Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận quận Hải Châu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công chương trình “Thành phố 4 an”.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ hộ kinh doanh thức ăn trên đường Huỳnh Thúc Kháng - một trong những tuyến phố chuyên doanh ẩm thực trên địa bàn quận Hải Châu, chia sẻ: “Sau khi được tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về ATTP, bản thân tôi đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc tìm hiểu rõ nguồn gốc sản xuất thực phẩm, cũng như chú ý hơn đến vấn đề an toàn vệ sinh khi chế biến thức ăn để bán cho người tiêu dùng”. Theo chị Thúy, trước đây, chị chưa biết đến những cặp thực phẩm đối kháng, nhưng qua công tác tuyên truyền của các cấp trên địa bàn quận Hải Châu, đến nay bản thân chị đã nắm rõ và biết cách tránh những cặp thực phẩm đối kháng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng nếu chế biến chung.
Hộ kinh doanh của chị Thúy là một trong những đối tượng mà quận Hải Châu tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về ATTP; bởi quận xác định đây là một nhiệm vụ mới, khó nhưng hết sức cấp bách, thiết thực, sát với đời sống nhân dân. Theo bà Nguyễn Thị Thừa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu, đến nay, tất cả các phường trên địa bàn quận triển khai đầy đủ chương trình phối hợp “Vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020” giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường. Qua đó, chú trọng công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức vệ sinh ATTP đến các tầng lớp nhân dân, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm trong công tác bảo đảm ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo kế hoạch của Mặt trận quận Hải Châu, trong năm 2017, công tác tuyên truyền ATTP sẽ được triển khai rộng khắp trên địa bàn các khu dân cư, đến từng người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% các tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP.
Tăng cường công tác giám sát
Không những quan tâm đến công tác tuyên truyền, Mặt trận quận Hải Châu cũng đã phát huy tối đa vai trò giám sát vấn đề vệ sinh ATTP. Bà Nguyễn Thị Thừa cho biết, trong năm 2016, Mặt trận quận triển khai giám sát việc chấp hành pháp luật về ATTP trên địa bàn quận. Theo đó, đã tiến hành giám sát tại Trường tiểu học Núi Thành, Trường mầm non Đức Trí, chợ Mới và tuyến phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng. Qua giám sát, Mặt trận quận Hải Châu đề xuất một số nội dung về bảo đảm ATTP, như: Các trường học cần chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho phụ huynh, học sinh nhằm tuyên truyền kiến thức vệ sinh ATTP; một số trường nên sử dụng thang máy dành riêng cho việc vận chuyển thực phẩm nấu chín, nhân viên không nên đi chung. Đối với các chợ, Ban quản lý chợ cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm chuyển đến, đồng thời tích cực hơn nữa trong quản lý thực phẩm và vệ sinh ATTP trong chợ; tăng cường kiểm tra, xử lý việc không sử dụng tạp dề, găng tay, vệ sinh hàng, quán và sử dụng các dụng cụ đựng thực phẩm không đúng quy định ở các tuyến phố chuyên doanh ẩm thực.
Từ nay đến cuối năm, Mặt trận quận Hải Châu tiếp tục tăng cường công tác giám sát vệ sinh ATTP, trong đó chú trọng nhóm đối tượng là các chợ, nhóm trẻ gia đình; đề nghị các phường tiến hành giám sát các cơ sở chế biến nấm, giá, đậu phụ… Qua đó, phấn đấu thực hiện hiệu quả cam kết “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn”; đồng thời vận động ít nhất 90% số hộ chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn thuộc cấp quận quản lý ký cam kết bảo đảm ATTP; 70% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 70% số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; phường đạt chuẩn đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP.
ĐẶNG NỞ