Lo chất lượng thực phẩm ở chợ

.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) thành phố đang hoàn thiện bộ tiêu chí công nhận chợ ATTP để trình UBND thành phố ban hành quyết định phân cấp. Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP tại các chợ hiện nay cho thấy, việc công nhận chợ đạt chuẩn ATTP còn gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được do còn nhiều bất cập, tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm được bày bán, cung cấp tại chợ.

Là một trong 5 chợ cấp thành phố, trực tiếp do Sở Công thương quản lý nhưng nguy cơ mất ATTP vẫn diễn ra hằng ngày tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu). Tại gian hàng thực phẩm tươi sống, một số loại thực phẩm như lươn, ếch được các tiểu thương làm thịt ngay giữa nền nhà, bên cạnh là rãnh thoát nước thải và nền gạch lênh láng nước. Thịt lươn, ếch và các loại cá sau khi được làm thịt xong bị vứt lăn lóc trên tấm bạt ni-lông cũ, nhầy nhụa. Chị T., một tiểu thương chuyên cung cấp lươn đã qua làm thịt cho biết, đây là thói quen, hơn nữa việc làm này bình thường bởi các loại thực phẩm sau khi mua về thì đều phải rửa sạch trước khi chế biến?!

Tương tự, tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), một trong những điểm cung cấp thực phẩm phục vụ cho lượng lớn công nhân, sinh viên, người lao động bình dân trên địa bàn, các gian hàng rau, củ tươi sống được bày bán ngay bên cạnh khu vực chế biến thực phẩm tươi sống, khiến nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Các loại thực phẩm cá, tôm, thịt, nội tạng… được mổ xẻ ngay giữa nền nhà, nước thải có thể văng lên bất cứ lúc nào. Tại các quầy hàng tạp hóa, một số mặt hàng ăn uống như bánh tráng, mì sợi, bún lại được trưng bày lẫn lộn với các sản phẩm như bột giặt, nước rửa chén, dầu gội khiến khả năng hút ẩm rất dễ xảy ra…

Được biết, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 70 chợ truyền thống, trực tiếp cung cấp khoảng 80-90% lượng thực phẩm cho người tiêu dùng thành phố. Trước nguy cơ mất ATTP tại các chợ, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại các chợ, đồng thời khắc phục, sửa chữa những tồn tại, bất cập bấy lâu nay.

Theo ông Nguyễn Tứ, Phó BQL ATTP thành phố, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, vừa qua đơn vị đã tổ chức kiểm tra 12 chợ các loại, kết quả cho thấy những chợ này đều vi phạm quy định về ATTP. Hiện nay, hạ tầng của một số chợ xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn ATTP. Đặc biệt, thói quen, ý thức kinh doanh của các tiểu thương, trách nhiệm của các BQL chợ vẫn còn phớt lờ, xem nhẹ quy định, tiêu chuẩn về ATTP.

“Tình trạng buôn bán thực phẩm để lẫn lộn hóa chất. Khu buôn bán chưa có sự cách ly rõ ràng giữa thực phẩm rau, củ, quả với thịt, cá, các loại hải sản khác. Nhiều sản phẩm thịt được vứt lăn lóc dưới nền nhà, một số dụng cụ như dao, thớt, bàn sau khi dùng xong không được lau chùi, vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm tươi sống chưa kê khai rõ nguồn gốc xuất xứ theo tinh thần Quyết định  35/2017/QĐ-UBND của thành phố”, ông Tứ cho biết.

Theo BQL ATTP thành phố, đối chiếu với Bộ tiêu chuẩn quốc gia chợ kinh doanh thực phẩm (TCVN 11856:2017), hiện nay còn nhiều tiêu chuẩn chưa đáp ứng được. Đó cũng là lý do khiến việc xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí chợ bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi đã tổ chức họp với BQL các chợ, phòng kinh tế các quận, huyện để bàn về giải pháp khắc phục những hạn chế này. Ngoài việc bổ sung kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các tiểu thương cũng là điều hết sức quan trọng, bởi có những sai phạm hiện nay xuất phát từ thói quen, nhận thức sai lệch chứ không phải cố ý. Ngoài ra, cũng cần khuyến cáo người tiêu dùng nên từ bỏ thói quen sử dụng, mua bán ở các quầy hàng có dấu hiệu mất ATTP”, ông Tứ nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.