Trong thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bất động sản trên địa bàn quận Cẩm Lệ diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng, quy mô và mức độ thiệt hại, hoạt động tinh vi đa dạng và liều lĩnh.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân cơ bản chính là sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị mới, dân cư mới, trong khi công tác quản lý Nhà nước còn hạn chế, pháp luật còn nhiều kẽ hở là một trong những điều kiện để loại tội phạm này phát triển.
Những năm gần đây, hầu như năm nào Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Cẩm Lệ cũng khởi tố một vài vụ án liên quan đến loại tội phạm này. Điển hình, năm 2016, vụ án Hồ Thị Nga cấu kết với Trần Đình Chiến (công chứng viên) làm giả hợp đồng công chứng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng thông qua hình thức mua bán đất đai, hoán đổi vị trí đất.
Đến năm 2017, vụ án Trần Quốc Thịnh làm giả hồ sơ sổ đỏ bán cho người khác chiếm đoạt số tiền 330 triệu đồng. Năm 2018, vụ Trần Phước Lộc cùng đồng bọn làm giả hồ sơ giải tỏa đền bù để được cấp sổ đỏ rồi đem bán nhằm chiếm đoạt tiền của người khác với số tiền 530 triệu đồng.
Đặc biệt, đầu năm 2019, Công ty CP Đầu tư và phát triển Quảng Đà đã thực hiện bán 121 lô đất nền dự án Khu dân cư Nam Cẩm Lệ (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) dưới hình thức vẽ dự án, phân lô bán nền, nhận tiền đặt cọc giữ chỗ, qua đó chiếm đoạt của nhiều người số tiền trên 100 tỷ đồng.
Về thủ đoạn, các đối tượng “đánh” vào nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu tích lũy tài sản thông qua đầu tư bất động sản. Đối tượng phạm tội đã dùng thủ đoạn tạo ra các dự án “ma” nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền đầu tư.
Trong một số vụ án, tội phạm này bày ra hoạt động xin phép đầu tư, kêu gọi đầu tư, nhưng thực tế không có, khiến nhiều người cả tin trao giấy tờ, tài sản cho chúng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin về dự án của khách hàng, đưa ra thông tin sai lệch, sau đó nhận tiền của khách hàng rồi chiếm đoạt hoặc bỏ trốn...
Để góp phần đấu tranh phòng, chống với các thủ đoạn phạm tội lừa đảo nêu trên, theo Công an quận Cẩm Lệ, các công ty kinh doanh bất động sản cần công khai minh bạch các dự án, địa vị pháp lý của các công ty, đơn vị liên doanh góp vốn, khả năng thực hiện dự án; niêm yết giá cả, địa điểm triển khai dự án; nơi đăng ký và hợp đồng góp vốn; quy trình mua bán, chuyển đổi bất động sản.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế- tham nhũng, Cảnh sát hình sự quận tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, công tác nghiệp vụ trinh sát nhằm phát hiện kịp thời các biểu hiện làm ăn gian dối của các công ty, doanh nghiệp; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tội phạm lừa đảo; phối hợp với các lực lượng khác của ngành, với các cơ quan hữu quan, chính quyền sở tại, các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới trên các lĩnh vực kinh tế nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế mức thấp nhất tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực này.
NGỌC PHÚ