Y tế - Sức khỏe
Kỹ thuật mới điều trị trẻ dị tật bẩm sinh
Teo thực quản bẩm sinh là dị tật hiếm gặp ở trẻ em. Dị tật này gây gián đoạn đường tiêu hóa ở đoạn ống nối từ miệng xuống dạ dày làm cho trẻ không thể bú được ngay sau sinh. Ngoài ra dị tật này còn gây viêm phổi, suy hô hấp và nhiều nguy hiểm khác nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời.
Ê-kíp bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phẫu thuật cho bệnh nhân nhi. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trong những năm qua, Khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng phẫu thuật thành công nhiều trường hợp mắc bệnh lý này bằng phương pháp nội soi lồng ngực. Phương pháp này vừa giải quyết được dị tật này, đồng thời hạn chế biến chứng lồng ngực do mổ hở, vừa bảo đảm thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ khi lớn lên. Teo thực quản bẩm sinh thường gặp nhất là loại thực quản vừa bị teo gián đoạn đồng thời đoạn này cắm vào đường thở. Dị tật này không những làm trẻ sơ sinh không bú sữa được mà dịch từ miệng và trong đường tiêu hóa có thể chạy vào đường thở của trẻ, gây viêm phổi và suy hô hấp. Ngay khi vừa chào đời, trẻ có biểu hiện tím tái, tăng tiết, sùi bọt, gây nguy hiểm đến tính mạng, cần phải được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp từ các cơ sở y tế trong khu vực được chuyển đến khám, điều trị căn bệnh này. Giai đoạn từ năm 2012 - 2017 bệnh viện hoàn thiện kỹ thuật phẫu thuật tạo hình thực quản ở tuổi sơ sinh bằng kỹ thuật mổ hở ngực, tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng liên quan đến teo thực quản bẩm sinh. Thông qua các chương trình liên kết, đào tạo chuyên sâu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phát triển và làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực điều trị teo thực quản bẩm sinh, nhằm giảm thiểu những di chứng và biến chứng do kỹ thuật mổ hở lồng ngực gây ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Phi Phong, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thời gian gần đây tại các quốc gia trên thế giới, phẫu thuật nội soi lồng ngực điều trị dị tật teo thực quản bẩm sinh được chọn lựa ưu tiên. Các thao tác đều được thực hiện bằng các dụng cụ nội soi nên tránh được tối đa việc xâm lấn vào lồng ngực trẻ sơ sinh. Phương pháp mổ nội soi mang lại các lợi ích vượt trội, đường mổ nhỏ, thẩm mỹ, tránh được nhiều biến chứng trong lúc mổ do quan sát rõ, tránh nhiều biến chứng sau mổ và giúp cho bệnh nhi hồi phục nhanh hơn và hạn chế biến chứng biến dạng lồng ngực do mổ hở khi trẻ lớn.
“Đây là dị tật phức tạp ở trẻ, phẫu thuật nội soi lồng ngực là kỹ thuật khó, ở một phẫu trường rất nhỏ là lồng ngực trẻ sơ sinh nên để điều trị bệnh lý này cần phải phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa như ngoại khoa, sơ sinh, gây mê hồi sức… Cùng với các thiết bị hiện đại tham gia quá trình phẫu thuật”, bác sĩ Phong cho biết.
Việc phát hiện và điều trị sớm ở trẻ bị teo thực quản bẩm sinh có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng trẻ. Phẫu thuật kịp thời sẽ giúp trẻ sơ sinh sớm quay lại cuộc sống với nhu cầu cơ bản nhất là được bú sữa mẹ, đồng thời sẽ tránh các nguy cơ biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của trẻ. Thời gian qua Khoa Ngoại là khoa lâm sàng với chức năng, nhiệm vụ khám và điều trị các bệnh lý và dị tật chuyên khoa như phẫu thuật tiết niệu, tiêu hóa, lồng ngực, chấn thương, bỏng tạo hình, thần kinh… Đặc biệt, Khoa Ngoại cũng là khoa phẫu thuật chuyên sâu về các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Phong, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khoa kết hợp chặt chẽ các bệnh viện tuyến đầu trong nước như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) và hợp tác hằng năm với các tổ chức đến từ Mỹ, Đức, Ý… Các ê-kip sẽ đào tạo trong và ngoài nước nhằm học hỏi, tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu với mục đích nâng cao tay nghề, chất lượng khám, điều trị để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, kịp thời can thiệp, cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo.
PHAN CHUNG