Y tế - Sức khỏe
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng
Thời tiết nắng nóng, cũng là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thói quen sử dụng, bảo quản thực phẩm, mua thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không kiểm định về chất lượng... là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm hiện nay.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tại quận Sơn Trà chuẩn bị bữa ăn cho khách, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: PHAN CHUNG |
Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố liên tục tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề ATTP. Cụ thể, đường dây nóng của ban tiếp nhận thông tin về việc nhân viên bán hàng cửa hàng bánh mì đường Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ) chưa thực hiện vệ sinh tốt trong quá trình chế biến, không mang khẩu trang và găng tay. Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở không chấp hành các quy định về ATTP, lực lượng chức năng đã xử phạt 6 triệu đồng về hành vi không duy trì bảo đảm vệ sinh nơi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến và sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Tương tự, Ban Quản lý ATTP nhận được thông tin phản ánh về cơ sở sản xuất bánh mì đường Khánh An 11 (quận Liên Chiểu) sản xuất thực phẩm trực tiếp trên nền gạch men, không bảo đảm ATTP. Ban đã xác minh, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất, phát hiện cơ sở không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, đề nghị ngừng hoạt động kinh doanh trong một thời gian để khắc phục những tồn tại.
Theo Ban Quản lý ATTP thành phố, thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, vi-rút gây bệnh đường ruột phát triển. Thêm vào đó, nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm hoặc nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng… điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố, có thể phân chia thành 4 nhóm chính, gồm ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng (do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn; do vi-rút; do ký sinh trùng; do nấm mốc và nấm men); Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu; Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc và Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học. Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng như buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC...
“Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Nhanh chóng làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài, có thể dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để nôn ra thức ăn. Sau đó cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám. Việc thăm khám để xác định nguyên nhân gây ngộ độc rất quan trọng để kịp thời được cấp cứu, khẩn trương điều trị để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, ông Hải cho biết.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là vào mùa nắng nóng, Ban Quản lý ATTP thành phố khuyến cáo mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Khi lựa chọn mua thực phẩm nên lựa mua thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Không nên mua các loại thịt chưa qua kiểm dịch. Cần rửa tay và vệ sinh các bề mặt thường xuyên vì mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm có thể tồn tại nhiều nơi và lây lan xung quanh khu vực chế biến thực phẩm. Không để lẫn thực phẩm sống và chín; thực hiện ăn chín uống sôi, rửa sạch rau quả tươi; che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn thừa của bữa trước khi dùng lại...
“Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mọi người cần tập luyện thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Với vai trò người nội trơ, hãy là người nội trợ thông thái trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”, ông Hải nhấn mạnh.
PHAN CHUNG