Multimedia
Cứu người bằng cả tấm lòng
“Cũng gần một năm rưỡi đi qua, kể từ hôm đó…”, bà Tô Thị Nguyệt (66 tuổi, trú xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc người con gái ruột Trần Thị Thúy H. (23 tuổi) bình phục sức khỏe sau một thời gian điều trị bằng kỹ thuật ECMO-hệ thống có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi (còn gọi là máy tim phổi nhân tạo - PV) tại Bệnh viện Đà Nẵng. “Hôm đó” chính xác là ngày 13-3-2018.
Chị H. nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày 22-2, được đưa vào khoa Hồi sức tích cực-Chống độc trong tình trạng suy hô hấp, trụy mạch và đặc biệt là chị đang mang thai. Lúc ấy, nguy cơ tử vong của mẹ con chị H. là rất cao bởi sau 4 ngày được hồi sức tích cực, tình trạng của chị vẫn không được cải thiện. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định hội chẩn và áp dụng kỹ thuật ECMO nhằm giữ cho tim và phổi của chị được “nghỉ ngơi”, đồng thời việc tưới máu cho thai nhi cũng được tăng cường.
“Nếu không có các y, bác sĩ, không có sự hỗ trợ kết nối từ bệnh viện với các mạnh thường quân, gia đình tôi không biết sống như răng nữa”, bà Nguyệt tâm sự.
Cái “sống như răng” mà bà Nguyệt nói, là nỗi lo âu trước số tiền hơn 200 triệu đồng để điều trị bằng kỹ thuật ECMO mà gia đình bà không thể kham nổi, bởi gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo. Mặc dù chị H. có đăng ký khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chi phí điều trị bằng kỹ thuật ECMO nằm ngoài danh mục chi trả của BHYT. Trước hoàn cảnh đó, bà làm đơn trình bày gửi đến bệnh viện mong được hỗ trợ.
Để rồi, từ sự kết nối, kêu gọi của Phòng Công tác xã hội (CTXH) thuộc Bệnh viện Đà Nẵng, chị H. nhận được hơn 200 triệu đồng từ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Số tiền này đủ giúp thai phụ H. thanh toán toàn bộ viện phí phát sinh ngoài danh mục chi trả của BHYT.
Sau 4 ngày điều trị bằng kỹ thuật ECMO, chức năng tim và huyết động của chị H. dần ổn định, đặc biệt là thai nhi vẫn phát triển tốt. Sức khỏe của hai mẹ con dần hồi phục. Thời điểm đó, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định, đây là lần đầu tiên bệnh viện sử dụng kỹ thuật hiện đại ECMO trên một sản phụ và đã cứu sống thành công cả mẹ lẫn con.
Bây giờ, sau một năm rưỡi, chị H. đã có thể lao động nuôi gia đình; cậu bé trong bụng mẹ năm ấy giờ khỏe mạnh, đã đi được những bước lẫm chẫm, được chị H. đặt tên Lê Trần Anh Hiếu. Chị H. bảo, đặt tên con là Hiếu, để tri ân, tỏ lòng biết ơn và nhắc con mãi nhớ đến người đã có công lớn đưa hai mẹ con thoát khỏi vòng tay tử thần, đó là bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu.
Nhớ lại những ngày tháng đó, bà Nguyệt mỉm cười mà mắt ậng nước: “Nhìn con ngày một héo hon trên giường bệnh, tôi đã bấn loạn khi nghĩ rằng con mình đang như đèn trước gió, cháu tôi sẽ không thể thành hình. Số tiền 200 triệu càng khiến tôi tin rằng, tôi sẽ lâm vào cảnh người đầu bạc khóc kẻ tóc xanh.
Thế nhưng, lúc đó, bác sĩ Hiếu và các y, bác sĩ liên tục trấn an mẹ con tôi. Họ bảo mọi chuyện sẽ ổn, các bác sĩ sẽ không bao giờ bỏ cuộc vì vậy gia đình hãy tin vào điều kỳ diệu. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, con gái và cháu tôi có cơ hội sống, điều kỳ diệu không chỉ đến từ sự phát triển của y học mà còn từ tấm lòng của các y, bác sĩ”, bà Nguyệt khẳng định.
“Mổ xong đau lắm, mà vui thiệt, chuẩn bị xuất viện rồi nè”, anh Phan Văn C. (39 tuổi, trú tổ 47, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vừa chỉ vào vết mổ sau lưng vừa cười. Nụ cười đó, theo lời những cán bộ y tế chăm sóc cho anh ở khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đà Nẵng) đã từng là “nụ cười hiếm hoi”. Anh C. vừa trải qua đợt điều trị với tổng chi phí 40 triệu đồng (chưa qua BHYT).
Hơn 20 ngày trước, người đàn ông này nhập viện trong trạng thái đau đớn cùng cực sau một tai nạn ở lưng do té ngã. Anh không có một tấm giấy tùy thân nào trên người. Lúc ấy, anh ít nói, ít cười và… sợ phẫu thuật mặc dù bác sĩ xác định anh cần phải mổ để chữa vết thương
“Lý do anh C. sợ phẫu thuật, một phần nằm ở hoàn cảnh gia đình”, một cán bộ Phòng CTXH chia sẻ. Hỏi ra mới biết, anh C. làm nghề bán hàng rong, kiếm sống qua ngày từ những món hàng như tăm ngoáy tai, gương, lược… Gia đình khó khăn, cha mẹ đều đã già yếu, trong đó người mẹ nằm liệt giường còn người em đang đi nghề biển.
“Mình sợ phẫu thuật, không phải vì sợ đau mà sợ nằm viện dài ngày rồi gia đình không ai đủ sức lo, tiền cũng không có”, anh C. kể lại. “Không ai đủ sức lo”, đó là khi người đàn ông gần 40 tuổi vừa phải nằm một chỗ do vết đau, vừa ám ảnh hai chữ “lẻ loi” giữa 4 bức tường bệnh viện. Anh sợ một mình, dù cho nỗi “một mình” đó anh đã nhiều năm nếm trải trên những bước đường mưu sinh dọc Đà Nẵng, Quảng Nam. Tai nạn của anh vừa qua cũng đến từ một giấc ngủ vội vàng trên bờ tường vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, để rồi tự lăn khỏi tường mà ngã chấn thương.
“Mà cuối cùng, may mắn sao tôi không lẻ loi…”, anh chia sẻ. Bởi, quanh anh có những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… thương bệnh nhân như người thân ruột thịt, rồi anh cũng quý họ như gia đình… thứ ba của mình. Giải thích cho từ “thứ ba”, anh kể “Họ tốt lắm, cũng giống như những người đã từng chăm sóc tôi ở Làng Hy Vọng ngày xưa. Nơi đó như mái nhà thứ hai. Còn ở đây - bệnh viện này là mái nhà thứ ba”.
Dưới “mái nhà thứ ba” này, có những người thương anh như người anh, người chú trong nhà. Anh nằm liệt giường, không đi đứng được. Họ đút cho anh từng muỗng cơm, muỗng cháo, thay từng cái tã giấy… Rồi Phòng CTXH tạo điều kiện cho anh có bảo hiểm chữa trị, dứt điểm vết thương.
Anh “thừa nhận” thật thà: “Có những lúc tôi thấy mình “chướng”, mà cái bệnh này lại càng chướng. Nửa đêm đói bụng, ban đầu ngại ngại không dám nói. Sau mấy cô, mấy chị điều dưỡng hộ lý thấy mình bảo đói thì lo chạy đi mua bún, mua cháo mặc dù trời khuya…”.
Đứng bên cạnh anh, chị hộ lý Đinh Thị Kim Chiến, người chăm sóc cho anh C. ở Khoa Ngoại thần kinh chia sẻ thêm: “Ảnh vẫn còn kể thiếu về chuyện thay tã, thay drap giường. Nhất là tã giấy người lớn. Vì C. không di chuyển được, chuyện vệ sinh cá nhân đều phải có sự hỗ trợ. Có lúc, ảnh hết tã, mình đi kiếm dùm, mua dùm ảnh chứ ảnh thì chắc chắn không có tiền rồi”.
Những tô bún, tô cháo hay tấm tã giấy đó có khi được mua bằng tiền túi của chính những cán bộ y tế. Họ có chung nỗi niềm, thấy bệnh nhân không có tiền lại không có người thân bên cạnh lại càng thương hơn vì sự lẻ loi.
"Không ai muốn nằm viện khi không có tiền bạc và người thân bên cạnh. Nhưng bệnh nhân cô đơn thì tinh thần không bảo đảm, sẽ nặng nề tâm lý và lâu khỏi bệnh hơn. Nếu mình bỏ rơi họ thì vừa trái trách nhiệm vừa áy náy tâm can lắm", chị Nguyễn Thị Tân, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại tim mạch chia sẻ.
Sau lưng chị Tân, ông Huỳnh Văn Th. - một bệnh nhân nghèo sống ở chung cư Phong Bắc (quận Cẩm Lệ) có 7 năm điều trị ở khoa Ngoại tim mạch kể: “Tui bị hở van tim 2 lá, nằm ở đây gần 7 năm rồi. Bữa rồi phải mổ vì bác sĩ bảo tôi có nguy cơ suy tim cao. Bệnh viện kêu gọi được 15 triệu chi phí mổ, tới chừ tui vẫn còn sống. Không có chị Tân chăm sóc, không có các y bác sĩ, không có bệnh viện hỗ trợ thì chắc chi tui còn ngồi đây, anh thấy không?”.
Anh C., ông Th. và chị H. là những người được Bệnh viện Đà Nẵng hỗ trợ điều trị dựa theo một quy trình nhân văn được quy định rõ. Theo ông Hồ Anh, Phó phòng CTXH, đối với những trường hợp bệnh nhân thật sự khó khăn, cần sự giúp đỡ, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ xem xét, rà soát kỹ lưỡng những trường hợp, đồng thời sẽ kết nối với những nhà hảo tâm, các nhóm từ thiện cùng chung tay giúp đỡ bệnh nhân.
Quy trình đó được thực hiện qua 8 bước, gồm có: Tiếp nhận bệnh nhân, xác minh thông tin bệnh nhân, xác định vấn đề-lập kế hoạch hỗ trợ, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, trao nguồn hỗ trợ, theo dõi tình hình của bệnh nhân, lượng giá-kết xuất số tiền đã hỗ trợ và cuối cùng là kết thúc hỗ trợ.
Ý nghĩa của quy trình này thống nhất cách thức tiếp nhận, vận động, trợ giúp, chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ tâm lý, xã hội, miễn giảm viện phí, hỗ trợ phí sinh hoạt, phương tiện vận chuyển, đi lại, mai táng… cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa (gọi chung là bệnh nhân khó khăn).
Trong quy trình này, Phòng CTXH có vai trò đầu mối, xác minh thông tin của bệnh nhân cũng như kết nối bệnh nhân khó khăn với báo chí, những nhà hảo tâm và đơn vị điều trị.
Với trách nhiệm của ngành Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng cũng như nhiều bệnh viện khác tuyệt đối không có sự bỏ rơi bệnh nhân dù là ở hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, để công tác hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn, những trường hợp bệnh nhân có nhu cầu được hỗ trợ sẽ được Phòng CTXH xác minh thông tin rõ ràng, từ đó có sự sàng lọc, rà soát kỹ lưỡng, tránh tâm lý hiểu nhầm sai lệch của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân theo kiểu “Cứ khó khăn là sẽ được hỗ trợ hết” hoặc “Không có tiền thì bệnh viện không chữa”.
Không chỉ cứu người bằng chuyên môn kỹ thuật, bằng kỹ năng nghề nghiệp, mà đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng cứu người bằng cả tấm lòng…