.

Y tế - Sức khỏe

Gỡ khó trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế - Bài cuối: Cần sửa đổi, bổ sung chính sách

08:11, 17/05/2024 (GMT+7)

Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, phù hợp yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên, những vướng mắc, bất cập trong việc phối hợp thực hiện chính sách giữa các bộ, ngành khiến các đơn vị, địa phương lúng túng, chậm trễ trong thực hiện. Theo các cơ quan, đơn vị liên quan, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung xung quanh công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), phục vụ hiệu quả, tối đa nhu cầu người dân.

Những bất cập trong khám chữa bệnh BHYT cần được sửa đổi, bổ sung. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, bỏng tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Những bất cập trong khám chữa bệnh BHYT cần được sửa đổi, bổ sung. TRONG ẢNH: Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, bỏng tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, có nhiều quy định không phù hợp. Đơn cử như giá gây tê, giá gây mê chưa được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội thống nhất. Điều này dẫn đến một thời gian dài bệnh viện không được thanh toán giá gây tê trong mổ lấy thai, mặc dù dịch vụ kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng là an toàn và phù hợp, an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Trong 4 năm từ 2020-2023, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chưa được thanh toán chi phí BHYT với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng liên quan đến hoạt động phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê chưa được quy định giá, theo Công văn số 1163/BHXH-CSYT ngày 13-4-2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

“Ngoài ra, những phác đồ, hướng dẫn điều trị, quy trình Bộ Y tế chưa cập nhật kịp thời làm phát sinh những dịch vụ kỹ thuật không được BHYT thanh toán. Một số dịch vụ kỹ thuật triển khai nhưng không có tên trong danh mục kỹ thuật Bộ Y tế nên chưa có giá, bệnh viện vẫn phải thực hiện mà không thu phí. Ngoài ra, giá dịch vụ kỹ thuật BHYT chưa được tính đúng, tính đủ trong cấu thành giá.”, bác sĩ Hội cho biết.

Theo quy định của Luật BHYT, chính sách thông tuyến quận, huyện trong khám chữa bệnh BHYT được thực hiện từ năm 2016 và thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc từ năm 2021 đã tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người có thẻ BHYT. Bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết, chính sách thông tuyến của BHYT tạo điều kiện cho bệnh nhân được quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu mang ý nghĩa rất tích cực. “Tuy nhiên, điều này cũng gây nên tình trạng quá tải cục bộ ở một số cơ sở khám, chữa bệnh. Đơn cử tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, trung bình tiếp nhận khám ngoại trú cho hơn 1.000 lượt/ngày. Nhưng theo quy định tại Thông tư 39, Thông tư 22 Bộ Y tế thì cơ quan bảo hiểm chỉ thanh toán 65 lượt/bàn khám/ngày, nhưng thực tế đơn vị không thể từ chối bệnh nhân được”, bác sĩ Phương cho biết.

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố, trên cơ sở dự toán, kế hoạch giao của Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội thành phố luôn tăng cường công tác quản lý Quỹ BHYT, cố gắng bảo đảm cân đối giữa việc thu và chi của Quỹ BHYT, kết hợp với việc chống lạm dụng và trục lợi BHYT để xây dựng tính bền vững của Quỹ BHYT.

Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố giao quản lý hiệu quả dự toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT được giao, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT và sử dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT tiết kiệm, hiệu quả. “Thực hiện quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, hằng năm Bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng giám định BHYT, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT và phòng, chống tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT. Hiện nay, công tác giám định BHYT cơ bản bảo đảm chính xác, công khai và minh bạch trong giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh”, ông Khánh cho biết.

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, qua nắm bắt và ghi nhận phản ánh từ các đơn vị, hiện vẫn còn một số bất cập trong văn bản hiện hành và việc ban hành văn bản hướng dẫn. Một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ giữa các Luật Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT tế và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Một số quy định trong Luật BHYT chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất hoặc gây lúng túng, khó khăn khi triển khai.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ, công chức làm công tác BHYT, công tác thanh tra y tế còn mỏng và thiếu trong khi chính sách BHYT, khối lượng công việc, nhu cầu khám chữa bệnh có sự thay đổi quá nhanh. “Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT, ngành y tế đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường sự thống nhất trong chỉ đạo nhằm giúp địa phương tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh; tham mưu Chính phủ xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để khắc phục các tồn tại, bất cập sau 14 năm thực hiện luật và đồng bộ với các quy định liên quan tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT.

Bộ Y tế cần chuẩn hóa và cập nhật phác đồ điều trị, bổ sung danh mục kỹ thuật đầy đủ, phù hợp theo chuyên ngành và phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của y học; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham mưu Chính phủ kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật về BHYT phù hợp với thực tiễn; sớm ban hành quy định, hướng dẫn tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế thuộc phạm vi thanh toán của BHYT”, bác sĩ Trình cho biết.

PHAN CHUNG

.