnh nhân. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bệnh nhân T.V.Q. (51 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) được người thân gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng trong tình trạng méo miệng, yếu liệt chân tay, co giật, đau đầu dữ dội... Sau khi nhận thông tin, Trạm Cấp cứu 115 quận Ngũ Hành Sơn cử nhân viên y tế và phương tiện đến nhà, đánh giá tình hình và đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, điều trị. Tại đây, các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân Q. bị đột quỵ, được tiếp nhận điều trị trong khoảng thời gian dưới 1 giờ sau khi có triệu chứng khởi phát.
“Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ trong vòng 6 giờ. Cứ mỗi 15 phút được rút ngắn trong quá trình trị liệu thì sẽ giảm 4% tỷ lệ tử vong và tăng 4% cơ hội sống cho bệnh nhân đột quỵ. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân Q. xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, hoàn toàn không có các di chứng của đột quỵ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, đây là trường hợp khá may mắn, khi nhận biết dấu hiệu sớm, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt kịp thời, nhận định tình hình ban đầu và chuyển đến bệnh viện kịp thời. Bệnh nhân cần điều chỉnh các chế độ sinh hoạt như ăn, uống, vận động, làm việc để không tái diễn tình trạng này.
Theo bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, việc tiếp nhận xử lý thông tin được thực hiện theo đúng quy trình của ngành. Đơn cử, thời gian tiếp nhận thông tin và cử đơn vị cấp cứu ngoại viện là 90 giây; thời gian để đơn vị cấp cứu ngoại viện phản hồi phải dưới 8 phút; thời gian vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dưới 15 phút. Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp người bị bệnh có những chấn thương kèm theo do té ngã, nhưng người thân không nhận ra để sơ cứu trước. Vì vậy, việc xử trí sau đó của các bác sĩ càng khó khăn hơn. Việc thiếu kỹ năng, kiến thức khi cứu người đột quỵ là tình trạng thường gặp nhất. Do không đánh giá được mức độ tổn thương nặng cần hồi sức tim, phổi, không cố định các phần cơ thể người bệnh, bị té ngã trong khi di chuyển nạn nhân nên nhiều trường hợp bị tai nạn, chấn thương. Nếu được sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giảm tối đa nguy cơ bệnh nặng thêm, thậm chí là tử vong trước khi đến bệnh viện.
“Sơ cứu ngoài cộng đồng cũng như cấp cứu ban đầu càng sớm càng tốt. Việc đó sẽ giúp duy trì chức năng sống của nạn nhân trước khi được chuyển đến bệnh viện, giúp giảm những tổn thương không đáng có. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch”, bác sĩ Thông cho biết.
Thời gian qua, Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng không ngừng mở rộng, nâng cấp chất lượng hệ thống cấp cứu ngoại viện, thông qua các trạm cấp cứu vệ tinh. Được biết, Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là đơn vị số ít trong cả nước thiết lập các trạm cấp cứu vệ tinh rải đều trên toàn thành phố. Điều này xuất phát từ thực tế do đặc thù tổ chức, xe cấp cứu tập trung một chỗ nên khi người dân gọi điện cần sự trợ giúp luôn chậm trễ, đến nơi thì bệnh nhân đã được di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Toàn bộ nhân lực, thiết bị, phương tiện của Trung tâm đều được phân bổ đều ở các trạm, bảo đảm hoạt động 24/24 giờ, đầy đủ 3 ca/ngày.
“Vai trò của cấp cứu ngoại viện đối với bệnh nhân là rất quan trọng, giúp tối ưu hóa được quá trình rút ngắn thời gian cấp cứu. Công tác cấp cứu người bệnh tại chỗ và vận chuyển cấp cứu người bệnh đến các cơ sở điều trị là vấn đề cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Việc hình thành một mạng lưới cấp cứu ngoại viện để đảm trách công tác cấp cứu ngoại viện trong đời sống hằng ngày, cũng như trong tình huống có thảm họa là hướng đi đúng đắn và phù hợp thực tiễn”, bác sĩ Thông cho biết.
PHAN CHUNG