Y tế - Sức khỏe
Đào tạo nhân lực chuyên sâu cho ngành y tế
Sở Y tế đang triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho các cơ sở, đơn vị y tế trực thuộc trên địa bàn. Đây là kế hoạch dài hơi, thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2024-2026, nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực cho các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đào tạo nguồn nhân lực y tế chuyên sâu giúp ngành y tế Đà Nẵng phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trong giai đoạn 2024-2026, Bệnh viện Đà Nẵng cử cán bộ, nhân viên của đơn vị tham gia đào tạo 46 ê-kip chuyên sâu. Một số chuyên ngành, lĩnh vực hướng đến là tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật là quản lý, tuyển chọn, hiến tạng, nhận tạng; đào tạo chuyên sâu gây mê trong cắt lấy gan, ghép gan; đào tạo chuyên sâu hồi sức tích cực trước và sau ghép; phẫu thuật viên cắt và ghép gan; dị ghép tế bào gốc; nội soi mật tụy ngược dòng… Các nơi tổ chức đào tạo là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng kinh phí đào tạo 46 ê-kip chuyên sâu cho giai đoạn này là hơn 8,1 tỷ đồng.
Tương tự, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch cử cán bộ, nhân viên đơn vị tham gia đào tạo chuyên sâu với 109 ê-kip. Một số nội dung đào tạo chuyên sâu rất phù hợp với sự phát triển của bệnh viện như: tiếp cận, xử trí các tình huống thường gặp trong cấp cứu ở trẻ em; da liễu cơ bản; hồi sức lọc máu; điều trị chuyên sâu lao trẻ em; lọc máu liên tục nhi khoa… Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, hiện bệnh viện đang được thành phố tập trung đầu tư, mở rộng quy mô để trở thành cơ sở chuyên khoa sản, nhi hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Việc bổ sung, nâng cao chất lượng chuyên môn là việc làm rất cần thiết. “Ngoài chương trình này, bệnh viện tổ chức nhiều kế hoạch đào tạo với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn. Có những kỹ thuật đòi hỏi phải thực hiện theo ê-kip, chính vì vậy cần sự phối hợp nhất quán trong xử lý, đồng đều trong chuyên môn. Bởi mỗi vị trí đều quan trọng đối với hiệu quả điều trị cũng như sự an toàn của người bệnh”, bác sĩ Vinh cho biết.
Theo Sở Y tế, trong giai đoạn 2024-2026, ngành y tế tổ chức đào tạo 197 ê-kip chuyên sâu cho 7 cơ sở y tế là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn thành phố, gồm: Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt; Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y học cổ truyền. Tổng kinh phí đào tạo cho 197 ê-kip này là hơn 22,2 tỷ đồng từ ngân sách thành phố bố trí cho ngành y tế. Đây là nội dung đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 108/NQ-HĐND về kế hoạch đào tạo chuyên sâu, ê-kip cho nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2024-2026.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các đối tượng tham gia chương trình đào tạo là viên chức, lao động hiện công tác tại các cơ sở y tế nằm trong kế hoạch, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của các cơ sở đào tạo. Viên chức, người lao động sau khi được đào tạo phải cam kết thực hiện nghĩa vụ tiếp tục công tác tại đơn vị thời gian tối thiểu gấp 5 lần thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo ê-kip. Trong trường hợp bất khả kháng không thể tiếp tục theo học khóa đào tạo ê-kip, học viên và đơn vị phải báo cáo Sở Y tế, trình xin ý kiến lãnh đạo thành phố xem xét.
“Căn cứ kế hoạch của UBND thành phố, hằng năm Sở Y tế phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính cùng các đơn vị để ban hành kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, đồng thời theo dõi tiến độ của từng đơn vị, ê-kip, bảo đảm đúng đối tượng, quy định và thời gian. Hiện nay các bệnh viện trực thuộc đã và đang hình thành các trung tâm chuyên sâu, việc đào tạo nhân lực theo ê-kip có vai trò rất quan trọng và quyết định trong việc tiếp nhận, chuyển giao tiến tới làm chủ các kỹ thuật y tế chuyên sâu, phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển của ngành đó là đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG