Multimedia
"Hồn Việt" trong lòng phố
Chúng tôi mua vé đi xem “Hồn Việt” vào cuối tháng 10, hơn 3 tháng sau khi chương trình nghệ thuật truyền thống này được sáng đèn gần như mỗi đêm tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (sau đây gọi tắt là nhà hát). Tên tiếng Anh của chương trình dịch sát nghĩa là “The Soul of Vietnam”. Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát, cái tên này thể hiện mong muốn tổ chức một chương trình nghệ thuật mang đậm dáng dấp, tâm hồn của người Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Tuấn cho hay, tiền thân của “Hồn Việt” thực ra đã có từ gần 10 năm trước. Năm 2010, nhà hát đã xây dựng một chương trình với tên gọi “Bức tranh quê” với lịch diễn phục vụ du khách định kỳ vào tối thứ tư và tối thứ bảy, được du khách đánh giá khá cao về chất lượng nghệ thuật.
Thế nhưng, hành trình của “Bức tranh quê” cũng dần đi về những ngày “vắng lặng”. Vắng lặng theo đúng nghĩa đen. Từ năm 2015 trở đi, lượng khách đi xem chương trình giảm dần, sân khấu cũng dần thưa khán giả, có lúc chỉ còn khách lẻ, các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành đã không còn đưa khách đến. Lý do một phần từ những yếu tố khách quan. Thành phố phát triển, nhiều hoạt động du lịch giải trí mới mọc lên, du khách có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, các đơn vị tư nhân đầu tư nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng hơn.
Rồi chính sách chiết khấu phần trăm giá vé với các đơn vị lữ hành cũng hấp dẫn hơn. Với bản thân nhà hát, giá vé xem chương trình vỏn vẹn 50.000 đồng/người là quá thấp để có thể chiết khấu tốt với các đơn vị lữ hành. Cùng với đó là nhiều vấn đề khác liên quan đến giao thông, du lịch…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Nguyễn Thị Hội An cho hay, từ thực tế trên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở VH-TT đã phối hợp với nhà hát xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc hơn để phục vụ du khách.
Ý tưởng chương trình ra đời từ tập thể nhà hát, sau đó được lãnh đạo nhà hát xâu chuỗi lại để thực hiện. Sau khi lên kịch bản, dàn dựng xong, nhà hát tổ chức diễn thử cho các đơn vị lữ hành xem trước, góp ý. “Cái khó là làm sao để xây dựng được một chương trình đặc trưng, chỉ riêng Đà Nẵng mới có. Có đơn vị bảo tại sao không đưa hát chầu văn vào, có người lại nói tại sao không làm chương trình có tính giải trí cao hơn?”, ông Tuấn cho hay.
Cầm trên tay tấm vé và tờ rơi in thông tin chương trình, anh Lee Won Jun, du khách đến từ Daegu (Hàn Quốc) cho biết: “Lần đầu tôi đi xem chương trình và nhận thấy cách tổ chức có gì đó giống với sân khấu Nanta Show ở Seoul, chỉ khác ở chỗ, Hồn Việt là sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu hơn”.
Sự đa dạng loại hình như du khách nói trên chia sẻ, là một hướng đi của nhà hát trong việc kết nối, quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống đến du khách theo một cách dễ xem, dễ cảm nhận, tránh sự nhàm chán. Hồn Việt không chỉ có các trích đoạn tuồng kinh điển như “Nguyệt cô hóa cáo”, hoạt cảnh “Ngày hội quê tôi” mà còn có hòa tấu nhạc cụ dân tộc, độc tấu đàn bầu, múa truyền thống, múa Chăm… Thời lượng chương trình 1 tiếng, với đủ đầy nét văn hóa truyền thống được gói gọn.
Theo bà Nguyễn Thị Hội An, đến thời điểm hiện tại, “cái được” của Hồn Việt về mặt nghệ thuật là sự phong phú với nhiều trích đoạn, tiết mục đặc sắc, trình độ nghệ thuật nhuần nhuyễn và ít nhiều đã để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách. Đặc biệt là “chất” tuồng vẫn được duy trì đúng hướng, không sai lệch.
Sau hơn 3 tháng “sáng đèn”, trong giai đoạn 1 từ 30-7 đến hết tháng 8, lượng khách đến nhà hát trung bình khoảng 35 người/đêm. Từ 1-9 đến hết tháng giảm còn 18 người/đêm. Tuy nhiên, vào tháng du lịch thấp điểm, số người đến xem chỉ 4-5 người, chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng vé đặt trước. Theo lãnh đạo Sở VH-TT cũng như lãnh đạo nhà hát, đây là những con số bước đầu trong hành trình còn chập chững của một chương trình nghệ thuật truyền thống.
Có mặt ở một số đêm diễn, phần nào thấy được sự thưa vắng khán giả. Chia sẻ về điều này, ông Trần Ngọc Tuấn thẳng thắn nhìn nhận: “Đến lúc này, chúng tôi đã yên tâm về nội dung chương trình biểu diễn của Hồn Việt, cái chính là phải tìm cách đổi mới về cách tiếp cận, cách khai thác để tìm ra khán giả. Dù có khán giả hay không thì các nghệ sĩ vẫn sẽ diễn nghiêm túc, hết mình vì sẽ tạo cho nghệ sĩ điêu luyện, bản lĩnh sân khấu. Thời gian đầu chấp nhận lỗ nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục”.
“Cũng có một vài đơn vị lữ hành tâm huyết, đau đáu bảo ít khách như thế này thì có trụ nổi không, tôi bảo được, anh em nhà hát mình xác định thời gian đầu sẽ rất khó khăn nhưng mình phải chấp nhận, vì để tạo một điểm đến phải là quá trình chứ không phải ngày một ngày hai”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc nhà hát chia sẻ: “Không có cây gậy thần hay chiếc chìa khóa vàng nào có thể tạo nên sự thành công tức thì cho một sân khấu. Hồn Việt đang trong quá trình xây dựng, sàng lọc nên việc chưa hút được số đông khán giả là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu như được đầu tư đúng hướng với sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực đầu tư của nghệ sĩ thì tôi nghĩ chương trình sẽ được nâng tầm”.
Hiện tại, một thông tin vui được ông Trần Ngọc Tuấn chia sẻ, đó là có 15 đơn vị đã hứa sẽ đồng hành, chia sẻ cùng với nhà hát trong việc đưa khách đến với Hồn Việt. Rồi trong tương lai gần, nhà hát đang xây dựng một chương trình lớn với sự tham gia của nhiều biên đạo, nghệ sĩ tên tuổi.
Chương trình này dự kiến sẽ có tên gọi là “Trầm tích sông Hàn”. Theo bà Nguyễn Thị Hội An, nếu được triển khai suôn sẻ, “Trầm tích sông Hàn” có thể tiếp nối, nâng tầm của Hồn Việt hiện tại hoặc hoạt động song song với Hồn Việt, trở thành món ăn tinh thần mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.
Bằng tâm huyết của lãnh đạo nhà hát, ông Tuấn chia sẻ: “Ý tưởng của các chương trình sắp tới rất tốt, hứa hẹn nhưng từ nay đến khi đạt được thì còn nhiều gian truân”.
Theo đó, một kế hoạch dài hơi đã được xây dựng, với mục tiêu đến năm 2025 đưa nhà hát trở thành nhà hát tuồng trọng điểm của miền Trung với 2 đội biểu diễn, vừa bảo đảm phát huy nghệ thuật tuồng gần gũi với nhân dân, vừa bảo đảm phục vụ khách du lịch. Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng nơi đây trở thành địa điểm không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Hội An cho biết: “Tinh thần của ngành văn hóa thành phố là chỉ đạo nhà hát hằng đêm sáng đèn, vận động anh chị em kiên nhẫn, tăng cường quảng bá chương trình trên mọi kênh, theo lộ trình nâng cấp từng bước về chất lượng; đồng thời phối hợp với các sở, ngành khác như Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện kết nối du khách”.
Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch), ngành du lịch thành phố đã phối hợp với ngành văn hóa và các đơn vị liên quan quảng bá về tuồng Hồn Việt tại các triển lãm, hoạt động lữ hành trong và ngoài nước như một sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch đề nghị các doanh nghiệp lữ hành đưa “Hồn Việt” vào các tour phục vụ du khách, từng bước kết nối, tạo thói quen cho du khách. “Bản thân nhà hát cần chú trọng quảng bá chương trình đến người dân, học sinh sinh viên, cán bộ viên chức chứ không chỉ riêng du khách”, ông Trung nói.
NSƯT Thanh Tiền đã có 8 năm thủ vai Nguyệt Cô trong vở “Nguyệt Cô hóa cáo”, bên cánh gà, chị tâm sự: “Trích đoạn của Nguyệt Cô tại Hồn Việt chỉ có thời lượng 8 phút. 8 phút để chuyển tải hình ảnh nhân vật cho khán giả cảm nhận là rất khó. Nhưng đây là một nhân vật kinh điển nên bản thân tôi và anh chị em đều muốn diễn cho bằng được. Chỉ cần có khán giả xem là có động lực diễn. Dù khán phòng có lúc đông, có lúc thưa nhưng mọi người đều động viên nhau diễn hết mình vì nhiệm vụ được giao, vì những người đã dành thời gian đến với nhà hát…”
Chúng tôi khép lại câu chuyện bằng lời trao đổi từ NSND Trần Đình Sanh, từ hậu trường sân khấu, ông nói bằng tâm huyết: “Cái vui của nghệ sĩ sân khấu là được nhìn thấy khán giả, chỉ cần diễn và có khán giả là vui. Chúng tôi luôn nghĩ về những sân khấu sáng đèn, vẫn hay đùa nhau “Khán giả nhiều như hạt ngô - ý chỉ một khán phòng đông nghịt khán giả”. Đó cũng là ước mơ chung của nhiều người yêu nghệ thuật với những chương trình như Hồn Việt trong tương lai không xa.