Emagazine

Multimedia - Đà Nẵng chuyển đổi số: Đảng, chính quyền, nhân dân đồng hành

Bài 1: Nỗ lực mang lại sự hài lòng cho nhân dân, doanh nghiệp

20:11, 27/09/2024 (GMT+7)

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

Anh Trần Văn Khỏe, quản lý Nhà xe Sỹ Hùng tuyến Ba Đồn - Đà Nẵng mỗi khi tăng chuyến hay xin thay đổi giờ đi - đến của tuyến xe đều thực hiện hồ sơ trực tuyến.

Khi đầy đủ hồ sơ, bảo đảm thời gian quy định, phía Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng duyệt, gửi kết quả, anh không phải mất công đến bộ phận Một cửa như trước đây.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết đơn vị đã nâng cấp, cập nhật các phân hệ mới trên hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

Qua đó, bảo đảm duy trì cung cấp 100% dịch vụ công toàn trình (cấp độ 4) cho các thủ tục đủ điều kiện triển khai, duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực du lịch, đường thủy nội địa, quản lý hoạt động xây dựng, đăng kiểm và đường bộ; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý Nhà nước chuyên ngành về Giao thông Vận tải lên cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, Bộ Giao thông Vận tải.

Bên cạnh đó, sở rà soát, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 17 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường bộ, lĩnh vực đường thủy nội địa và lĩnh vực hoạt động xây dựng và cắt giảm thời gian giải quyết đối với 7 thủ tục hành chính khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến so với nộp hồ sơ trực tiếp thuộc các lĩnh vực đường thủy nội địa và hoạt động xây dựng.

Đồng thời rà soát, triển khai thực hiện 26 thủ tục hành chính sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã có trong kho dữ liệu số hóa, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công.

 
 
 

Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai đối với 54 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp 4) trên Cổng dịch vụ công thành phố

 

Áp dụng mẫu đơn, tờ khai đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa khai thác dữ liệu có trong kho kết quả thủ tục hành chính số thành phố, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thay thế một phần thông tin khai báo khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Tại Sở Công thương, việc chuyển đổi số được ngành đẩy mạnh từ nhiều năm nay, thực hiện theo đề án của thành phố. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Thị Kim Phương cho biết, hiện nay 100% thủ tục hành chính của sở đã được xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Trong năm 2023, sở đã tổ chức đạt hiệu quả 4 lớp tập huấn chuyển đổi số, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số (ứng dụng trí tuệ nhân tạo, livestream, bán hàng đa kênh…) trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu; tuyên truyền.

 Sở cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, kiến thức, kỹ năng sử dụng các giải pháp về chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng; lĩnh vực công nghiệp, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

 

Trong lĩnh vực quản lý thương mại, ngành hoàn thành xây dựng Bản đồ mua sắm trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Hỗ trợ tiểu thương các chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, lồng ghép vào nội dung đề án chuẩn hoá công tác quản lý chợ tại 4 chợ loại 1 do sở quản lý.

Đồng thời tổ chức chuỗi các hoạt động thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử tại chợ truyền thống và các hoạt động livestream giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, OCOP... tại các chợ.

 

Theo bà Lê Thị Kim Phương, công ty Quản lý và Phát triển các chợ xây dựng, duy trì trang bán hàng “Chợ Đà Nẵng” trên Facebook.

Đặc biệt, công ty lập trang OA Zalo của để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và các hoạt động quản lý khác của công ty.

 

Đồng thời phối hợp với Viettel Đà Nẵng triển khai mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt cho hộ kinh doanh và khách hàng mua sắm tại chợ bằng cách quét mã VietQR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.

Còn đối với ngành y tế, có thể nói chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong khám bệnh, chữa bệnh là nhiệm vụ quan trọng của ngành. Thực hiện mục tiêu này, Sở Y tế phát động thi đua chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Ghi nhận tại các bệnh viện và Trung tâm y tế các quận, huyện cho thấy, công tác chuyển đổi số được triển khai thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh.

Có mặt tại Bệnh viện đa khoa quận Liên Chiểu sáng đầu tuần, nhiều người dân đến sớm để bốc số khám. Bệnh viện bố trí nhân viên tại quầy bấm số để hướng dẫn những người lớn tuổi. Việc bấm số thứ tự được người dân thực hiện thuần thục trước khi ngồi chờ gọi tới lượt để khám, chữa bệnh.

 

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu Chiểu Nguyễn Đại Vĩnh cho biết, nhận thức tầm quan trọng công tác chuyển đổi số, Bệnh viện thường xuyên triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế, hướng dẫn của các đơn vị về công tác chuyển đổi số. 

Theo đó, chú trọng thực hiện đề án tiếp đón người bệnh không dùng giấy mà thực hiện qua Căn cước công dân có gắn chip, ứng dụng VNeID, VssID (quét mã Qrcode); chuyển dần số hóa, các dữ liệu về y tế như bệnh án và chuyển đến đề án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, triển khai phần mềm đơn thuốc điện tử và phần mềm donthuocquocgia.vn; triển khai công tác đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh qua mạng, tạo thuận lợi cho người dân. Trung tâm Y tế cũng triển khai ứng dụng trong công tác truyền thông được triển khai đồng bộ.

 

 

 

Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khẳng định: Một trong những thước đo của Chính quyền điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Một trong những thước đo của Chính quyền số là số lượng dịch vụ hành chính giảm đi, số lượng dịch vụ công mới mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên nhờ công nghệ số và dữ liệu. Thời gian qua, chính quyền các quận, huyện, phường, xã đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

 

 

Mỗi lần làm các thủ tục hành chính cho gia đình, anh Phan Văn Cương (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã vào hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng để đăng ký trực tuyến. Khi đến bộ phận Một cửa, anh tiếp tục vào hệ thống Ứng dụng mã QR để bấm số thứ tự trước khi được gọi vào để làm thủ tục. Mọi thứ diễn ra nhanh và rất thuận tiện.

 

Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh cho biết, thời gian qua địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực tốt công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. UBND quận Cẩm Lệ đẩy mạnh ứng dụng mã QR code hỗ trợ công dân trong giao dịch tại Bộ phận Một cửa.

Cụ thể, quận đã triển khai ứng dụng mã QR code trong tổ chức hệ thống xếp hàng tự động giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư (so với hệ thống xếp hàng tự động truyền thống). Điều này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình tiếp công dân ở Bộ phận Một cửa, như: số lượng công dân đang chờ, dự kiến thời gian đến lượt giải quyết của mình.

Qua đó, công dân có thể chủ động sắp xếp thời gian, công việc để giao dịch tại Bộ phận Một cửa, hạn chế lãng phí thời gian của bản thân và xã hội nói chung khi phải chờ đợi.

 

Cùng với đó, UBND quận tiếp tục triển khai xây dựng mã QR liên kết thông tin, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết cho 180 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận và 90 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND các phường. Những thủ tục này thường xuyên được công dân quan tâm và có nhu cầu giải quyết, giúp công dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin.

Tính từ ngày 1-1-2023 đến hết tháng 6-2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại UBND quận Cẩm Lệ đạt 91%. “Để nắm bắt thêm tình hình thực tế về chất lượng dịch vụ công, năm 2023, UBND quận đã mời Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng, nay là IOC Đà Nẵng khảo sát 1.000 lượt công dân có giải quyết thủ tục hành chính với các tiêu chí độc lập của UBND quận, tỷ lệ hài lòng đạt 98%. 6 tháng đầu năm 2024, UBND quận có 216 lượt đánh giá tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố Đà Nẵng https://dichvucong.danang.gov.vn, 100% ý kiến hài lòng”, ông Vinh chia sẻ.

Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Hòa Vang đã thực hiện tốt công tác chuyển đổ số, trong đó luôn hướng đến sự hài lòng cho người dân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, đến nay 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình với  tổng số 220/220 thủ tục, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tính chung toàn huyện 3.468/3.471 hồ sơ tiếp nhận, tỷ lệ 99,91% (vượt chỉ tiêu thành phố giao năm 2024 là 95%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trung bình tại UBND huyện 1.110/1.297 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 85,58%.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, các xã tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 100%, số hóa hồ sơ đạt 100%, thanh toán trực tuyến đều đạt trên 50%. 11/11 xã đều duy trì các mô hình hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng. Điển hình như xã Hòa Sơn với mô hình “Ngày thứ tư không hẹn, không dùng tiền mặt” trong giải quyết thủ tục hành chính.

Các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Phước ra mắt các mô hình hỗ trợ người dân lưu động như: Thanh niên hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến (Hòa Phong); “Tổ xung kích thực hiện Cải cách hành chính, chuyển đổi số” (Hòa Nhơn); “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” (Hòa Tiến, Hòa Phước) nhằm hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNEID và đăng kí tài khoản định danh.

Xã Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Phú với mô hình điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến như: “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” tại các thôn Tà Lang - Giàn Bí  (xã Hòa Bắc), thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên), thôn Sơn Phước  (xã Hòa Ninh), thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú), “Khu dân cư điện tử” tại thôn Bàu Cầu (xã Hòa Châu), “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến” tại Bộ phận 1 cửa (xã Hòa Khương).

Bên cạnh đó, bộ phận Một cửa điện tử tiếp nhận 100% hồ sơ trên Hệ thống một cửa điện tử; hồ sơ sớm và đúng hạn đạt 4.077/4.086 hồ sơ, tỉ lệ 99.7%; tỷ lệ số hóa hồ sơ tại huyện: 3005/3236 hồ sơ được số hóa, tỉ lệ 93%; tỷ lệ hồ sơ số hóa tại UBND 11 xã trung bình đạt 99%. 100% các phòng, ban, UBND huyện, UBND các xã đã ứng dụng hiệu quả phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông.

Tại báo cáo số 709-BC/BNCTU về kết quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27-10-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy “về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay” trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024,

 

Ban Nội chính Thành ủy cho biết, công tác khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với các dịch vụ công tại các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã cũng được đôn đốc đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, phổ biến hình thức khảo sát này đến với đông đảo người dân.

Tính đến ngày 10-6-2024, thành phố đã có 29.188 lượt đánh giá trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn, trong đó tỷ lệ hài lòng đạt 99,99%.

 

 

 

 

 
 
 
.