Multimedia

Ấm áp tình người

08:52, 29/06/2019 (GMT+7)

 

 

Những câu chuyện về ứng xử đẹp của taxi Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, có thể nhắc đến trường hợp tài xế Trần Ngọc Sơn (hãng Tiên Sa) trả lại giấy tờ cho nạn nhân vụ chìm tàu Thảo Vân vào tháng 6-2016 hay tài xế Nguyễn Anh Tuấn (hãng Mai Linh) trao trả gần 200 triệu đồng cho du khách Nhật Bản bỏ quên vào tháng 4-2019.

Ngay trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tài xế Nguyễn Công Khánh (hãng Mai Linh) đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ sinh ngược. “Lúc đó tôi đã cố lái xe thật nhanh nhưng vẫn giữ an toàn tuyệt đối, không để xe dằn xóc vì sẽ ảnh hưởng đến sản phụ và em bé. Gần 5 năm chạy xe taxi, tôi chở rất nhiều sản phụ đi sinh nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm bà đỡ ngay trên xe của mình. Thật may mắn khi chị ấy đã “vượt cạn” thành công. Đến giờ tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình có thể làm được điều kỳ diệu như vậy. Có lẽ hình ảnh đứa bé đỏ hỏn và tiếng kêu đau đớn của người mẹ chính là động lực mạnh mẽ nhất”, anh chia sẻ.

 

Hiệp hội Taxi Đà Nẵng (gọi tắt là Hiệp hội) có 8 hãng thành viên trực thuộc, 1.700 xe taxi được phép kinh doanh với tổng số gần 3000 tài xế.

“3.000 tài xế thì mỗi tài xế sẽ là một hướng dẫn viên, một đại sứ du lịch của thành phố”, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến câu chuyện ứng xử đẹp của những tài xế taxi trong thời gian qua.

Theo ông Nhân, bản thân mỗi doanh nghiệp vận tải taxi thuộc Hiệp hội đều phải trải qua một khóa đào tạo, huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ trước khi được Hiệp hội cấp giấy chứng nhận hành nghề. Trong đó, thái độ phục vụ hành khách của mỗi tài xế là rất quan trọng bên cạnh kinh nghiệm lái xe, trình độ ngoại ngữ…

Đà Nẵng là thành phố du lịch, nhận thức được điều này, Hiệp hội đã kêu gọi đội ngũ tài xế của các hãng thành viên hãy “học” cách tìm hiểu, tư vấn cho du khách những quán ăn ngon sạch, những điểm đến đẹp, nơi lưu trú tiện nghi, điểm mua sắm uy tín với giá cả phải chăng… cũng như hỗ trợ những thông tin khác.

“Chúng tôi yêu cầu mỗi tài xế có thái độ lịch sự, ứng xử thân thiện cũng như trung thực với du khách. Bản thân mỗi doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đều tổ chức những cuộc họp, ghi nhận phản ánh của du khách để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khen thưởng…”, ông Nhân cho biết.

 

Theo ông Nhân, có những tấm gương tài xế điển hình, cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” khi cố tình chạy “vẽ đường” để lấy thêm tiền du khách, tính tiền gian lận, thái độ vô lễ hoặc tham tài sản bỏ rơi...

“Những tài xế yếu kém như vậy đều bị các hãng taxi xử lý kỷ luật và nặng nhất sẽ sa thải để bảo đảm chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn”, ông Nhân cho hay.

 

Bên cạnh đội ngũ tài xế taxi cũng xuất hiện hình ảnh những người dân thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ hay trả lại tài sản cho du khách bị bỏ quên. Họ là những đại sứ du lịch giúp quảng bá hình ảnh thành phố thân thiện, là điểm đến an toàn cho du khách từ khắp mọi miền đất nước và các quốc gia trên thế giới.

Điển hình, sáng 22-6, chị Hoàng Thúy Quỳnh, du khách đến từ Bắc Kạn đã bày tỏ niềm vui mừng, hạnh phúc khi nhận lại tài sản là một chiếc túi bên trong có chiếc điện thoại Samsung, giấy tờ cá nhân và hơn 30 triệu tiền mặt từ chị Trần Thị Tri, nhân viên lao công tại nhà vệ sinh ở Công viên Biển Đông.

 

Chị Tri nhớ lại, buổi chiều đó khi dọn xong nhà vệ sinh thì chị thấy một chiếc túi được treo gần vòi nước rửa chân mà không thấy người đến nhận. Nghĩ rằng của ai đó để quên, chị và một người nữa kiểm tra thì thấy có số tài sản lớn nên đã liên hệ với Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để tìm người trả lại.

Ít tiếng sau, chị Tri được thông báo đã tìm được chủ nhân của số tài sản trên và chị đã trao lại toàn bộ tài sản cho người bị mất. Chị chia sẻ: “Mình cũng đã từng bị mất đồ, mất tiền, nên rất thấu hiểu tâm trạng khi bị mất đồ như thế nào. Mình cứ đặt mình vào hoàn cảnh của họ, tài sản là mồ hôi, công sức mình làm ra mà có. Với số tài sản lớn như thế lỡ họ đang có việc gì cần hoặc quan trọng, để rơi, mất thì sẽ tiếc và buồn lắm”.

Qua trò chuyện mới biết, cuộc sống của gia đình chị Tri cũng không khá giả. Trước đây chị làm công nhân may, để có thời gian đưa đón 3 con đi học mỗi ngày, gần một năm nay chị Trần Thị Tri (trú quận Sơn Trà) đã chuyển sang làm lao công dọn dẹp tại nhà vệ sinh ở Công viên Biển Đông thay vì làm công nhân may.

Mỗi ngày, công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm, dọn dẹp để khu nhà vệ sinh luôn sạch sẽ. Dù công việc vất vả nhưng chị Tri luôn tâm niệm mình cần phải làm tốt nhiệm vụ của mình.

 

Thời gian tới, để người dân và du khách ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực nhà vệ sinh công cộng, chị Tri sẽ đề xuất với Ban quản lý cho đặt thêm một số biển báo như “cấm tắm” để mọi người dễ thấy và chung tay giữ gìn vệ sinh tại đây luôn sạch, đẹp.

Người dân thành phố Đà Nẵng luôn ý thức về việc giữ gìn hình đẹp của thành phố mình, thể hiện qua những hành động và cách ứng xử của họ với du khách để chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng thành phố bên sông Hàn ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại và thu hút ngày ngày nhiều khách thập phương. 

 

Giữa nắng trưa nóng bỏng ngày đầu hè của xử sở miền Trung, vợ chồng anh Nguyễn Hùng Hậu và chị Phạm Thị Minh Nguyệt (du khách Hà Nội) lòng nóng hơn lửa đốt khi bỏ quên chiếc balo có chứa tiền mặt và các giấy tờ tùy thân ở trên đỉnh Bàn Cờ, bán đảo Sơn Trà khi đi du lịch Đà Nẵng.

Cho đến khi tận tay nhận được chiếc túi cùng tài sản là 45 triệu đồng tiền mặt và toàn bộ giấy tờ từ hai anh Lê Hồng Khanh và Nguyễn Văn Công, thành viên Đội Quản lý trật tự du lịch biển thuộc Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là đội Quản lý), vợ chồng anh Hậu mới “hoàn hồn” và hết lo lắng, nhờ đó mà chuyến đi chơi của gia đình anh Hậu ở Đà Nẵng cũng ý nghĩa hơn rất nhiều.

Anh Lê Hồng Khanh cho hay, đây không phải là lần đầu tiên các thành viên của Đội Quản lý trật tự du lịch biển nhặt được tài sản rơi/bỏ quên của du khách. Cách đây hai năm có một du khách bỏ quên chiếc túi ở gốc cây đa ngàn năm trên bán đảo Sơn Trà, trong túi có 120 triệu đồng, các thành viên của đội trật tự nỗ lực tìm chủ nhân của nó để trả lại, hay những lần khách rơi điện thoại, rơi giấy tờ… lần nào tài sản của khách cũng được bảo toàn và trả lại cho chủ nhân nguyên vẹn.

“Khi nhặt được khối tài sản lớn, nhiều người sẽ nảy sinh lòng tham, nhưng chúng tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của khách, nếu mình bị mất khối tài sản như thế thì mình sẽ như thế nào? Vì vậy, chúng tôi đều cố gắng tìm cách để trả lại cho du khách”, anh Khanh chia sẻ.

Là điểm đến được yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, mỗi ngày Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn có hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, viếng cảnh chùa. Những ngày cao điểm lên tới vài ngàn lượt khách. Nhiều du khách vì mải ngắm cảnh hay lơ đễnh nên đã để quên tài sản của mình ở các khu vực quanh danh thắng như ở động Âm Phủ, ngọn Thủy Sơn, khu vực thang máy…

 

Điển hình như buổi chiều ngày 7-12-2018, anh Pháp, một nhân viên của Ban quản lý danh thắng đã nhặt được một chiếc ví màu đen trong đó có 60 triệu đồng tiền mặt, 1 passport, 1 thẻ tín dụng Visa và một số thẻ cá nhân mang tên Mi Kyeong. Sau khi kiểm tra, các nhân viên trong ban đã thông báo tìm kiếm và trả lại tài sản cho khách trong cùng ngày.

Hay mới đây, trong tháng 4-2019, anh Thái Hải Chung nhặt được ví của chị Lê Thị Cẩm Tiên, trong đó có 15 triệu đồng và một số giấy tờ cá nhân, ban quản lý cũng đã trao trả lại cho chủ nhân…

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn bày tỏ, từ đầu năm 2018 đến nay, nhân viên của khu danh thắng đã trao trả lại tài sản cho 62 trường hợp khách đánh rơi, để quên tại khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Tâm lý chung của du khách khi mất đồ đều hoang mang, lo lắng vì ngoài mất tiền còn mất giấy tờ tùy thân quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại nhất là đối với khách quốc tế … Vì vậy, khi nhặt được, hoặc có ai nhặt được giao cho Ban quản lý, các nhân viên của ban đều cố gắng nỗ lực liên hệ, tìm mọi cách để trả lại cho khách.

 

Mỗi năm, Đà Nẵng đón lượng du khách lớn đến vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng, một trong những địa chỉ được nhiều du khách, nhất là khách du lịch quốc tế truyền tai nhau, thậm chí lưu số điện thoại khi đi du lịch tại Đà Nẵng. Đó chính là Trung tâm hỗ trợ du khách thuộc Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố.

Bởi, mỗi khi gặp bất kỳ trục trặc gì trong chuyến du lịch của mình từ bị “chặt chém” khi mua ổ bánh mì, bị taxi tính nhầm tiền, đi lạc đường không tìm được khách sạn…  đến bị thất lạc hành lý hay đơn giản là không tìm được khách sạn để ngủ qua đêm cũng có thể gọi đến đường dây nóng của Trung tâm Hỗ trợ du khách để nhận được sự hỗ trợ.

Bất kể là khi nào, chỉ cần du khách có việc gọi đến, đều được các nhân viên trực tổng đài điện thoại, lắng nghe, ghi nhận tình huống và liên hệ giúp đỡ khi cần… Có lẽ vì thế mà nhiều du khách sau khi được các nhân viên của trung tâm hỗ trợ, khi trở về nước đã gửi thư điện tử cho các nhân viên của trung tâm để bày tỏ sự biết ơn chân thành vì đã giúp đỡ họ một cách nhiệt tình lúc họ gặp khó khăn.

 

Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm Trung tâm Hỗ trợ du khách (108 Bạch Đằng và quầy thông tin ga đến quốc nội và quốc tế Sân bay quốc tế Đà Nẵng) đã tiếp nhận khoảng 16.000 lượt khách tới hỏi về các thông tin, đề nghị tư vấn, hỗ trợ… Riêng đường dây nóng tiếp nhận khoảng 200 lượt gọi đề nghị cung cấp thông tin, phản ánh chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố và 30 thư điện tử hỏi đáp, phản ánh dịch vụ của du khách…

Chúng ta thường hay nói đến việc xây dựng một Đà Nẵng thân thiện, an bình, đáng sống; nhưng để đi đến mục tiêu lớn lao ấy, không gì hơn, chính là từ những con người bình dị với những việc làm cụ thể, mỗi ngày.

Đà Nẵng ngày mai tươi đẹp, chính là từ những con người với những hành động tưởng chừng giản đơn ấy, mỗi ngày mỗi ngày thêm vun đắp!

 

 

.