Từ thông tin của người dân, mới đây, Công an phường Mân Thái (quận Sơn Trà) bắt được một nam thanh niên lang thang có biểu hiện ngáo đá. Sau khi đưa về trụ sở Công an phường, Tổ 550 (Tổ xử lý lang thang xin ăn) của quận Sơn Trà tiếp nhận đối tượng. Qua quan sát ban đầu, đối tượng có biểu hiện khá rõ của một người chơi “hàng đá” đang trong trạng thái “phê”, vì vậy quận phối hợp với Tổ 550 của thành phố đưa đối tượng về Bệnh viện Tâm thần thành phố làm các xét nghiệm kiểm tra và kết quả là đối tượng dương tính với ma túy. Sau khi điều trị (có quản thúc) gần 10 ngày tại bệnh viện, Tổ 550 của thành phố đã mua vé cho đối tượng trở về quê ở An Giang. Trước đó, Tổ 550 của quận cũng tiếp nhận thông tin từ người dân cho biết có một phụ nữ ban ngày lang thang xin ăn, tối ngủ trong những thúng chai úp trên bờ biển thuộc quận Sơn Trà. Qua kiểm tra, đối tượng cũng có biểu hiện sử dụng cỏ Mỹ, nên cơ quan chức năng đã làm hồ sơ chuyển vào Cơ sở Xã hội Bầu Bàng.
Theo ông Ngô Xuân Vinh, Phó phòng LĐ-TB&XH quận Sơn Trà, so với trước đây chừng 1, 2 năm, tình hình người lang thang xin ăn trên địa bàn quận đã giảm mạnh, tuy nhiên gần đây lại xuất hiện những người lang thang còn khá trẻ và có sử dụng trái phép chất gây nghiện. Với các đối tượng này, Tổ 550 của quận phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo hướng đưa vào quản thúc tập trung hoặc đưa về địa phương nơi họ cư trú. Đây là việc làm mất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn phải làm vì để người lang thang có sử dụng trái phép chất gây nghiện trong cộng đồng rất nguy hiểm. Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố cũng cho biết: Nếu trước đây những người lang thang xin ăn bị đưa về trung tâm chủ yếu là người già yếu, trẻ nhỏ, người khuyết tật, thì gần đây còn có cả những người trẻ lang thang có tiền sử sử dụng ma túy. Trong quý 1-2018, trung tâm tiếp nhận 32 người lang thang xin ăn, trong đó có 10 người cao tuổi, 3 trẻ nhỏ, còn lại là người trẻ tuổi. Đặc biệt, trong số này, qua sàng lọc phát hiện một trường hợp từng sử dụng ma túy. “Với những trường hợp này, chúng tôi đều phối hợp với Cơ sở Xã hội Bầu Bàng để kiểm tra và xử lý”, bà Hương nói.
Theo báo cáo của Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, trong quý 1-2018, đơn vị đã tiếp nhận 125 học viên mới, nâng tổng số học viên đang cai nghiện lên 578 người. Qua công tác giáo dục, cơ sở đã cho về hòa nhập cộng đồng 160 người, chuyển cơ quan công an 13 người. Trong số này có 42 người cai nghiện tự nguyện, 180 người nghiện lần đầu, 252 người tái nghiện, 21 học viên ngoài tỉnh, đặc biệt có 111 người có tiền án. Bình luận về những con số này, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho rằng, đây là những con số hết sức có ý nghĩa trong việc bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”. Vì nếu không làm tốt công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý những đối tượng nghiện trong cộng đồng sẽ gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ vào đây, nhiều người có cơ hội cai nghiện và tiếp đến là “chặn đứng” được nguy cơ trở thành người gây mất an ninh trật tự, thậm chí là gây án.
Về phía thân nhân các đối tượng, bà N.T.H ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), trong một lần đến thăm con trai đang cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng đã chia sẻ: Thật tình không ai muốn con em mình vào đây, nhưng nếu lỡ nghiện rồi thì việc đưa vào cơ sở để cai nghiện, tu tâm dưỡng tính là điều tốt cho bản thân con mình và cả xã hội.
THANH VÂN